Tại sao chúng ta phải hành động ngay #coronavirus
WHO đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu (pandemic) trong buổi họp báo ngày 11/03 cùng lúc với sự bùng phát dịch bệnh ở phần còn lại châu Âu – mà cụ thể trước đó hai ngày, Ý đã cho đóng cửa toàn bộ quốc gia. Thảm họa này đã thực sự chảy đến trước chân mỗi chúng ta, thúc đẩy những suy tư “khó khăn” nhằm bảo vệ cộng đồng nhỏ – to của riêng mình. Kinh nghiệm này cũng đồng thời thôi thúc công chúng nhảy vào địa hạt “dịch tễ” (epidemiology), một nơi khá xa lạ để dò xét những ảnh hưởng liên đới đến nền kinh tế (nếu không nói là những giá trị sâu thẳm của nhân loại). Bài phân tích dưới đây của nhà văn/tâm lý học Thomas Pueyo sẽ giúp soi rọi một góc nhìn duy lý hơn về Covid-19, ông giúp chúng ta quan sát lại lịch sử gần ba tháng bùng phát dịch bệnh, bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc đến mọi ngóc ngách của địa cầu (Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Á khác từng có kinh nghiệm với đại dịch SARS) cùng cách nhân loại hay chính quyền quốc gia phản ứng (cụ thể như ngăn chặn và giảm thiểu) qua hệ thống 23 biểu đồ theo dõi dịch bệnh (số ca nhiễm chính thức vs thực tế, tỷ lệ tử vong, tiên đoán về mức độ lây nhiễm).
Pueyo cũng hướng dẫn chúng ta cách tư duy và chơi đùa với toán học “dịch bệnh”, một mô hình “giản lược” tính toán rủi ro nhằm hỗ trợ cho quá trình ra quyết định, phân tích áp lực lên hệ thống xã hội (đặc biệt là y tế), thiết lập các hướng dẫn phòng vệ “dịch bệnh” cho doanh nghiệp và quan trọng hơn cả đi kèm thông điệp cần khắc cốt ghi tâm:
“Coronavirus đang đến rất gần với tốc độ cấp số mũ: tăng dần và sau đó phóng lên đột ngột. Vấn đề chỉ còn tính bằng ngày, có lẽ chỉ là một hay hai tuần. Khi điều này xảy đến, hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ bị quá tải. Các công dân mắc bệnh sẽ được điều trị ở ngay hành lang bệnh viện. Nhân viên chăm sóc sức khỏe kiệt sức gục xuống, một vài người sẽ chết. Họ sẽ phải ra quyết định bệnh nhân nào được tiếp nhận ống thở oxy duy trì sự sống, và ai sẽ phải chết. Chỉ có một cách duy nhất để phòng tránh việc này là phải thực hiện cách ly xã hội (social distancing) ngay hôm nay, không phải ngày mai mà ngay hôm nay. Điều này có nghĩa là chúng ta phải giữ càng nhiều người ở trong nhà nhất có thể, bắt đầu từ bây giờ.
Là chính trị gia, nhà lãnh đạo cộng đồng hay doanh nghiệp, chúng ta có quyền lực và trách nhiệm để phòng tránh điều này. Bạn có thể mang trong mình nhiều nỗi sợ hãi: Liệu tôi có đang phản ứng quá đáng? Mọi người có cười vào mặt tôi? Hay họ sẽ trút giận dữ lên tôi? Tôi trông có ngu ngốc? Liệu có tốt hơn khi chúng ta trông chờ người khác thực hiện các bước “phòng ngự” đầu tiên? Liệu tôi có làm ảnh hưởng quá nhiều đến nền kinh tế? Nhưng chỉ trong vòng 2 tới 4 tuần, khi toàn bộ thế giới bị giới nghiêm (lockdown), một vài ngày cách ly quý giá của bạn sẽ giúp cứu sống nhiều người, không một ai có thể chỉ trích bạn thêm nữa. Họ sẽ cảm ơn vì bạn đã ra quyết định đúng đắn. Nào, hãy cùng thực hiện nó.”
Quan sát những gì đang diễn ra với Coronavirus, thật khó để ra quyết định chúng ta phải làm gì hôm nay. Liệu chúng ta có nên chờ đợi để có thêm thông tin? Hay làm điều gì đó? Cụ thể nó là cái gì? Trong bài báo này, tôi sẽ phân tích một số khía cạnh của đại dịch, đi kèm rất nhiều bảng biểu, dữ liệu và mô hình đến từ nhiều nguồn khác nhau:
- Có bao nhiêu ca nhiễm coronavirus trong khu vực của bạn?
- Chuyện gì sẽ xảy ra khi phỏng đoán về các ca nhiễm thành sự thật?
- Chúng ta nên làm gì?
- Tiến hành khi nào?
1. Có bao nhiêu ca nhiễm coronavirus trong khu vực của bạn
Tổng số ca nhiễm tăng theo hàm mũ cho đến khi Trung Quốc chặn đứng bệnh dịch. Nhưng sau đó, virus lại rò rỉ ra thế giới bên ngoài và biến thành đại dịch (pandemic) toàn cầu mà không ai có thể chặn đứng.
Và hôm nay, cả thế giới nhìn vào Ý, Iran và Nam Hàn:
Số lượng ca nhiễm lớn ở Nam Hàn, Ý và Trung Quốc khiến chúng ta khó quan sát con số ở các nước còn lại, hãy phóng to góc phải của biểu đồ:
Một vài đất nước có tốc độ tăng trưởng ca nhiễm theo hàm mũ. Đến thời điểm này là các nước phương Tây.
Nếu bạn quan sát tốc độ tăng trưởng trong tuần qua, đây là những gì bạn thấy:
Nếu muốn tìm hiểu về những gì đang diễn ra, hoặc làm thế nào để phòng tránh nó, bạn cần phải nhìn vào số lượng ca nhiễm ở các nước: Trung Quốc, các quốc gia phương Đông có kinh nghiệm trước đó với dịch SARS và nước Ý.
Trung Quốc
Nguồn: Phân tích của Tomas Pueyo với biểu đồ từ the Journal of the American Medical Association, dựa trên dữ liệu thô của Trung Tâm Phòng Tránh và Kiểm Soát Bệnh Dịch Trung Quốc (CDC).
Đây là một trong những biểu đồ quan trọng nhất. Trong đó, các thanh màu cam chỉ cho ta thấy các ca bệnh “chính thức” (được chính quyền xác thực) ở tỉnh Hồ Bắc (Hubei) hay cụ thể là số người được xét nghiệm trong một ngày cụ thể. Các thanh màu xám là các ca nhiễm coronavirus thực sự hàng ngày. CDC Trung Quốc đo lường số liệu trên bằng cách hỏi han các bệnh nhân mới xuất hiện triệu chứng và đang trong quá trình xét nghiệm. Điều quan trọng là các ca nhiễm thực sự vẫn không được biết đến vào thời điểm đó mà chỉ có thể lần ra khi nhìn ngược về quá khứ: chính quyền không đo lường được những người chỉ vừa bắt đầu có triệu chứng mà chỉ thực sự ghi nhận được khi họ tìm gặp bác sĩ để xét nghiệm.
Các thanh màu cam cho chúng thấy những con số mà chính quyền biết còn màu xám diễn tả điều đang thực sự diễn ra. Vào ngày 21 tháng 1, các ca bệnh được xét nghiệm mới (màu cam) bùng nổ: có khoảng 100 ca bệnh mới. Trong khi đó thực tế ngày đó có tới khoảng 1500 ca bệnh mới, gia tăng theo hàm mũ nhưng chính quyền không chân nhận ra, họ chỉ đột ngột biết rằng có 100 ca nhiễm của một loại bệnh mới. Hai ngày sau đó, chính quyền Trung Quốc cho đóng cửa Vũ Hán, thời điểm số ca bệnh mới được xét nghiệm là gần 400. Hãy nhìn vào con số: quyết định đóng cửa thành phố được đưa ra khi có 400 ca bệnh mới trong một ngày, nhưng con số thực tế mà chính quyền có lẽ không thực sự biết là 2500 ca.
Một ngày sau đó, 15 thành phố khác ở Hồ Bắc đóng cửa. Cho đến ngày 23 tháng 1, khi Vũ Hán đóng cửa, bạn có thể nhìn vào phần màu xám: tăng nhanh chóng theo hàm mũ (bùng nổ các ca bệnh). Khi Vũ Hán đóng cửa, các ca bệnh giảm xuống từ từ. Vào ngày 24/01, khi 15 thành phố khác đóng cửa, con số ca bệnh thực sự (màu xám) dường như dừng lại. Hai ngày sau đó, số ca nhiễm thực sự đã chạm ngưỡng tối đa rồi dần dần đi xuống. Cần lưu ý rằng phần màu cam vẫn đang tăng lên theo cấp số mũ, có vẻ như nó vẫn tăng nhanh trong 12 ngày tới. Thực tế không phải như vậy, điều này chỉ phản ánh số ca lây nhiễm “có triệu chứng rõ ràng” nhiều lên khiến lượng bệnh nhân tìm đến bác sĩ tăng đồng thời hệ thống/công cụ xác định các ca nhiễm cũng cải thiện hơn.
Khái niệm ca nhiễm “thực sự” và “chính thức” (true + official) rất quan trọng. Hãy giữ chúng trong tư duy của bạn. Phần còn lại của Trung Quốc được chính quyền trung ương điều phối khéo léo, họ đã có được các số liệu đo lường nhanh chóng và quyết liệt như sau:
Mỗi đường thẳng đại diện cho một khu vực ở Trung Quốc có xuất hiện các ca nhiễm mà tất cả đều có khả năng vươn lên theo hàm mũ. Quan sát những gì xảy ra vào cuối tháng một, Trung Quốc đã thực sự thành công trong việc ngăn virus lan rộng. Trong khi đó, Nam Hàn, Ý và Iran dù có hẳn một tháng để học hỏi những gì diễn ra nhưng đã không thực sự nắm bắt. Họ bắt đầu với quá trình tăng theo hàm mũ của Hồ Bắc rồi các ca bệnh lần lượt vượt qua nhiều khu vực của Trung Quốc vào cuối tháng Hai.
Các nước phương Đông
Dù các ca nhiễm ở Nam Hàn bùng nổ, nhưng tại sao Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Thái Lan và Hồng Kong lại không như vậy?
(Đài Loan không được đưa vào biểu đồ này bởi vì họ chưa vượt qua ngưỡng 50 ca bệnh để có thể phân tích ở đây)
Tất cả các quốc gia trên đều từng đối diện với đại dịch SARS vào năm 2003 và đã học hỏi rất nhiều từ trải nghiệm đó. Họ đã biết cách một bệnh dịch lan truyền cùng đặc tính chết chóc đi kèm hay cách đối diện nghiêm túc với khủng hoảng trên. Đó là lý do tại sao các biểu đồ cho thấy sự tăng trưởng ban đầu nhưng không đạt đến cấp độ “hàm mũ” (tăng vọt lên). Những ngày vừa qua chúng ta đã quan sát thấy câu chuyện chân thực về sự bùng nổ của virus, cách chính quyền các nước trên chân nhận thảm họa đồng thời tìm cách đối phó nghiêm túc. Đối với các quốc gia còn lại, đây là câu chuyện hoàn toàn khác nhưng cần lưu ý điều này: Nam Hàn là một ngoại lệ. 30 ca nhiễm coronavirus đầu tiên được giám sát chặt chẽ. Bệnh nhân thứ 31, người siêu lây nhiễm đã truyền nó cho hàng ngàn người khác. Nguyên nhân xuất phát từ việc virus có khả năng lan truyền trước khi xuất hiện các triệu chứng rõ rệt, chính quyền cần thời gian để nhận ra vấn đề: thực tế là virus vẫn nhởn nhơ bên ngoài. Nỗ lực kiềm hãm bệnh cho thấy, họ đã phải trả giá đắt chỉ cho một ca bệnh. Rõ ràng, Ý đã vượt qua Nam Hàn về số ca bệnh, Iran sẽ theo đuôi vào ngày mai (3/10/2020).
Bang Washington
Chúng ta đã dần nhận ra sự tăng trưởng của các ca bệnh ở phương Tây do sự tiên đoán tệ hại một tuần trước đó. Tưởng tượng quá trình kiềm hãm bệnh không được tiến hành mạnh mẽ như ở Vũ Hán hoặc ở các nước phương Đông, chúng ta sẽ có một đại dịch khổng lồ. Hãy cùng quan sát một vài ca bệnh, như ở Bang Washington, Khu vực vùng vịnh San Francisco, Paris và Madrid.
Bang Washington là Vũ Hán của Mỹ. Số lượng ca bệnh tăng theo hàm mũ. Hiện tại là 140. Nhưng có một điều thú vị diễn ra từ rất sớm, tỷ lệ người chết đã chạm ngưỡng, có lúc tiểu bang có tỷ lệ cứ ba ca bệnh thì có một người chết. Chúng ta biết rằng ở những nơi khác, tỉ lệ tử vong của coronavirus dao động từ 0.5% đến 5%. Làm thế nào mà con số đó ở đây lại là 33%? Virus đã lan tỏa ở tiêu bang này một vài tuần mà không bị phát hiện. Có vẻ như không chỉ có 3 ca bệnh. Chính quyền ban đầu chỉ biết đến 3 ca (một trong số đó chết) vì chỉ khi bệnh tình trở nặng, người dân mới đi kiểm tra xét nghiệm. Điều này cũng tương tự như biểu đồ cam và xám ở Trung Quốc: họ chỉ biết các thanh màu cam (ca nhiễm chính thức) và chúng trông rất tốt (chỉ có 3). Nhưng thực tế, có tới hàng trăm hay hàng ngàn ca bệnh thực sự.
Đây là vấn đề: bạn chỉ biết các ca chính thức, không phải ca thực sự. Nhưng bạn cần phải biết số lượng ca nhiễm thực sự. Làm thế nào để chúng ta có thể ước lượng con số này? Thực ra, có một vài cách. Tôi có một vài mô hình để tính toán cả hai, bạn cũng có thể học cách chơi đùa với các con số.
Trước tiên, thông qua số lượng tử vong. Nếu có người chết trong khu vực, bạn có thể sử dụng con số này để đoán số ca nhiễm bệnh thực sự. Chúng ta đã biết khoảng thời gian trung bình cần thiết để một người từ khi bị nhiễm virus đến khi tử vong (khoảng 17,3 ngày). Điều này có nghĩa là nếu bệnh nhân chết vào ngày 29/02 ở tiểu bang Washington thì họ có lẽ đã nhiễm bệnh vào khoảng 12/02. Tiếp theo, với tỷ lệ tử vong 1% trong viễn cảnh này (chúng ta sẽ thảo luận chi tiết sau) thì vào thời điểm 12/02, tiểu bang đã có khoảng 100 ca nhiễm (do chỉ có 1 người tử vong 17,3 ngày sau). Bây giờ, sử dụng thời gian nhân đôi trung bình của coronavirus (average doubling time – thời gian để số ca bệnh tăng gấp đôi trung bình) là 6,2. Điều này có nghĩa là, trong vòng 17 ngày trước khi bệnh nhân chết, số ca nhiễm đã nhân lên khoảng 8 lần (=2^(17/6)). Tựu chung lại, nếu phân tích tất cả các trường hợp, một người chết hôm nay đồng nghĩa với 800 ca bệnh thực sự đi kèm. Tiểu bang Washington hiện tại có 22 người chết, tính toán nhanh cho thấy ở đây có gần 16 ngàn ca nhiễm coronavirus, tương tự như các ca nhiễm chính thức ở Ý và Iran cộng lại. Nếu nhìn vào chi tiết, chúng ta sẽ nhận ra 19 ca tử vong đều đến từ một cụm bệnh nhân (cluster) có thể gom vào một. Do đó tổng số ca tử vong ở đây chỉ là 4, theo mô hình trên thì số ca nhiễm thực sự hiện tại của tiểu bang là gần 3000. Đây là cách tiếp cận của Trevor Bedford dựa trên bản thân virus cùng “sự đột biến” (mutations) để xác định số lượng ca bệnh. Các kết luận hiện tại đã cho thấy có gần 1100 ca nhiễm ở Washington.
Không có cách tiếp cận nào là hoàn hảo nhưng tất cả đều hướng đến thông điệp: chúng ta không thực sự biết số ca nhiễm thực sự nhưng nó chắc chắn cao hơn con số mà chính quyền biết. Không phải là hàng trăm, mà là hàng ngàn, thậm chí hơn.
Khu vực vịnh San Francisco
Cho đến 08/03, khu vùng vịnh vẫn chưa có ca tử vong nào. Điều này khiến việc xác định số ca nhiễm thực sự rất khó khăn. Hiện chính thức đang có 86 ca nhiễm ở đây nhưng do không có đủ dụng cụ xét nghiệm (kits) nên rất khó đo lường được hết các ca bệnh tiềm năng (undertesting). Mỹ đã quyết định tạo ra bộ kiểm tra riêng nhưng lại không hoạt động như mong muốn. Đây là bảng tổng hợp kết quả xét nghiệm được đưa ra bởi nhiều nước khác nhau tới ngày 03/03:
Bảng trên cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại không có ca nào nhiễm coronavirus nhưng số ca được xét nghiệm cao hơn 10 lần so với Mỹ. Tình hình không khả quan hơn ở Mỹ cho tới hôm nay: 8000 phiên xét nghiệm diễn ra nhưng chỉ chạm đến khoảng 4000 bệnh nhân.
Ở đây, bạn chỉ có thể sử dụng phần ca nhiễm chính thức (official) so với ca nhiễm thực sự (true). Làm thế nào để xác định chính xác các con số? Đối với khu vùng vịnh (Bay Area), họ kiểm tra tất cả những ai đã từng du lịch hoặc có tiếp xúc với khách du lịch, có nghĩa là nắm bắt tất cả các trường hợp liên quan đến “du lịch” nhưng chưa tính đến các ca truyền nhiễm từ cộng đồng. Bằng cách phân tích cảm nhận (sense) về quá trình lây nhiễm từ cộng đồng (community spread) và du lịch (travel spread), bạn có thể biết được có bao nhiêu ca nhiễm thực sự.
Nam Hàn đã có những dữ liệu tuyệt vời. Tại thời điểm Nam Hàn có 86 ca bệnh, số % lây nhiễm từ cộng đồng là 86% (86 và 86% là sự trùng hợp tình cờ) mà từ đó có thể tính toán số ca nhiễm thực sự. Tương tự như vậy, nếu Bay Area có 86 ca thì con số nhiễm thực sự rơi vào khoảng 600.
Pháp và Paris
Pháp tuyên bố có 1400 ca nhiễm hôm nay cùng 30 ca tử vong. Sử dụng hai phương pháp ở trên, bạn sẽ có vùng nhiễm thực sự: giữa 24 ngàn và 140 ngàn. Để tôi lặp lại điều này: con số ca nhiễm thực sự ở Pháp có vẻ cao hơn con số chính quyền báo cáo. Nếu bạn không tin, hãy nhìn vào biểu đồ của Vũ Hán một lần nữa:
Nếu cộng gộp các thanh màu cam lại cho đến ngày 22/01, bạn sẽ có 444 trường hợp. Bây giờ hãy cộng lại các thanh màu xám, nó lên đến 12000 ca nhiễm. Do đó, khi Vũ Hán cho rằng chỉ có 444 trường hợp mắc bệnh, thực tế lại cao hơn 27 lần. Nếu Pháp nghĩ rằng chỉ có 1400 ca, con số thực sự có thể lên đến hàng ngàn. Các tính toán tương tự được ứng dụng với Paris: với 30 ca nhiễm ghi nhận bên trong thành phố, số ca bệnh thực sự có thể lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn. Với 300 ca nhiễm ở vùng Ile-de-France, tổng số thực sự ở khu vực này có thể đã vượt qua con số hàng chục ngàn người.
Tây Ban Nha và Madrid
Tây Ban Nha có số ca bệnh tương tự như Pháp (1200 ca vs 1400, có cùng số người chết là 30). Cách tính tương tự cũng được áp dụng: Tây Ban Nha có lẽ đã có tới 20 ngàn ca nhiễm thực sự. Khu vực Comunidad de Madrid có 600 ca nhiễm chính thức và 17 người chết, số ca nhiễm thực sự có thể rơi vào 10 ngàn đến 60 ngàn. Nếu bạn đọc dữ liệu này và tự nhủ “Không thể nào, đây không phải là sự thật”, hãy lưu tâm: đây là con số khiến Vũ Hán đã phải đóng cửa hoàn toàn (cùng số ca nhiễm với Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp, Iran, Đức, Nhật hoặc Thụy Sĩ – nhưng Vũ Hán đóng cửa hoàn toàn). Và nếu bạn tự nhủ: “Ồ, Vũ Hán chỉ là một thành phố địa phương”, để tôi nhắc cho bạn nhớ: họ có gần 60 triệu người, lớn hơn Tây Ban Nha và có cùng kích cỡ với Pháp.
2. Chuyện gì sẽ xảy ra khi các ca nhiễm coronavirus trở nên phổ biến toàn cầu
Coronavirus đã tồn tại ở khắp nơi, vô hình và đang gia tăng theo hàm mũ. Điều gì sẽ xảy ra khi nó tấn công vào đất nước của các bạn. Rất dễ để nhận biết hậu quả khi chúng ta có các ví dụ như ở Hồ Bắc và Ý.
Tỷ lệ tử vong (Fatality Rates)
Tổ chức y tế thế giới (WHO) tiết lộ tỷ lệ tử vong là 3,4% (% người tiếp xúc coronavirus và sau đó tử vong). Con số này nằm ngoài bối cảnh, để tôi giải thích:
Nó phụ thuộc vào mỗi quốc gia và thời điểm: giữa 0.6% ở Nam Hàn và 4,4% ở Iran. Chúng ta có thể sử dụng một thủ thuật để lý giải điều này.
Có hai cách để tính toán tỷ lệ tử vong: Số lượng tử vong/Tổng ca nhiễm (deaths/total cases) và Số lượng tử vong/Tổng ca “đóng” (closed case – tổng ca được xác định rõ ràng là chết hay hồi phục) (deaths/closed cases). Công thức đầu tiên có vẻ như thấp hơn thực tế (underestimate) bởi nhiều ca “mở” (open – chưa được xác định tử vong hay chữa khỏi/đang điều trị) vẫn có thể dẫn đến tử vong. Công thức thứ hai ngược lại cao hơn thực tế (overestimate), bởi các ca tử vong được “đóng” (xác định) nhanh hơn ca hồi phục.
Tôi quan sát tiến triển của cả hai chỉ số. Cả hai con số này sẽ hội ngộ cùng một kết quả một khi tất cả ca bệnh được “đóng” (xác định), nếu có thể áp dụng các xu hướng quá khứ lên tương lai, bạn có thể tiên đoán tỷ lệ tử vong cuối cùng là gì. Đây là những gì tôi quan sát thấy ở dữ liệu. Tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc nằm giữa 3,6% và 6,1%. Nếu quan sát tương lai, có vẻ như con số này sẽ hội tụ đến giữa 3,8% đến 4%. Con số này gấp đôi ước tính hiện tại, và tệ hơn cúm mùa 30 lần. Có hai hiện thực hoàn toàn khác nhau đang diễn ra: Hồ Bắc và phần còn lại của Trung Quốc.
Tỷ lệ tử vong của Hồ Bắc có lẽ sẽ hội tụ đến 4,8%, có nghĩa là phần còn lại của Trung Quốc sẽ hội tụ đến 0,9%.
Tôi cũng xem xét các con số của Iran, Ý và Nam Hàn, những đất nước có số ca tử vong đủ để xem xét xu hướng
Tỷ lệ ca tử vong/tổng ca nhiễm của Iran và Ý đều hội tụ đến vùng 3%-4%. Tôi đoán là các con số của họ cũng sẽ đạt đến quanh quanh khu vực trên. Nam Hàn là ví dụ thú vị nhất, bởi vì hai chỉ số trên hoàn toàn mất kết nối với nhau: tỉ lệ ca tử vong/tổng ca nhiễm chỉ 0.6% nhưng tỉ lệ ca tử vong/tổng ca “đóng” lại vọt lên 48%. Tôi cho rằng nước này đã quá cẩn trọng: họ kiểm tra tất cả mọi người (với nhiều ca “mở” nên tỷ lệ tử vong có vẻ giảm), đồng thời cố tình để các ca bệnh “mở” lâu hơn (để họ có thể “đóng” ca nhanh chóng khi bệnh nhân chết). Điều hợp lý là tỷ lệ tử vong/ca nhiễm đã nằm ở ngưỡng 0,5% từ những ngày đầu, nó sẽ tiếp tục duy trì ở đó. Một ví dụ liên quan khác là du thuyền Diamond Princess: với 706 ca bệnh, 6 trường hợp tử vong và 100 hồi phục, tỷ lệ tử vong nằm giữa 1% và 6,5%.
Đây là điều mà bạn có thể kết luận:
- Các quốc gia được chuẩn bị (đối phó kỹ lưỡng) sẽ có tỷ lệ tử vong ~0,5% (Nam Hàn) tới 0,9% (Trung Quốc)
- Các quốc gia bị quá tải (overwhelmed – đối phó hời hợt) sẽ có tỷ lệ tử vong giữa ~3% tới 5%.
Có thể nhìn nhận theo cách khác: Các quốc gia hành động nhanh chóng có thể giảm tỷ lệ tử vong xuống 10 lần. Đây chỉ là xem xét ở khía cạnh tỷ lệ tử vong, hành động nhanh chóng cũng giúp làm giảm số ca nhiễm nhanh chóng. Vậy các quốc gia cần phải chuẩn bị gì?
Đâu là các áp lực lên hệ thống
Khoảng 20% ca nhiễm đòi hỏi được chữa trị ở bệnh viện, 5% ca nhiễm yêu cầu Đơn vị Chăm sóc Tăng cường (Intensive Care Unit – ICU), và khoảng 1% đòi hỏi sự trợ giúp cao, với các thiết bị như máy thở ( ventilators) hoặc ECMO (máy tim phổi nhân tạo) (extra-corporeal oxygenation).
Vấn đề là các thiết bị như trên không thể sản xuất hoặc mua bán dễ dàng. Các đây một vài năm, nước Mỹ chỉ có tổng cộng 250 máy ECMO. Do đó, nếu bạn đột nhiên có 100 ngàn người nhiễm bệnh, nhiều trong số đó muốn đi xét nghiệm. Khoảng 20 ngàn người sẽ đòi hỏi phải được nhập viện, 5 ngàn cần có ICU, 1 ngàn cần các máy móc mà chúng ta hiện tại không có đủ số lượng. Đó mới chỉ là với 100 ngàn trường hợp nhiễm bệnh, chúng ta cũng chưa xét đến các vấn đề khác như khẩu trang y tế. Một đất nước giàu có như Mỹ lại chỉ có khoảng 1% khẩu trang cần thiết cho nhu cầu của các công nhân y tế (như 12M N95, 30M dùng trong phẫu thuật vs. 3.5B). Nếu có quá nhiều ca nhiễm cùng xuất hiện, chúng ta chỉ có khẩu trang dùng cho 2 tuần tổng cộng.
Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong hoặc Singapore, cũng như các khu vực bên trong Trung Quốc (ngoài Hồ Bắc) đã có chuẩn bị cần thiết cùng khả năng cung cấp nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân. Nhưng phần còn lại của các quốc gia phương Tây lại không đi theo cách của Hồ Bắc và Ý, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải trông như thế nào
Câu chuyện xảy ra ở Hồ Bắc cùng Ý đã bắt đầu trở nên giông giống nhau. Hồ Bắc xây hai bệnh viện trong vòng mười ngày, nhưng cho dù như vậy, chúng sớm trở nên quá tải. Cả hai đều bị phàn nàn về tình trạng tràn ngập bệnh nhân, họ phải được chăm sóc ở bất cứ đâu: hội trường hay trong phòng chờ.
Các công nhân y tế phải làm việc nhiều giờ trong một bộ đồ bảo hộ duy nhất, bởi không có đủ số lượng cho họ. Kết quả là họ không thể rời khỏi khu vực nhiễm bệnh trong nhiều giờ, kéo theo đó là sự suy sụp, mất nước và kiệt sức. Giờ làm theo ca cũng không còn tồn tại. Nhiều cựu nhân viên y tế phải quay lại làm việc dù đã nghỉ hưu để lấp đầy lỗ hổng y tế. Nhiều người chưa từng có kinh nghiệm điều dưỡng được huấn luyện qua đêm nhằm đáp ứng vai trò quan trọng này. Tất cả nguồn lực con người đều được kêu gọi thêm. Do đó khi mắc bệnh (điều xảy ra thường xuyên bởi quá trình tiếp xúc liên tục với virus mà không có đủ đồ bảo hộ), họ buộc phải cách ly 14 ngày khiến việc hỗ trợ hệ thống bị gián đoạn. Viễn cảnh tích cực: hai tuần trôi qua bình an. Viễn cảnh tệ nhất: họ từ giã cuộc đời.
Điều tệ hại nhất ở ICU là các bệnh nhân phải chia sẻ máy thở (ventilator) hoặc ECMO – về nguyên tắc là không tiến hành. Các công nhân y tế phải quyết định bệnh nhân nào sẽ sử dụng nó. Điều này có nghĩa là họ phải xác định: ai được sống và ai phải chết. Bác sĩ người Ý Christian Salaroli tiết lộ: “Sau một vài ngày, chúng tôi phải đưa ra lựa chọn [..] không phải tất cả bệnh nhân đều được đặt ống thở, do đó các bác sĩ ra quyết định dựa trên tuổi tác và tình trạng sức khỏe.” Đây là áp lực lên các hệ thống có tỷ lệ tử vong tầm 4% chứ không phải 0.5%.
3. Bạn nên làm gì?
Làm phẳng đường cong
Covid 19 đã trở thành đại dịch (pandemic). Nó không thể bị loại bỏ, những gì chúng ta có thể làm bây giờ là giảm thiểu ảnh hưởng của nó. Một vài quốc gia đã trở thành hình mẫu cho nỗ lực này. Đài Loan, đất nước kết nối mạnh mẽ với Trung Quốc, đã thực hiện điều này tốt nhất (hiện tại có ít hơn 50 ca nhiễm). Các nghiên cứu gần đây giải thích thành tựu trên xuất phát từ các biện pháp mà họ áp dụng từ những ngày đầu, tập trung mạnh mẽ vào việc ngăn chặn (containment).
Mặc dù có khả năng ngăn chặn, nhưng đại đa số các quốc gia thiếu kinh nghiệm xử lý nên không tiến hành triệt để từ đầu. Để bây giờ họ phải chơi một cuộc chơi rất khác: ra sức giảm thiểu (mitigation) – phải làm cho virus này ít nguy hại nhất có thể. Nếu chúng ta giảm thiểu quá trình lây nhiễm nhiều nhất có thể, hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ có khả năng xử lý các ca bệnh tốt hơn, giúp tỷ lệ tử vong giảm xuống. Nếu như có thể kéo dài thời gian, chúng ta sẽ chạm đến thời điểm mà phần còn lại của xã hội có thể được tiêm vắc xin, giảm thiểu rủi ro cùng với nhau. Mục tiêu của chúng ta không phải là xóa bỏ sự lây nhiễm của coronavirus. Chúng ta trì hoãn nó.
Càng trì hoãn các thêm vào các ca bệnh mới, hệ thống chăm sóc sức khỏe càng vận hành tốt hơn, tỷ lệ tử vong càng giảm thiểu, phần dân số được tiêm vắc xin khi nhiễm bệnh càng tăng lên.
Làm thế nào chúng ta có thể làm phẳng đường cong
Cách ly xã hội (Social Distancing)
Chỉ có một cách đơn giản mà chúng ta có thể làm mà vẫn hiệu quả: cách ly xã hội.
Nếu bạn xem xét lại biểu đồ của Vũ Hán, cần nhớ rằng ngay khi thành phố đóng cửa, số ca nhiễm bệnh đi xuống, bởi vì mọi người không còn tương tác với nhau và virus không lan tỏa. Nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy virus có thể lây trong phạm vi 2 mét (6 feet) nếu một ai đó ho khan, nếu xa hơn thì dịch từ miệng bắn ra sẽ rơi xuống sàn và không thể lây nhiễm cho bạn. Nguồn lây nhiễm tệ nhất lúc này là qua các bề mặt: virus tồn tại vài giờ hoặc vài ngày trên các bề mặt khác nhau. Nếu hoạt động giống cúm mùa, nó có thể sống sót vài tuần trên bề mặt kim loại, sứ hay plastics – do đó những thứ như nắm cửa, bàn ghế hoặc nút thang máy đều có thể là nguồn lây nhiễm tồi tệ. Cách duy nhất để giảm thiểu điều này là cách ly xã hội: giữ mọi người ở nhà nhiều nhất có thể, lâu nhất cho đến khi dịch bệnh lùi xa. Điều này từng được chứng minh trong quá khứ như ở đại dịch cúm 1918.
Bài học từ đại dịch cúm 1918
Quan sát biểu đồ bạn sẽ thấy Philadelphia không hành động nhanh chóng, và có tỷ lệ chết cao nhất khi so sánh với St. Louis. Sau đó hãy nhìn vào Denver, họ tiến hành một số giải pháp (đóng cửa trường học, cấm tụ tập đông người, cách ly) nhưng sau đó lại nới lỏng, khiến cho tỷ lệ chết của tăng lên đỉnh hai lần (lần thứ hai cao hơn lần đầu)
Nếu tổng quát hóa, đây là điều bạn tìm thấy:
Biểu đồ này cho thấy số lượng tử vong ở mỗi thành phố trong dịch cúm 1918 của Mỹ phụ thuộc vào các giải pháp được tiến hành nhanh chóng ra sao. Ví dụ như, thành phố St. Louis tiến hành 6 ngày trước Pittsburg, đã có số người chết/dân số giảm một nửa. Trung bình, tiến hành các giải pháp sớm hơn 20 mươi ngày giúp giảm tỷ lệ tử vong một nửa.
Nước Ý cuối cùng đã chân nhận ra điều này. Trước tiên, họ đóng cửa thành phố Lombardy vào chủ nhật, một ngày sau đó, vào thứ Hai, họ nhận ra lỗi lầm và quyết định đóng cửa toàn bộ quốc gia. Hy vọng chúng ta sẽ nhìn thấy kết quả rõ rệt trong những ngày sắp tới, có khi kéo dài từ một đến hai tuần. Biểu đồ của Vũ Hán đã chỉ rõ: có khoảng trễ 12 ngày giữa thời điểm đóng cửa thành phố và khoảng khắc số ca nhiễm suy giảm.
Làm thế nào các chính trị gia có thể đóng góp cho sự cách ly xã hội?
Câu hỏi mà các chính trị gia cần đưa ra hôm nay không phải là họ nên làm gì mà các hành động thích hợp nào cần được tiến hành. Có một vài giai đoạn để kiểm soát bệnh dịch, bắt đầu với sự tiên đoán (anticipation) và kết thuc với sự loại bỏ (eradication). Nhưng đã quá trễ cho đại đa số các lựa chọn ngày nay. Với mức dộ nhiễm bệnh hiện tại, chỉ có hai lựa chọn cho các chính trị gia: ngăn chặn và giảm thiểu.
Ngăn chặn
Ngăn chặn nhằm đảm bảo tất cả các ca nhiễm đều được xác định, kiểm soát và cách ly. Đây là điều mà Singapore, Honglong, Nhật Bản và Đài Loan đã làm rất tốt: Họ nhanh chóng giới hạn người đi vào quốc gia, xác định những người ốm yếu, ngay lập tức cách ly họ, các nhân viên y tế sử dụng các thiết bị bảo vệ nặng nề, điều tra các mối liên hệ của bệnh nhân, kiểm dịch… Công việc này sẽ đặc biệt hiệu quả khi bạn có sự chuẩn bị và tiến hành sớm nhất có thể và không buộc phải dừng lại cả nền kinh tế để khắc phục sự cố. Tôi đã xem xét cách tiếp cận của Đài Loan và Trung Quốc. Cường độ công việc để khắc phục khủng hoảng của họ thực sự kinh ngạc. Ví dụ như: 1800 đội (mỗi đội có 5 thành viên) thực hiện nhiệm vụ thăm dò mỗi cá nhân nhiễm bệnh cùng những người tương tác với họ (F1), cùng người người tương tác với F1 (F2) để cách ly cả cụm. Đó là cách mà họ ngăn chặn virus truyền đến hàng tỷ người. Đây không phải là điều mà các nước phương Tây thực hiện và bây giờ đã quá trễ. Thông báo cấm toàn bộ du khách từ châu Âu gần đây của Mỹ là một biện pháp ngăn chặn – nước Mỹ hiện tại có số ca nhiễm gấp 3 lần Hồ Bắc khi nó đóng cửa, đang tăng theo hàm mũ. Phương Tây chỉ thực hiện ngăn chặn khi bước vào giai đoạn cần “giảm thiểu”.
Giảm thiểu (Mitigation)
Quá trình giảm thiểu đòi hỏi một sự cách ly xã hội nặng nề. Mọi người cần phải chấm dứt việc đi ra ngoài giao tiếp xã hội để giảm tỉ lệ lan truyền (R), từ R=~2-3 lần xuống dưới 1, để virus chết từ từ. Các biện pháp “cách ly” này đòi hỏi phải đóng cửa các công ty, cửa hàng, phương tiện công cộng, trường học, đóng cửa thành phố ép buộc. Tình huống càng tồi tệ, quá trình cách ly xã hội càng tồi tệ. Càng sớm thực hiện các biện pháp nặng nề, thì thời gian vi rút duy trì càng thấp, các ca nhiễm được xác định càng dễ dàng, số người nhiễm sẽ ít đi. Đây là điều Vũ Hán phải làm. Đây là điều Ý bị ép buộc phải chấp nhận. Bởi vì khi virus trở nên hung hãn, biện pháp duy nhất đối với các khu vực lây nhiễm là cách ly hoàn toàn để ngăn quá trình lan tỏa. Với hàng ngàn ca chính thức (đi kèm hàng chục ngàn ca nhiễm thực sự) – đây là điều mà các quốc gia như Iran, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Sĩ hoặc Mỹ cần tiến hành. Nhưng họ đã không làm.
- Một vài công việc được làm tại nhà (qua mạng), điều này thật tuyệt
- Một vài sự kiện lớn phải ngừng lại
- Một vài khu vực lây nhiễm bị cách ly
Tất cả các biện pháp trên giúp làm chậm lại virus nhưng vẫn không đủ để giảm tỷ lệ lây nhiễm (transmission rate), R từ 2.5 đến 2.2 hoặc thậm chí 2. Chúng ta cần đưa nó xuống dưới 1 duy trì suốt trong một khoảng thời gian để giết chết nó. Nếu chúng ta không thể làm điều này, chúng ta phải đưa R về gần 1 nhất có thể để làm phẳng đường cong. Câu hỏi cần đặt ra lúc này: phải hy sinh điều gì để có R giảm xuống? Đây là danh sách mà nước Ý đã gợi ý cho chúng ta:
- Không ai được vào ra khu vực cách ly, nếu không chứng minh được gia đình mình ở đây hoặc lý do công việc
- Không được phép di chuyển bên trong các khu vực này ngoại trừ các lý do cá nhân hay công việc được chuẩn thuận
- Những người có các triệu chứng (liên quan đến sốt và lây nhiễm) được khuyến cáo ở bên trong nhà
- Thời gian nghỉ ngơi tiêu chuẩn của công nhân y tế bị tạm ngưng
- Đóng cửa tất cả các cơ sở giáo dục (trường phổ thông, đại học), phòng gym, bảo tàng, khu trượt tuyết, trung tâm văn hóa và xã hội, hồ bơi và nhà hát
- Quán bar và nhà hàng bị giới hạn thời gian xuống từ 6am đến 6pm, với khoảng cách xa ít nhất một mét (~3 feet) giữa các khách hàng
- Tất cả các quán rượu và câu lạc bộ phải đóng cửa
- Tất cả các hoạt động thương mại phải giữ khoảng cách ít nhất một mét giữa các khách hàng. Những cơ sở không thực hiện được điều này buộc phải đóng cửa. Các nhà thờ/đền đài có thể duy trì việc mở cửa miễn là đảm bảo được khoảng cách này.
- Việc viếng thăm bệnh viện của gia đình và bạn bè bị giới hạn
- Các cuộc họp công việc phải tạm hoãn. Làm việc tại nhà được khuyến khích.
- Tất cả các sự kiện thể thao và cuộc thi, công hay tư, đều bị hủy bỏ. Các sự kiện quan trọng có thể được tổ chức sau các cánh cửa đóng kín.
Hai ngày sau đó, họ thêm vào: “Không, thực ra, bạn cần phải đóng cửa tất cả các doanh nghiệp không quan trọng thiết yếu. Bây giờ, chúng tôi phải đóng cửa tất cả các hoạt động thương mại, văn phòng, quán cà phê, cửa hàng. Chỉ có các phương tiên đi lại, tiệm thuốc, tạp hóa vẫn duy trì mở cửa.” Một cách tiếp cận nữa là tăng cường dần dần các biện pháp, thật không may là Ý đã dành cho virus khoảng thời gian phát tán quý giá. Nếu muốn an toàn, nước Ý cần tiến hành theo phong cách Vũ Hán, dù người dân ban đầu có thể than phiền nhưng sau đó họ sẽ phải biết ơn.
Làm thế nào để lãnh đạo doanh nghiệp có thể đóng góp cho quá trình cách ly xã hội?
Nếu bạn là lãnh đạo doanh nghiệp và muốn biết mình cần làm gì, đây là nguồn thông tin tốt nhất cho bạn Staying Home Club: một danh sách các chính sách cách ly xã hội được tiến hành bởi các công ty công nghệ ở Mỹ (hiện tại 138), trong đó bao gồm làm việc tại nhà (Work From Home), hạn chế thăm viếng, du lịch hoặc tham dự các sự kiện. Còn nhiều khía cạnh mà các công ty cần phải xem xét: như đối xử với các công nhân làm việc theo giờ thế nào, liệu có nên mở hay đóng cửa văn phòng, làm thế nào để tiến hành phỏng vấn, cần làm gì với khu vực uống cà phê…
Nếu bạn muốn biết cách công ty của tôi tiến hành việc này ra sao, có thể tham khảo ở đây.
4. Khi nào?
Dường như các bạn sẽ đồng ý với mọi thứ tôi chia sẻ ở đây nhưng sẽ vẫn băn khoăn về cách thức ra quyết định. Điều thôi thúc (trigger) phía sau các giải pháp là gì?
Mô hình kích hoạt dựa trên Rủi ro (Risk-Based Model for Trigger)
Tôi đã tạo ra một mô hình cho phép bạn có thể tính toán số lượng ca nhiễm bệnh trong khu vực của mình, xác suất mà nhân viên của bạn có thể bị lây nhiễm, nó sẽ phát triển như thế nào theo thời gian, và làm thế nào bạn xác định được thời điểm mình có thể duy trì mở cửa tối đa. Thông tin tương tự như:
- Nếu công ty của bạn có 100 nhân viên ở tiểu bang Washington với 11 ca nhiễm tử vong, có ít nhất 25% xác suất nhân viên lây nhiễm và bạn nên đóng cửa ngay lập tức.
- Nếu công ty của bạn có 250 nhân viên chủ yếu ở khu vực Vịnh phía Nam (San Mateo và Santa Clara, với tổng cộng 22 ca nhiễm chính thức và con số thực sự ít nhất tầm 54), tới ngày 09/03 bạn đã có gần 2% xác suất nhân viên bị nhiễm.
- Nếu công ty của bạn ở Paris (intramuros) và có 250 nhân viên thì hiện tại có 0,85% xác suất một nhân viên nhiễm coronavirus, ngày mai có thể tăng lên 1,2%. Nếu chỉ thoải mái với xác suất 1% thì bạn nên đóng cửa văn phòng vào ngày mai.
Mô hình này sử dụng cho địa hạt như “công ty” – “nhân viên”, nhưng cũng có thể sử dụng cho những khu vực khác như: trường học, trạm trung chuyển… cụ thể như nếu bạn chỉ có 50 nhân viên ở Paris nhưng tất cả họ đều sử dụng RER để đi qua hàng ngàn người khác thì tất nhiên khả năng một người bị nhiễm sẽ cao hơn hẳn và có thể bạn phải đóng cửa văn phòng ngay lập tức. Nếu bạn vẫn còn do dự vì chưa có nhân viên nào có dấu hiện rõ rệt, cần nhớ rằng 26% lây nhiễm diễn ra trước khi có các triệu chứng rõ ràng.
Bạn có thuộc về nhóm các nhà lãnh đạo
Tính toán trên rất ích kỷ. Nó chỉ nhìn vào các rủi ro cá nhân mỗi công ty, giảm thiểu các rủi ro thấp nhất có thể cho đến khi virus buộc bạn phải đóng cửa văn phòng. Nhưng nếu bạn là thành viên của nhóm các nhà lãnh đạo hoặc chính trị gia, tính toán của bạn không chỉ cho một công ty, mà toàn thể cộng đồng. Tính toán sẽ trở thành: Điều gì sẽ xảy đến khi mỗi công ty đều nhiễm bệnh? Nếu bạn là nhóm 50 công ty với trung bình 250 nhân viên ở vịnh San Francisco, có 35% xác suất ít nhất một công ty có nhân viên nhiễm và 97% xác suất điều này sẽ diễn ra vào tuần tới. Tôi có một tab trong mô hình này để chơi đùa với số liệu
Kết luận: Cái giá của sự chờ đợi
Việc đưa ra quyết định trong thời điểm hiện tại là rất đáng sợ, nhưng bạn đừng suy nghĩ về nó theo cách như vậy.
Mô hình lý thuyết cho thấy các cộng đồng với cách tiếp cận khác biệt sẽ cho ra kết quả phòng dịch khác nhau: bên không tiến hành các biện pháp cách ly xã hội phù hợp, bên thực hiện nghiêm túc từ ngày thứ n của bùng phát dịch bệnh, một bên khác nữa tiến hành từ ngày n+1. Tất cả các con số đều là giả định (tôi chọn để phản ánh những gì diễn ra ở Hồ Bắc, với ~ 6000 ca nhiễm mới mỗi ngày ở thời điểm tệ nhất) nhằm minh họa tầm quan trọng của một ngày cầm cự với dịch bệnh (trễ một chút có thể khiến tình hình biến chuyển xấu theo hàm mũ). Bạn có thể quan sát thấy chỉ cần một ngày trì hoãn là đỉnh số ca nhiễm bị trễ đi và cao hơn, sau đó di chuyển dần về 0.
Nhưng còn trường hợp các ca lây nhiễm chất chồng (cumulative cases )?
Trong mô hình lý thuyết mô tả Hồ Bắc “nới lỏng” bên trên, chỉ cần thành phố này trì hoãn đóng cửa thêm một ngày sẽ tạo ra thêm 40% ca nhiễm mới: nếu chính quyền nơi đây tuyên bố đóng cửa sớm hơn như ngày 22/01 thay vì 23/01 thì số ca lây nhiễm đã giảm xuống tầm 20k. Cần nhớ rằng, đây chỉ là số ca lây nhiễm còn con số tử vong có thể cao hơn, bởi không chỉ trực tiếp có thêm xác xuất 40% số ca tử vong mà còn là sự sụp đổ của hệ thống y tế: đưa tỷ lệ chết (mortality rate) tăng gấp 10 lần con số ta từng thấy trước đó. Do đó, “cách ly xã hội” thêm một ngày thực sự có thể giúp hạn chế sự bùng nổ số ca tử vong trong cộng đồng (do tốc độ lây nhiễm theo cấp số nhân và tỷ lệ tử vong cao hơn). Tai họa gia tăng theo hàm mũ khiến mỗi ngày “cách ly” trở nên rất quan trọng: nếu không ra quyết định cách ly nhanh bạn có thể đóng góp thêm số ca nhiễm mới cho cộng đồng (mà có khi trong đó đã sẵn hàng trăm hay hàng ngàn ca bệnh).
Link gốc: