Quyền lực mềm, Kiểu hình tính cách và PFP
[US – DC]
Mahatma Gandhi đã từng nói: “Niềm tin trở thành suy nghĩ, suy nghĩ trở thành lời nói, lời nói trở thành hành động, hành động trở thành thói quen, thói quen trở thành giá trị, cuối cùng giá trị sẽ trở thành số phận.” Đây là một thông điệp quan trọng của chương trình Professional Fellows Program (PFP).
Nhánh hành pháp và Quốc hội Hoa Kỳ có một nhiệm vụ hiến định là trông coi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Bên trong nhánh hành pháp, bộ nhà nước hay ngoại giao Hoa Kỳ là đơn vị dẫn dắt các cơ quan ngoại vụ do Thư Kí Nhà Nước hay Ngoại trưởng điều hành, người được xem là cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại (ảnh hưởng mềm) cho Tổng thống mặc dù các viên chức hay các cá nhân khác cũng có thể có tầm ảnh hưởng lớn hơn về đối ngoại. Bộ thúc đẩy các mục tiêu và mối quan tâm của Hoa Kỳ đến thế giới thông qua định hình các chính sách: nhập cư, visa, viện trợ (dân sự như USAID hay quân sự), hợp tác với định chế đa phương (như UN – Liên Hiệp Quốc, WTO – Tổ chức Thương Mại Thế Giới, IMF – Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, WB – Ngân hàng thế giới) cùng các chương trình trao đổi văn hóa và giáo dục – trong đó có Professional Fellows Program (PFP), một chương trình mà mình có nhiều gắn bó.
PFP được điều phối bởi Ủy Ban Giáo Dục và Văn Hóa (ECA) thuộc Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nhằm mục đích nâng cao năng lực lãnh đạo cho giới trẻ ở nhiều khu vực trên thế giới xoay quanh bốn mảng: Môi trường bền vững, Xã hội & Quản trị công, Tăng cường kinh tế và Gắn kết công dân. Các cá nhân tiềm năng được lựa chọn tham gia (còn gọi là fellow) sẽ có từ 4 đến 6 tuần trải nghiệm ở các tổ chức liên quan ở Hoa Kỳ qua sự sắp xếp của một loạt các đối tác ECA trong đó có American Councils & ACYPL – đơn vị lần lượt điều phối trải nghiệm PFP của mình ở Seattle (2017) và DC (2019) (các đối tác khác: East-West Center, ICMA, AUCD, ITD, WorldChicago, WSOS, WorldLearning, Legacy International, US-China Relation, Gaylord College, Michigan State University, Mansfield Center).
Riêng mùa Xuân 2019 đã có tổng cộng 278 fellow từ 60 quốc gia (trong đó khu vực ASEAN có khoảng 25 – 30 fellow qua chương trình PFP YSEALI) đã tham gia trao đổi tại 37 bang nằm rải rác khắp Hoa Kỳ. PFP trong năm 2019 sẽ đưa tổng cộng 550 fellow từ 60 quốc gia đến Hoa Kỳ và khoảng 200 fellow Hoa Kỳ ra bên ngoài. Đây chính là chương trình đã đưa mình đến làm việc tại trung tâm IEC thuộc Đại học Seattle trong năm 2017, tạo dựng nền tảng cho dự án Coffee Warriors, đồng thời kết nối mình với hệ thống quỹ xã hội Hoa Kỳ để tìm kiếm vốn rót cho một số dự án ở Việt Nam.
Cách đây 4 tháng, nhờ hội nghị PFP Congress (PFPC) tại DC mà mình có dịp hội ngộ với mạng lưới PFP thông qua lời mời tham gia điều phối, chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý tưởng từ Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. PFPC là nơi gần 250++ PFP fellow tái ngộ sau gần 5 tuần làm việc ở các tổ chức khác nhau ở Hoa Kỳ – một diễn đàn để ECA tổng kết lại một mùa PFP, kết nối chuyên gia ở DC đồng thời khuyến khích hoạt động của mạng lưới cựu fellow thông qua giải thưởng AIA mà mình cùng ba người bạn khác may mắn được lựa chọn (Alumni Impact Award): Maria Monchari Omare, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của The Action Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận có nhiệm vụ hỗ trợ cho những người khuyết tật ở các cộng đồng nghèo khó ở Nairobi, Kenya; Claudia Baez, một nhà báo điều tra đến từ Bogota, Colimbia, đồng sáng lập của Cuestion Publica – một tổ chức truyền thông giám sát tham nhũng và lạm dụng quyền lực (kiểm tra sự giàu có của 20 thành viên Quốc Hội); Tiếp theo là Susan Hay Patrick, CEO của tổ chức United Way of Missoula County, người có kinh nghiệm hơn 40 năm trong lĩnh vực phi lợi nhuận, cụ thể như việc dẫn dắt các chương trình cộng đồng ở Missoula nhằm hỗ trợ cho các sinh viên, cải thiện giáo dục sớm ở trẻ em, chấm dứt nạn vô gia cư, chống béo phì trẻ em. Hội nghị được tổ chức ở khách sạn tuyệt đẹp Capital Hilton, một địa điểm lịch sử chỉ cách Nhà Trắng vài bước chân do tập đoàn Braemar Hotels & Resorts quản lý.
Mỗi đại diện AIA phải chuẩn bị bài thuyết trình dài tối đa 20 phút xoay quanh các sáng kiến và dự án khởi phát từ PFP, trong đó phiên của mình và Claudia diễn ra ngay sau phát biểu khai mạc của các nhân vật quan trọng (phía Hoa Kỳ): Lily Rosenbaum – CEO của ACYPL, Robert Ogburn (một người Mỹ gốc Việt) Giám đốc điều hành của Văn phòng trao đổi công dân (thuộc ECA) – và cô Marie Royce – Trợ lý Bộ trưởng Bộ ngoại giao. Nội dung chính yếu mình chia sẻ là về dự án Coffee Warriors, nông nghiệp ở khu vực ASEAN, dòng chảy cơ hội – thách thức của giới trẻ cùng trải nghiệm với cộng đồng YSEALI. Hội nghị PFPC 2019 sau đó tiếp nối bằng các workshop chuyên sâu về nhiều đề tài: Doanh nghiệp xã hội, Phụ nữ, Quyền của người khuyết tật, Môi trường bền vững, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nhà nước Pháp quyền & Quản trị công, Gây quỹ và Hợp tác công tư (PPP) để giúp các fellow có thể tìm kiếm tri thức liên quan trong lĩnh vực của mình. Song song với đó là các phiên thảo luận chính yếu (keynotes) do Combs & Company và Truman dẫn dắt xoay quanh hai đề tài lớn: kiểu hình tính cách và định vị giá trị.
Tiến sĩ Deidre Combs thuộc tổ chức Combs & Company, một đối tác chiến lược của PFP đã giới thiệu đến cho các fellow một khái niệm khá thú vị gọi là “mâu thuẫn mặc định” (default conflict). Mỗi cá nhân đều có những thuộc tính độc đáo liên quan đến khả năng chịu đựng căng thẳng (stress) hay cuộc đấu tranh bản năng riêng (distinct battle). Bạn có thể là kiểu người chỉ muốn lặng lẽ quan sát tổng thể bên ngoài (look for cover) hoặc cực kỳ đam mê đào sâu tìm hiểu bên trong (drive a point home). Hoặc bạn có thể là kiểu người ngay lập tức đưa ra một giải pháp được xem “hoàn hảo” hoặc rất bảo thủ, cẩn trọng đặt các câu hỏi một cách kĩ càng. Tùy thuộc vào vấn đề bạn phải đối diện cùng “mâu thuẫn mặc định” mà tình huống có thể đè bẹp bạn và khiến bạn trở nên mất kiểm soát, hờn dỗi, thiếu nhạy cảm hoặc trở nên trì trệ (do đi vào vùng default conflict). “Mâu thuẫn mặc định” là một nhân tố tính cách cơ bản của mỗi cá nhân đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận phù hợp khi làm việc chung với nhau để tránh đẩy không gian làm việc vào trạng thái căng thẳng.
Khái niệm trên liên quan đến quá trình khám phá kiểu hình tính cách, một công cụ có vẻ như chỉ mới được phát kiến trong vài thập kỉ gần đây của khoa học quản trị nhưng thực ra đã được thực hành hàng ngàn năm qua trong các cộng đồng tôn giáo hay sắc tộc khác nhau.
Cụ thể hơn là việc phân loại tính cách dựa trên các nhân tố tự nhiên: Đất, Nước, Lửa, và Không Khí tương ứng với bốn kiểu hình tính cách khác nhau – chúng ta có thể tìm thấy phương pháp này ở Trung Hoa, ở lục địa Ấn Độ (Indian Ayurvedic), hay trong Shaman Giáo của người Mỹ Bản Địa (Shamanism). Người theo đạo Phật hay Hindu cũng lựa chọn việc “thực hành tinh thần” dựa trên các nhân tố cơ bản này. Đạo Giáo (hay Tiên Đạo/Taoism) ở Trung Hoa thì gán các thành tố trên cho vai trò của các cá nhân trong xã hội. Khi bạn kết nối với nhân tố tự nhiên nào đó, bạn sẽ có cùng kiểu hình với nó – như kiểu hình tính cách gắn với Đất, bạn sẽ có thuộc tính của Đá, Núi, hay Mặt Đất (sự điềm tĩnh, chính chắn, bảo thủ).
Tất nhiên là mỗi nền văn hóa lại có cách lý giải hoàn toàn khác biệt, người Trung Hoa và Phi Châu thường gắn ngày sinh của bạn với kiểu hình tính cách cơ bản. Trong niềm tin của tôn giáo bí ẩn Sufi, các nhân tố cơ bản sẽ quyết định bạn trở thành người như thế nào. Dù rằng cách thức trên không thực sự phổ biến trong dòng văn hóa phương Tây nhưng nó lại ngầm ẩn một cách đặc biệt trong ngôn ngữ, cụ thể như sự gắn kết giữa Đất – tính vật lý, Nước – cảm xúc, Lửa – tâm linh hay sáng tạo, Air – tinh thần. Qua một số bài trắc nghiệm cơ bản, giáo sư Deidre đã giúp các fellow tìm kiếm cặp nhân tố cơ bản gắn với họ từ đó giúp định vị phong cách lãnh đạo phù hợp theo một mô hình do nhà tâm lý học Daniel Goleman khởi xướng (người nổi tiếng phân tích sâu về khái niệm Trí thông minh Cảm Xúc): mô hình 6 miếng bánh lãnh đạo: Huấn Luyện, Tầm Nhìn, Thúc Đẩy Tốc Độ, Áp Đặt, Dân Chủ, Liên Kết. (như hình dưới cùng bảng mô tả)
Ngoài ra còn có nhiều phương pháp phân chia tính cách phức tạp hơn như mô hình OCEAN (5 kiểu hình tính cách) và MBTI (16 kiểu hình tính cách) thường được các tập đoàn đa quốc gia ứng dụng trong tuyển dụng và phân việc cho nhân viên. Một nhà tâm lý học Thụy Sĩ tên Carl Jung đã phân tích cách con người trải nghiệm thế giới qua 4 chức năng tâm lý cơ bản: xúc cảm (sensation), trực giác (intuition), cảm giác (feeling), tư duy (thinking) để từ đó diễn giải thành 4 cặp đối nghịch: Hướng Nội/Hướng Ngoại, Xúc Cảm/Trực Giác, Tư Duy/Cảm Giác, Phát Xét/Nhận Thức – là cơ sở để Briggs và Myers xây dựng lên bộ MBTI. Các bạn có thể truy cập trang web thú vị sau để làm thử bài kiểm tra MBTI để xác định xem mình sẽ thuộc nhóm nào sau đây: Các nhà phân tích, Các nhà ngoại giao, Người canh gác, Người Khám Phá.
Phần quan trọng tiếp theo của PFPC 2019 – “định vị giá trị” do một tổ chức chuyên về hoạch định chính sách an ninh quốc gia và quan hệ quốc tế ở DC điều phối – Truman National Security Project. Bảng khảo sát của Truman dành cho các fellow xoáy sâu vào các đề tài lớn: Đánh giá bản thân (Self-Evaluation), Di sản cá nhân (Personal Legacy) và Câu chuyện của bản thân (Story of Self) – nền tảng giúp fellow định vị các giá trị sẽ đem đến sức mạnh cho họ. Mình có thể kể ra một số giá trị mà mình coi trọng trong bộ khung gần 150 giá trị của Truman: khiêm tốn (humility), chính trực (integrity), sáng tạo (creativity), phiêu lưu (adventure), hạnh phúc (happiness), cải thiện (advancement), tăng cường sức mạnh (empowerment), vị tha (compassion), trách nhiệm (responsibility), thấu hiểu (understanding).
Truman sau đó đã trích dẫn một câu nói nổi tiếng của lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi: “Niềm tin trở thành suy nghĩ, suy nghĩ trở thành lời nói, lời nói trở thành hành động, hành động trở thành thói quen, thói quen trở thành giá trị, cuối cùng giá trị sẽ trở thành số phận” để minh định tầm quan trọng của định vị giá trị.
Phần tổng kết của Hội nghị PFPC 2019 như thường lệ được tổ chức ở tầng 6 trụ sở của Bộ ngoại giao (DOS) – một dịp để Hoa Kỳ phô diễn sức mạnh mềm đến các fellow. Tòa nhà toạ lạc ở khu Foggy Bottom, vốn trước đây từng là cơ sở đầu tiên của Bộ Chiến Tranh (Department of War) trong thế chiến II nay là trụ sở chính của DOS – được đặt theo tên Tổng thống thứ 33 Harry S. Truman. Các fellow được đưa đến sảnh Benjamin Franklin (tên của Bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Hoa Kỳ – state dining room – do John Blatteau thiết kế) nơi tiếp đón không biết bao nhiêu nguyên thủ, chính khách cùng các nhân vật lịch sử lỗi lạc.
Không gian này được nối với một ban công mở (The Secrectaries of State terrace – được cải tạo từ năm 2011) nơi khắc thông điệp mà cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gửi gắm:” Điều làm cho nước Mỹ độc đáo chính là cách mà mỗi cá nhân xuyên suốt lịch sử đã ra sức gìn giữ quá khứ trong khi đó vẫn không ngừng tưởng tượng và bắt tay vào kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn”. Từ đây, quan khách có thể phóng tầm mắt về phía đài tưởng niệm Washington cao vút cùng các công trình lịch sử dọc theo trục National Mall và phía xa các toà nhà cao tầng hiện đại của khu đô thị Rosslyn phía bên kia bờ sông Potomac. Bố cục này giúp các fellow hiểu hơn về lịch sử của DC nói chung và DOS nói riêng, một tổ chức ra đời từ cuối thế kỉ thứ 18, thời điểm Hiến pháp Hoa Kỳ được soạn thảo ở Philadenphia (9/1787 – sau khi được thông qua bởi 13 bang).
Hiến pháp đã trao cho Tổng thống trách nhiệm thực thi đối ngoại Quốc gia. Hai năm sau đó, Thượng và Hạ viện Hoa Kỳ đã chuẩn thuận cho việc thành lập Bộ Ngoại Vụ Hoa Kỳ (Foreign Affair), là cơ quan liên bang đầu tiên được thành lập dưới Hiến pháp mới vào ngày 21/07/1789 và được Tổng thống kí thành luật vào ngày 27/7. Sau đó hai tháng, Bộ được đổi tên thành Bộ Nhà Nước/Quốc Vụ Hoa Kỳ (Department of State – Nhưng tiếng Việt luôn dịch là Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ). Chương trình PFP là một phần nhỏ bé trong ngân sách bộ dành cho các chương trình trao đổi văn hóa và học thuật – một chiến lược nhằm gia tăng ảnh hưởng của Hoa Kỳ lên nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.