Những chú mèo "số"
Mình thích theo dõi các xu hướng công nghệ mới và cách mà nó được ứng dụng vào thực tế – một ảnh hưởng ít nhiều của nền tảng giáo dục “kĩ sư” mình thừa hưởng sau gần 5 năm dùi mài kinh sử ở Bách Khoa. Các điểm chấm công nghệ trên sẽ được gắn với các mối quan tâm khác của mình như các chuyển động xã hội, khoa học chính trị thậm chí là triết học để hình dung bức tranh tương lai. Bài dưới đây mình tổng hợp lại một ứng dụng rất thú vị của công nghệ chuỗi khối “Blockchain” – nền tảng cho sự ra đời của tiền mã hóa Bitcoin – mang tên Cryptokitties và cách mà Blockchain ảnh hưởng tới ngành công nghiệp nghệ thuật “số” trong tương lai.
Trước tiên, nếu bạn nào chưa rõ công nghệ Blockchain là gì có thể theo dõi video dễ hiểu sau của #WEF:
Cryptokittes là tập hợp những chú mèo hoạt hình (mèo ảo) được mã hóa – đúng như nghĩa đen của chữ trên – đồng thời là trò chơi “blockchain” đầu tiên trên thế giới (công nghệ chuỗi khối) từng gây bão cộng đồng mạng. Một trò chơi do các nhà phát triển game/lập trình của Axiom Zen là Dieter Shirley và Layne Lafrance tạo ra. Mỗi chú mèo có một bộ gen (genome) giúp cấu tạo nên ngoại hình riêng và người chơi có thể lai tạo chúng với nhau để tạo ra lòai “mèo” mới (cattributes). Các con vật này có thể được trao đổi và mua bán bằng tiền mã hóa trên thị trường – hệ thống hiện tại đã có những chú mèo trị giá tới 140,000$.
Tham gia trò chơi sẽ giúp bạn trải nghiệm công nghệ chuỗi khối (Blockchain) một cách dễ dàng và trực quan hơn qua việc sưu tập và trao đổi các đồ mã hóa – cryptocollectibales – hay các chú mèo ảo. Một khái niệm khác biệt hoàn toàn với tiền mã hóa – cryptocurrencies (như Bitcoin) – một sản phẩm của công nghệ Blockchain mà bạn đã từng nghe quá nhiều lần trước đây. Những ai sỡ hữu những chú mèo này sẽ nắm trong tay tài sản số – digital assets – hay là các NFTs (non-fungible tokens). Nó cũng giống như việc bạn sưu tập tem hay các thẻ hình của cầu thủ bóng đá ngoài đời thực. Trò chơi được hình thành từ một ý tưởng nghe có vẻ điên rồ – nhưng lại hiện thực hóa được nhờ công nghệ “Blockchain”: “Liệu các đồ vật số (digital good) có trở nên hiếm hoi được hay không?”
Từ thời điểm ra mắt cuối 2017, cứ mỗi 15 phút, công ty Axiom Zen lại tạo ra một chú mèo mã hóa mới mà chỉ một người có thể mua để sở hữu – và họ chỉ thực hiện quá trình này cho đến tháng 11 năm 2018 khi đã gầy dựng được “Thế hệ số 0/Generation Zero” của mèo ảo gồm tổng cộng có 50,000 chú mèo (hay còn gọi là Clock Cats). Những chú mèo này được lưu trữ và phân phối dựa trên công nghệ “hợp đồng thông minh” (smart contract) của nền tảng blockchain của Ethereum (một loại tiền mã hóa). Nhưng điều thú vị của trò chơi này nằm ở khả năng lai tạo các chú mèo với nhau do công nghệ đem lại – thứ mà ngoài đời thực chúng ta không thể làm. Tưởng tượng việc lai hai chú mèo Gen 0 sẽ cho ra một chú mèo Gen 1 hay nhiều hơn tùy thuật toán – và chúng ta sẽ có hàng tỷ tỷ sự kết hợp từ nền tảng Gen 0. Bạn có hai cách để tìm được chú mèo có các đặc tính kết hợp mà bạn mơ ước: ra ngoài thị trường “ảo” để tìm kiếm và mua các chú mèo có sẵn hoặc phải dựa vào cơ chế lai tạo để đi đến các kết hợp mà bạn muốn – nếu may mắn bạn có thể tạo ra một cryptokitty cực hiếm mà chưa ai có. Bạn có tin được không – trò chơi đã thu hút một lực lượng người dùng trung thành bỏ ra tới 23 triệu $ (tương đương gần 30,000 Ethereum) để mua và bán các chú mèo số này kéo theo đó là một loạt các trang web và dịch vụ ăn theo những chú mèo này.
Hãy đào sâu một chút vào công nghệ phía dưới để hiểu kĩ hơn sức hấp dẫn của trò chơi này – những chú mèo ở hệ thống này (như Derface hay Genesis) được cấu tạo bởi bộ genes số giúp tạo nên hình hài của nó – cụ thể là tập hợp 12 thành tố do các nhà thiết kế trò chơi lập ra. Ví dụ như: kiểu hình cơ thể, mắt, mũi, miệng, đuôi cùng các đặc tính đặc biệt khác – gọi là các cattributes. Thuận toán trộn gen của trò chơi được Axiom Zen giữ bí mật. Trò chơi hấp dẫn người dùng ở việc cạnh tranh tìm kiếm các chú mèo với các đặc tính (Traits) mơ ước – việc định giá cao hay thấp là dựa trên nhu cầu thị trường về một “trait” nào đó. Giá càng cao khi trait đó càng hiếm, đây là điểm chung của các ngành công nghiệp sưu tập. Ngoài đời thực, rõ ràng các con tem, xe cổ hay postcard giá càng cao thì vật đó càng hiếm.
Điều thú vị ở đây chính là việc các chú mèo số hoàn toàn có thể trở nên rất hiếm dẫn đến ra đời một thuật ngữ mới: “Digital Scarcity” (Sự hiếm hoi số). Trước khi kỉ nguyên máy tính ra đời, bạn có thể sở hữu một vật hữu hình nào đó mà không ai có trừ khi bạn trao đổi vật đó đi – nhưng khi các đồ vật bị số hóa và dễ dàng truy cập trực tuyến – như một bản nhạc số nào đó – thì khi bạn đưa một ai đó dữ liệu trên mạng Internet thì chúng hầu như đều là các phiên bản sao chép – một kiểu hình trao đổi thịnh hành trong thập niên 90s và 2000s (như trong ngành công nghiệp âm nhạc, tin tức và giải trí). Nhưng Cryptokitties có thể trở nên khan hiếm nhờ Blockchain – bạn có thể mua các chú mèo này bằng tiền Ether (mã hóa) và gắn nó với định danh tài sản của mình mà khó ai có thể làm sai lệch – nhờ hệ thống phi tập trung hóa của Blockchain giúp người dùng kiểm tra chéo để phát hiện các giao dịch giả mạo/sai lệch và bảo vệ quyền riêng tư. Những nhà sản xuất trò chơi cam kết, cryptokitties thuộc về bạn và chỉ bạn – thậm chỉ ngay cả khi trang web Cryptokitties bị sập – chú mèo của bạn vẫn sẽ tồn tại dưới dạng một đoạn mã code trên mạng lưới Ethereum. Hay tưởng tượng một trăm năm sau bạn có thể tặng lại chú mèo Kitty này cho chắt của bạn. Nghe có vẻ rất ngầu phải không?
Trò chơi này là dấu chỉ cho cái cách mà ngành công nghiệp nghệ thuật “số” chuyển động trong tương lai dưới ánh sáng Blockchain. Hãy coi những chú mèo Kitty sơ khởi là những tác phẩm nghệ thuật “số” đậm chất cá nhân. Các giá trị truyền thống mà các nhà tuyển chọn nghệ thuật cổ điển hướng tới như: những ảnh hưởng văn hóa, cảm xúc gắn với không gian hay thời điểm nào đó, sự kết nối cá nhân của con người với tác phẩm – thì tuyệt vời thay lại vốn là bản chất “minh bạch” của blockchain.
Các bạn có thể đọc thêm về luận điểm này của CryptoKitties ở đây
Bạn nào muốn trải nghiệm trò chơi thì tham gia ở đây: