Peter Thiel và khoảng khắc Strauss
Trong tiểu luận “The Straussian Moment” (Khoảng khắc Strauss), tỷ phú công nghệ Peter Thiel – đồng sáng lập của Paypal, Palantir và Founders Fund (người nổi tiếng với sách Zero to One, do anh Trần Quốc Khánh dịch sang tiếng Việt) cảnh báo công chúng về quá trình chuyển dịch tâm thức đang diễn ra nhanh chóng trong thế kỷ 21 (nhận định có thể đi ngược số đông): con người ngày càng đặt niềm tin vào sức mạnh của ý chí (will – sự kiên gan bền chí) thay vì tri thức (intellect), tư duy (mind), và sự duy lý (rationality).
Chuyển dịch này bắt nguồn từ một số sự kiện diễn ra 1969: nước Mỹ đưa người lên mặt trăng và sự kiện âm nhạc Woodstock khơi mào cho thế hệ phản văn hóa (counterculture – hay phong trào hippies). Do không còn tin tưởng vào năng lực tư duy quanh một số vấn đề, con người đẩy nền văn hóa theo hướng thiền hành (yoga), cải thiện tâm lý (psychological retreat) hay chìm đắm trong giải trí (entertainment). Quá trình thoái hóa khả năng “duy lý” (năng lực suy diễn logic) được thể hiện bởi niềm tin của công chúng đặt vào trí tuệ tập thể (wisdom of crowds), dữ liệu lớn (big data) hay một số tiến trình cơ học nào đó trong suy tư (mechanistic process – như lập trình tư duy NLP) – đặc biệt là sự xuất hiện của AI (Trí tuệ nhân tạo), với niềm tin tạo ra các cỗ máy tương lai có khả năng tư duy thay cho con người.
Sau khoảng 40 tới 50 năm (từ thập niên 60), từ chung tay kiến tạo mọi thứ trong thế giới thực bên ngoài (extornality), con người chạy sâu vào bên trong (interiority) – thứ mà Thiel đóng khung như cuộc di cư từ địa hạt “chính trị” (politics) sang “giải trí” (entertainment – như sự kiện Woodstock). Ông nhắc lại quan điểm của Carl Schmitt (nhà lý luận chính trị của Đức Quốc Xã) trong tiểu luận : “không bao giờ tìm được sự đồng thuận về những vấn đề quan trọng nhất hay các băn khoăn tôn giáo, đức hạnh và bản chất của nhân loại. Chính trị là một chiến trường không ngừng thúc đẩy quá trình chia rẽ mà con người bị buộc phải chọn phe: bạn bè hay kẻ thù.” Do đó đa số chúng ta dần từ bỏ tham gia chính trị: “Thay vì chiến tranh chết chóc, chúng ta có trò chơi video bạo lực; thay vì vượt qua các thử thách có tính anh hùng, chúng ta đến các công viên giải trí kịch tính/mạo hiểm; thay vì suy tư nghiêm túc, chúng ta rơi vào ma trận thông tin mơ hồ của các chương trình giải trí truyền hình (soap opera). Một thế giới mà chúng ta chìm đắm trong tiêu khiển cho đến chết.”
Điều này tương tự như các chuyển dịch (chủ nghĩa duy lý) diễn ra trong kỷ nguyên Khai Sáng (Enlightenment), khi nhân loại đã quá mệt mỏi với sự giết chóc do mâu thuẫn tôn giáo. Tuy nhiên, cuối cùng thì con người cũng bị đẩy vào thế kẹt (impasse), họ loay hoay tìm kiếm lại một số minh triết hay truyền thống (traditions) xưa cũ để tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống – đôi khi phải trả những cái giá rất đắt (như khủng bố 11/09 ở New York mà ông nhấn mạnh ngay trong phần đầu tiểu luận).
Khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, kéo theo sự sụp đổ của khối Xô Viết, niềm hy vọng “tự do” được lan tỏa mạnh mẽ khắp thế giới – nhưng lãnh đạo một số nước như Trung Quốc (hay châu Á) đã không tin tưởng việc mở cửa (openness) sẽ giúp giải quyết vấn đề. Thay vì thế, bài học họ đúc kết là: nếu mở cửa quá nhiều, mọi thứ sẽ sụp đổ. Nhà kinh tế Henry S. Rowen, năm 1996, từng đưa ra tiên đoán: “Khi nào Trung Quốc sẽ trở thành một nền dân chủ? Câu trả lời là 2015 khi nền kinh tế nước này tăng trưởng đủ lớn. Tuy nhiên, dự đoán này đã được minh chứng là sai lầm hoàn toàn. Trung Quốc ngày nay đại diện cho một nền toàn cầu hóa méo mó (globalization), khi mà dòng vốn của một nước kém phát triển hơn (less developed) lại chảy vào nền kinh tế số một thế giới (Hoa Kỳ) gần 500 tỷ $ để đầu tư trái phiếu chính phủ (chủ yếu là tiền của những người nông dân Trung Quốc) trong khi chiều ngược lại chỉ 100 tỷ $ (từ Mỹ về Trung Quốc). Điều này thật điên rồ, những người nông dân Trung Quốc rót tiền nuôi chính phủ Hoa Kỳ.
Đó là ba nội dung chính trong bài phỏng vấn Peter Thiel rất thú vị do Peter Robinson, viện Hoover thực hiện vào 09/2019 quanh tiểu luận mới của ông: