Serendipity

Serendipity

Từ “Serendipity” trong tiếng Anh có một ý nghĩa rất hay mà không có từ với nghĩa tương đương trong tiếng Việt, có thể dịch nôm na là “may mắn” (lucky) hay “tình cờ” (coincidence). Wiki định nghĩa từ này là “occurence of an unplanned fortunate discovery” hay “một phát kiến có được do may mắn và nằm ngoài kế hoạch”. Từ này có gốc từ chuyện cổ Ba Tư mang tên: “Ba hoàng tử của Serendip” kể về chuyến phiêu lưu của các hoàng tử mà những khám phá của họ chủ yếu là do tình cờ và nằm ngoài mục đích chinh phạt ban đầu. “Serendipity” bao hàm ngoài bản thân sự kiện một thứ gì đó có ý nghĩa liên đới lớn lao và tầm quan trọng đặc biệt.

Một câu chuyện có tính “serendipitous” được Rare Earth kể lại là câu của sự biến Ogasawara hay còn gọi là biến cố Chichijima. Vào tháng 9 năm 1944, thời điểm gần kết thúc Thế chiến Hai, phe Mỹ đang tấn công phủ đầu một chuỗi các hòn đảo ở Nhật bao gồm quần đảo Ogasawara, mà cụ thể là hòn đảo Chichijima (như trên hình, còn có tên khác là Đảo Peel). Nếu như bạn ở trong quân đội Nhật, bạn sẽ biết chắc rằng số phận của mình đã được định đoạt. Đại đa số các hòn đảo trong chuỗi này có tỷ lệ binh lính Nhật chết là 100%. Thật dễ hình dung cảm giác lúc đó của lính Nhật: sợ hãi, tức giận, khủng bố căm thù. Trong buổi sáng tháng 9 đó, phe Mỹ cho một phi đội chiến đấu cơ đến quần thảo bầu trời phía trên hòn đảo Chichijima. Binh lính Nhật do tướng Yoshio Tachibana dẫn dắt củng cố tinh thần thép, cầm chắc tay súng và cố gắng bắn hạ nhiều chim sắt nhất có thể.

Nhiều máy bay trúng đạn phải cố gắng đáp thật nhanh xuống hòn đảo trước khi mất lái dẫn đến va chạm, chấp nhận đổi sự sống bằng việc trở thành tù binh chiến tranh, nhưng đó là một quyết định sai lầm. Yoshio Tachibana, chúa đảo, là một kẻ hung bạo (sadist), hắn không muốn bắt giữ tù binh mà tra tấn và giết chết, thậm chí kinh khủng hơn nữa, ăn thịt kẻ thù của mình. Trong số các phi công quần thảo khu vực này, có tám người bị phe Nhật tóm và chỉ có một người may mắn thoát được. Anh dũng cảm đánh cược vào lựa chọn khác: đáp xuống đại dương mênh mông thay vì mặt đất. Tình huống lúc đó thật khủng khiếp: lênh đênh giữa biển trên bè cứu sinh mà không có bất cứ nhu yếu phẩm nào. Cả hai bên Nhật và Mỹ đều tìm cách đưa thuyền ra ngoài khu vực đó: một để bắt giết anh, một để cứu mạng anh.

Điều kỳ diệu là viễn cảnh thứ hai đã xảy ra, chàng trai 20 tuổi được cứu sống bằng tàu Mỹ. Tính “serendipitous” của câu chuyện này nằm ở chỗ, quyết định đơn giản của chàng trai: đại dương hay hòn đảo đã không chỉ thay đổi số phận của anh ta mà suy rộng ra là lịch sử của cả thế giới. Chàng trai 20 tuổi khi đó chính là tổng thống thứ 41 sau này của Hoa Kỳ – George Herbert Walker Bush (cha của George W. Bush). Dù sự thay đổi tốt hơn hay tệ đi còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi, nhưng rõ ràng cuộc sống của hàng trăm triệu người Mỹ hay suy rộng ra là cả thế giới đã thay đổi chỉ bởi một quyết định có vẻ rất nhỏ bé và đơn giản. Số phận của Tachibana thì hoàn toàn khác với George HW Bush, hắn bị treo cổ bởi tòa án tội ác chiến tranh năm 1947. Các bạn có thể tìm quyển sách ăn khách: “Những chàng trai bay: Câu chuyện thật về lòng dũng cảm” của James Bradley để hiểu hơn về “tội ác khủng khiếp: ăn thịt người (cannibalism)” của phe phát xít trong thế chiến II.

Câu chuyện này được Rare Earth, một vlog du lịch kể lại dưới đây – một kênh “food for thought”/ “bổ não” mà mình khuyên các bạn trẻ nên theo dõi: