Nhập cư và tinh thần khởi nghiệp
[Chia sẻ] [Peter Vandor + Nikolaus Franke] [Harvard Business Review]
Điểm chung giữa Ariana Huffington (Huffington Post), Dietrich Mateschitz (Red Bull), Elon Musk (Tesla, SpaceX), và Sergey Brin (Google) là gì ? Ngoài việc là những doanh nhân thành công, những cá nhân kiệt xuất này đều chia sẻ một đặc tính rõ ràng: những trải nghiệm mạnh về đa văn hóa (cross-cultural). Huffington lớn lên ở Athen, học ở London trước khi bắt đầu sự nghiệp của bà là một chính trị gia và một doanh nhân truyền thông. Mateschitz trải qua thời gian đáng kể ở nước ngoài như là một người bán hàng/tiếp thị trước khi thành lập Red Bull. Musk nhập cư từ Nam Phi đến Mỹ thời niên thiếu. Brin rời khỏi Liên Bang Sô Viết với gia đình của ông khi phải đối mặt với làn sóng bài Do Thái đang lên và buộc phải đến Mỹ, nơi sau đó ông đã sáng lập công cụ tìm kiếm hàng đầu Google.
Câu chuyện của họ là những ví dụ điển hình của “mô hình lan rộng” (widespread pattern). Ở Mỹ, người nhập cư thường có khuynh hướng trở thành doanh nhân nhiều gấp hai lần những công dân bản địa sinh tại đây. Người nhập cư đại diện 27,5% doanh nhân của quốc gia nhưng chỉ chiếm khoảng 13% dân số. Tương tự như vậy, khoảng một phần tư các công ty công nghệ và kĩ thuật khởi sự ở Mỹ từ giữa 2006 và 2012 có ít nhất một người sáng lập là người nhập cư. Và mô hình này còn mở rộng ra ngoài nước Mỹ, dữ liệu từ “Quan Trắc Tinh Thần Doanh Nhân Toàn Cầu 2012” (2012 Global Entrepreneurship Monitor) cho thấy đa số 69 quốc gia được khảo sát cho ra báo cáo về các hoạt động khởi nghiệp của người nhập cư luôn cao hơn người bản địa, đặc biệt là trong làn sóng đang lên của các công ty khởi nghiệp từ đầu tư mạo hiểm (ventures).
Nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu ứng “chọn lọc” (selection) và “phân biệt đối xử” (discrimination) là hai yếu tố dẫn tới hiện tượng này. Điều này có vẻ hợp lý vì các cá nhân với tinh thần khởi nghiệp thường thích di chuyển ra nước ngoài (migrate) và các chính sách nhập cư ở nhiều quốc gia thường ưu tiên cho những cá nhân có năng lực và nền tảng tốt (motivated). Thêm nữa, việc kì thị chống lại những người nhập cư trong thị trường lao động thường tạo ra áp lực nặng nề lên việc họ phải tìm kiếm cách để tự làm thuê cho chính mình (self-employment).
Trong những nghiên cứu gần đây, chúng tôi đào sâu và nghiêu cứu một cách giải thích khác: Trải nghiệm đa văn hóa sẽ giúp gia tăng khả năng tạo ra những ý tưởng kinh doanh hứa hẹn. Việc sống trong những nền văn hóa khác nhau khiến họ bắt gặp những sản phẩm, dịch vụ, mức độ ưu tiên khách hàng và các chiến lược giao tiếp mới, đồng thời những tiếp xúc này cho phép chuyển giao những kiến thức về các vấn đề của khách hàng và các giải pháp từ quốc gia này tới quốc gia kia. Bằng cách xem xét và quan sát những “chênh lệch” này (arbitrage), những người di trú tạm thời/lâu dài có thể quyết định thay thế các sản phẩm có lợi nhuận cao hoặc những mô hình kinh doanh khả thi ở quốc gia này nhưng bất khả thi ở quốc gia khác. Những công ty thành công như Starbucks (được truyền cảm hứng bởi những nhà sản xuất cà phê ở Ý) và Zalando, công ty bán lẻ trực tuyến của Đức (được truyền cảm hứng bởi Zappos) là những minh họa cho tiềm năng của chiến lược “chênh lệch” này.
Trải nghiệm đa văn hóa cũng thúc đẩy sự sáng tạo. Việc tương tác với hai hoặc nhiều hơn những bối cảnh văn hóa có thể giúp những người nhập cư kết hợp được những ý tưởng, giải pháp và các vấn đề khách hàng đa dạng nhằm tạo ra một thứ gì đó hoàn toàn mới. Nguyên tắc này được minh họa bởi câu chuyện khởi nghiệp của Red Bull. Khi Dietrich Mateschitz du lịch tới Thái Lan vào năm 1980, ông đã quan sát sự phổ biến của một loại nước tăng lực rẻ tiền tên là Krating Daeng được dùng bởi những người lái xe tải và công nhân xây dựng. Khi khám phá ra thứ nước này có thể giúp ông giảm sự khó chịu, mệt mỏi của chênh lệch múi giờ (jetlag), ông quyết định mua bản quyền sản phẩm và bán ở Áo dưới một thương hiệu Nước Tăng Lực Red Bull (Red Bull Energy Drink). Không chỉ đơn giản là nhập khẩu sản phẩm này, Mateschiltz nhận ra một cơ hội để kết hợp những hiểu biết mới thu nhặt được về sản phẩm (thức uống phổ biến giữa các tài xế xe tải) và hiểu biết về thị trường quê nhà (thị trường đồ uống bảo thủ, sự gia tăng việc đi chơi ở các câu lạc bộ (clubbing)) thành một ý tưởng kinh doanh hoàn toàn mới. Qua việc thay đổi kích cỡ, gu vị và thương hiệu, ông tạo ra một loại thức uống tăng lực đầu tiên dành riêng câu lạc bộ/quán bar – thứ mà trước đó chưa từng thấy ở thị trường Thái Lan hay Áo.
Chúng tôi tiến hành hai thí nghiệm để tìm thêm bằng chứng về những ảnh hưởng giúp cho những người nhập cư gia tăng tinh thần khởi nghiệp. Trước tiên, chúng tôi phân tích hiệu ứng ngắn hạn của trải nghiệm đa văn hóa trong một trường thí nghiệm theo chiều dọc. Chúng tôi kiểm tra khả năng khởi nghiệp (ví dụ khả năng xác định những cơ hội kinh doanh sinh lời) của 128 sinh viên trước và sau khi sống và học tập ở nước ngoài bằng cách đưa ra những câu hỏi về việc đưa ra các ý tưởng kinh doanh trong bối cảnh của ngành truyền thông và ngành bản lẻ thực phẩm. Chúng tôi cũng làm thí nghiệm tương tự với nhóm kiểm soát (control group) gồm 115 sinh viên sẽ tiếp tục việc học tập của họ ở đại học ở quê nhà. Các cơ hội kinh doanh mà họ đưa ra được đánh giá bởi bốn nhà đầu tư mạo hiểm và các chuyên gia ngành và họ không được biết được nguồn ý tưởng kinh doanh là từ đâu. Kết quả cho ra một mô hình rõ ràng (Hình 1):
Nhóm với trải nghiệm đa văn hóa đạt tỉ lệ đánh giá cao hơn bởi các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) và các chuyên gia (+17%) lên ý tưởng kinh doanh của họ sau một học kì ở nước ngoài, trong khi ý tưởng kinh doanh của nhóm kiểm soát lại thực sự giảm nhẹ (-3%) vào cuối học kì.
Chúng tôi cũng tiến hành một thí nghiệm tương tự tại phòng lab với mẫu 96 doanh nhân nhập cư ở Áo (những người có trải nghiệm đa văn hóa dài hạn). Chúng tôi chia ngẫu nhiên họ thành hai nhóm. Thực hành môt kĩ thuật gọi là “mồi” – priming, chúng tôi hỏi “nhóm thí nghiệm” về việc gợi nhớ lại những trải nghiệm cụ thể khi sống ở nước ngoài, qua đó kích hoạt các kí ức và mối liên hệ được kết nối tới những trải nghiệm đa văn hóa đó của họ. “Nhóm kiểm soát” được yêu cầu gợi nhớ về những trải nghiệm trung lập mà không liên quan đến kí ức đa văn hóa. Sau đó cả hai nhóm được mời đến chia sẻ về những ý tưởng kinh doanh và cũng được đánh giá bởi các chuyên gia. Nhóm ý tưởng với trải nghiệm đa văn hóa được kích hoạt cho kết quả đánh giá cao hơn 27% (bởi các chuyên gia) hơn là nhóm kiểm soát.
Để hiểu hơn hiện tượng này, chúng tôi phỏng vấn 96 ứng cử viên sau thí nghiệm, yêu cầu họ mô tả cách ý tưởng của họ được khởi phát. Những cuộc phỏng vấn này được phân tích (coded) độc lập bởi hai người đánh giá. Kết quả cho thấy nhiều ứng cử viên thực sự đã áp dụng những hiểu biết về sự chênh văn hóa (arbitrage) (ví dụ, “Môt mô hình cửa hàng sáng tạo [như một chuỗi siêu thị ở châu Á] đang thiếu ở Vienna”) và sự kết hợp sáng tạo (ví dụ, “Ở Pháp, tôi đã từng thấy môt siêu thị rất lớn mà tất cả nhân viên đều đeo giày trượt (rollerbaldes) để di chuyển … Ý tưởng của tôi cũng tương tự sẽ tận dụng không gian nhằm tạo ra một thiết kế/biểu hiện ấn tượng”) để tạo ra cơ hội kinh doanh sinh lời.
Nghiên cứu cũng chỉ ra những trải nghiệm đa văn hóa giúp gia tăng khả năng và năng lực nhân biết cơ hội, điều này có quan hệ mật thiết tới môi trường doanh nghiệp, công đồng doanh nhân và những người hoạch định chính sách. Nó giúp tăng giá trị cho những doanh nhân và công ty khởi nghiệp có trải nghiệm làm việc đa văn hóa hoặc trải nghiệm nhập cư. Doanh nhân và nhà quản lý có thể chủ động tìm kiếm các trải nghiệm như trên bằng việc sống ở nước ngoài và so sánh một cách có hệ thống những gì họ quan sát được ở các thị trường khác. Ở các doanh nghiệp đa quốc gia, các công cụ quản lý nhân sự như giao việc ngoài nước (expatriate assignments) hoặc luân chuyển công việc quốc tế (rotations) có thể giúp xây dựng kĩ năng nhận biết cơ hội. Nhằm giúp những công cụ này trở nên hiệu quả hơn, nhà quản lý có thể bổ sung thêm việc huấn luyên tinh thần khởi nghiệp trước khi giao việc tầm quốc tế. Hơn nữa, Công cụ mồi – priming như trong thí nghiệm của chúng tôi có thể ứng dụng khi ở nước ngoài nhằm kích thích việc thực thi ý tưởng kinh doanh.
Đối với các công ty, việc bỏ qua các hiệu ứng tiêu cực của trải nghiệm đa văn hóa (trong gia tăng khả năng nhận định cơ hội) có thể gây phương hại ở một mức độ nào đó. Nếu những người làm việc ở nước ngoài (expat) có ý tưởng hay những lại không có cơ hội để tiến hành nó ngay bên trong công ty, họ có thể chọn làm nó ở bên ngoài. Nghiên cứu trước đây đã xác định nhiều expat chọn rời khỏi tổ chức của họ sau khi được giao một công việc nào đó ở nước ngoài, khi họ phải chịu đựng việc thiếu vắng các cơ hội thăng tiến, hỗ trợ nghề nghiệp và vị thế. Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng một vài người đã tận dụng trải nghiệm này để khai thác cơ hội trở thành doanh nhân.
Ngụ ý trong nghiên cứu của chúng tôi cũng mở rộng tới các chính sách nhập cư. Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 240 triệu người nhập cư và người tị nạn tạm thời và lâu dài trên khắp thế giới. Kết quả của chúng tôi giúp lý giải các hoạt động khởi nghiệp trên mức trung bình của nhóm này và nhấn mạnh những hiệu ứng tích cực của nhập cư lên nền kinh tế. Chúng tôi chứng minh rằng nhập cư không cần phải là “cuộc chơi với tổng bằng 0” hay “cuộc chiến tài năng”, với việc các doanh nhân nhập cư gia tăng các hoạt động khởi nghiệp trong một quốc gia khiến những người trong nước không thể nhập cuộc và hạn chế cơ hội của họ. Thay vì vậy, nhập cư có thể giúp nuôi dưỡng khả năng khởi nghiệp bằng cách bồi dưỡng việc trao đổi học tập và ứng dụng các hiểu biết đa văn hóa, sáng tạo nhằm giúp các quốc gia xác định các cơ hội tiềm năng, sinh lời và phát triển.
Dù số lượng người xem nhập cư như một mối đe dọa đang ngày càng gia tăng, nghiên cứu trên nhận định việc có thêm nhiều người nhập cư chất lượng có thể giúp cho việc gia tăng tổng các hoạt động khởi nghiệp, đồng thời là lời nhắc nhở hữu dụng về mối liên hệ giữa người nhập cư và các cơ hội của quốc gia. Do đó, tiền của chính phủ hay tiền thuế của người dân nên dành cho việc xâ y dựng những vườn ươm doanh nghiệp cho người nhập cư hơn và việc xây dựng những bức tường bê tông ngăn cách biên giới và chia rẽ.