Thái độ, làm điều đúng và ham muốn

Gurcharan Das kể cho công chúng nghe về câu chuyện của Kamble, một minh chứng về thái độ sống quyết định số mệnh. Khi còn giữ chức CEO của P&G Ấn (thành viên của Proter & Gamble, một tập đoàn tiêu dùng nhanh đa quốc gia hàng đầu của Mỹ), Das tình cờ gặp Kamble tại văn phòng ở Mumbai (Bombay), chàng trai trẻ khi đó là người bảo vệ ca đêm (nhân sự bảo vệ được điều động hỗ trợ thêm) xuất phát điểm từ ngôi làng nghèo ở Maharashtra, quận Akola. Bất cứ ai đến gần đều cảm nhận ngay, con người này thật khác biệt với trí tò mò trẻ thơ. Khi tiếp cận với máy pha cà phê ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Kamble đã mày mò học cách sử dụng để rồi những ngày tiếp theo anh trở thành người phục vụ cà phê ưa thích của văn phòng. Dĩ nhiên, làm điều gì đó có ích cho mọi người xung quanh là cách nhanh chóng để kết bạn. Ngay sau đó, Kamble khám phá tiếp máy Telex (Viễn tín, được sử dụng phổ biết ngày xưa để trao đổi thông tin), một thiết bị đòi hỏi anh phải biết tiếng Anh, ngôn ngữ xa lạ với Kamble bởi anh chưa tốt nghiệp đại học chỉ mới học đến lớp 10. Kiên quyết chinh phục cho bằng được, chỉ sau vài tháng trước sự kinh ngạc của đồng nghiệp, Kamble đã nắm bắt được khối lượng tiếng Anh vừa đủ để có thể gửi thử nghiệm một số tin nhắn trên máy. Sau máy cà phê và Telex, anh mày mò tiếp máy chiếu. P&G khi đó làm nhiều quảng cáo khác nhau một lúc và đôi khi người quản lý thương hiệu (brand managers) sẽ cần xem xét các lựa chọn (ngay cả trong ca chiều tối) trên máy chiếu, Kamble đã xuất hiện đúng lúc để hỗ trợ. Cứ như vậy, chàng trai trẻ chưa tốt nghiệp đại học dần chiếm trọn sự chú ý của mọi người xung quanh, bất cứ ai tiếp xúc đều thấy anh này có cái gì đó thật đặc biệt và trở nên cực kỳ hữu ích - chỉ sau sáu tháng làm việc tại văn phòng, bất cứ nhân sự mới hay khách đến thăm cần xử lý vấn đề gì họ đều nói hãy hỏi Kamble, anh trở thành một bể kiến thức thực tế (repository of knowledge).

Các nhân sự tại văn phòng P&G Bombay thường ở lại đến khuya để xử lý nốt công việc dang dở (làm việc buổi chiều tối có vẻ hiệu suất hơn ban ngày) do đó thường xuyên chạm mặt Kamble. Bỗng một ngày anh phát hiện một cái ví chứa rất nhiều tiền rớt trong văn phòng. Kamble nhặt lên, kiểm tra và phát hiện một vị quản lý cấp cao đã đánh rơi, anh chạy đến gặp ngay Das để trình bày sự việc rồi đề xuất: "quý ngài Das, tôi đã gọi taxi, giờ đây ông phải trở thành người bảo vệ (như tôi) tháp tùng tôi đến gặp chủ nhân của cái ví, bởi trong này có quá nhiều tiền". Địa chỉ của chủ nhân cái ví được tìm thấy trên thẻ ID, Das đã cùng Kamble tìm đến nhà người chủ thực sự. Quả thật vị này vừa mới rút tiền từ ngân hàng để mua trả góp một căn hộ cho gia đình và đang cực kỳ hoang mang khi bị mất tiền (thời điểm đó các phương tiện liên lạc rất hạn chế, không có điện thoại di động để gọi), khi Das và Kamble đến nhà vị quản lý ở Bandra, ông ta đã thở phào thật nhẹ nhõm. Trước khi rời đi, Kamble nói với gia đình vị quản lý "xin ông đừng kể cho mọi người rằng tôi mang cái ví này đến cho nhà mình". Kamble cũng dặn dò Das điều tương tự, anh chàng bảo vệ có vẻ thật bí ẩn, anh đã làm một điều tốt nhưng lại không muốn mọi người biết. Anh hạnh phúc vui vẻ làm công việc với tinh thần trách nhiệm cao mà không cần ai ghi nhận (without taking credit).

Một vài tháng sau đó, nhân sự phụ trách điện thoại (telephone operator) ca ban ngày (day shift) đột xuất xin nghỉ thai sản (cô chuẩn bị sinh con). Biết tin, Kamble đã đến gặp phòng nhân sự đề xuất: "thưa ông, tôi quá mệt mỏi làm việc ca đêm, xin ông hãy cho tôi cơ hội được làm người vận hành điện thoại tạm thời cho đến khi cô ấy quay lại". Bộ phận nhân sự phản hồi: "Kamble thân mến, chúng ta là công ty đa quốc gia, các cuộc gọi đến từ khắp nơi trên thế giới mà tiếng Anh của anh thì còn nhiều hạn chế. Tôi rất tiếc". Kamble gần như không thể phát âm đúng tên công ty, anh thường gọi chệch đi là Proter and Kamble (theo tên của mình). Không hiểu sao, câu chuyện xin việc này lại đến tai của Das, vị CEO nhận thấy công ty nợ Kamble-huyền-thoại-ca-đêm một cơ hội. Das đến gặp bộ phận nhân sự: "hãy trao cơ hội và quan sát xem anh ấy xoay sở thế nào, nếu không được thì hãy cho người thay thế ngay (back him up)." Chỉ một ngày sau khi Kamble dành được vị trí trông coi điện thoại, Das bỗng nhận được phản hồi từ vị luật sư tập đoàn, quý ngài Shah ( từ hãng luật Crawford Bailey & Co): "Gursharan Das, công ty bên mình có phải vừa thay hệ thống EPABX mới (hệ thống điện thoại riêng dùng liên lạc trong công ty), tôi gần như được bắt máy ngay sau tiếng kêu thứ 2 của điện thoại, trước đó thường mất 4 tới 6 tiếng kêu mới có người bắt máy". Das tự nhủ: "điều mới duy nhất chính là Kamble". Tại bữa trưa Das gặng hỏi Kamble: "Làm thế nào anh lại bắt máy nhanh đến thế?" Anh đã đưa ra một câu trả lời xuất sắc mà ngay cả vị giám đốc marketing của tập đoàn cũng không thể: "rất có thể đầu dây bên kia là khách hàng và tôi không muốn đánh mất đơn hàng tiềm năng đó". Chàng trai không được học hành đàng hoàng lại hiểu sâu sắc tại sao P&G làm kinh doanh, một khi đã bước chân vào kinh doanh thì phải thõa mãn khách hàng. Còn rất rất nhiều câu chuyện khác nữa về Kamble, tựu chung lại cả công ty đều nhận ra mình có một nhân sự rất đặc biệt. Công ty cuối cùng nhận Kamble vào làm việc chính thức và anh dần thăng tiến và trở thành một giám đốc của P&G.

Điều gì khiến anh ta chinh phục những cái đầu đầy sạn và mấu chốt của việc tuyển dụng đúng người là gì? Trí tò mò trẻ thơ khiến Kamble trở nên độc đáo trong mắt người khác. Khi trời mưa, người lớn thường mặc áo mưa hay mang dù để đi nhanh qua những vũng nước còn đứa trẻ thì lại nhảy nhót múa hát, vẫy vùng trong nước - đó chính là cách tiếp cận của Kamble. Thứ hai, đối với Kamble, cuộc đời cũng giống như một trò chơi (game), cứ mỗi ngày anh đến công ty để chơi chứ không phải làm việc. Cần nhớ rằng, anh là chàng trai từ ngôi làng nhỏ đến thành phố lớn với khao khát thành công tuy nhiên anh bỏ qua cái tôi (ego) trong những công việc đầu tiên. Anh đón nhận công việc một cách nghiêm túc đầy trách nhiệm nhưng không đặt nặng bản thân (took his work seriously, but not himself seriously). Như trường hợp cái "ví", chẳng cần ai ghi nhận việc tốt do mình làm. Một phẩm chất tuyệt vời khác của Kamble chính là thiên kiến hành động (bias for action). Đại đa số chúng ta thường dành thời gian suy nghĩ quá nhiều hay chăm chú vào các báo cáo, tuy nhiên thứ di chuyển cả thế giới thực ra chính là bắt tay hành động (action). Thêm nữa, Kamble đã phát triển bản thân trở nên hữu ích với mọi người xung quanh, anh luôn muốn phụng sự, sẵn sàng dang tay giúp đỡ bất cứ ai.


Chắc hẳn, mọi công ty đều muốn có thật nhiều nhân sự giống Kamble. Tựu chung lại, các kĩ năng nghề nghiệp rất cần thiết tuy nhiên để đi thật xa thì phải có thái độ đúng đắn, những thứ kiểu như: sự quyết tâm (determination), khiêm tốn (humility) và tính chính trực (integrity). Mọi kĩ năng đều có thể dần hoàn thiện qua đào tạo huấn luyện tuy nhiên thái độ, không giống như vậy, thường hình thành từ rất sớm (trong môi trường mà đứa trẻ lớn lên), đôi khi không thể đào tạo mà chỉ có thể được uốn nắn bởi xã hội qua những trải nghiệm thương đau.

Mình có cơ duyên gặp Gurcharan Das tại buổi ra mắt cuốn sách thứ tư viết về "tự do" (Another Sort of Freedom, cũng là hồi ký về quá trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời của chính Das) tại Singapore, một buổi gặp gỡ rất xúc động và đặc biệt với mình. Tác gia, triết gia, cựu CEO sinh ra tại Lyallpur, Punjab (Tây Bắc Ấn, nay là Faisalabad, Pakistan) trước khi nước Ấn bị chia cắt, thời điểm mà Thế chiến Hai đang quần thảo khắp nơi bởi sự đối đầu của Hitler (Đức), Churchill (Anh) và Hirohito (Nhật hoàng) - cơn bão táp chia cắt lịch sử chuẩn bị ập đến quốc gia đông dân này. Bố của Das, một kĩ sư kiêm thiền sư (mystic, người dành nhiều giờ thiền định), đã đưa ông đến Mỹ theo cơ hội công việc, nhờ vậy cánh cửa giáo dục phương Tây đã mở ra cho Das, ông đến Harvard học về triết (philosophy), một lựa chọn được hình thành từ rất sớm trong bối cảnh gia đình Das bởi các câu hỏi kiểu như "ý nghĩa cuộc đời là gì" luôn nằm trong thảo luận hàng ngày của gia đình. Das theo học một trong những triết gia có ảnh hưởng bậc rất thế kỷ 20 (trường phái chủ nghĩa tự do) John Rawls tại Harvard, người đào sâu vào các khái niệm công lý, bình đẳng, bất bình đẳng và tự do. Sự học của Das có thể còn tiến triển xa với tấm bằng tiến sĩ tại Oxford, tuy nhiên, ông từ chối cơ hội này để nhảy vào thế giới kinh doanh sau khi tự vấn: "liệu mình có nên dành phần còn lại của cuộc đời để chìm đắm trong các suy tư trừu tượng (abstract stratosphere of thought)", có thể còn do áp lực từ gia đình đặc biệt là mẹ (tại sao mày vẫn thất nghiệp dù tốt nghiệp Harvard). Cuối cùng, anh chàng chữ nghĩa Das dự phần vào ngành tiêu dùng nhanh, thăng tiến dần dần thành tổng giám đốc của Proter & Gamble Ấn Độ. Trải nghiệm thực tế này đã đưa ông bước ra khỏi những thiên kiến chữ nghĩa (biased towards intelligence) hay tri thức (intellectual thoughts) để hòa nhập vào thế giới của hành động thực tế (thứ thực sự rung chuyển thế giới như câu chuyện của Kamble).
Kamble có những phẩm chất mà Das nhìn thấy ở nhiều nhà lãnh đạo thế giới mà ông có cơ hội tiếp xúc, hai trụ cột quan trọng luôn là lòng quyết tâm (determination) và sự khiêm nhường (humility). Tất nhiên, đứng trên núi cao buộc phải có tham vọng lớn (ambition), tuy nhiên tham vọng này phải được đặt trong công việc (sao cho tốt nhất) chứ không phải ở quyền chọn cổ phiếu (stock options) của riêng họ. Quan điểm này thực ra rất cổ xưa, đã được truyền dạy từ cách đây vài nghìn năm ở Ấn. Cụ thể trong tác phẩm bất hủ "Chí Tôn Ca/ Bhagavad Gita", thần Krishna đã giới thiệu đến chiến binh Arjuna khái niệm karma yoga (Nishkama Karma) - ám chỉ những hành động vô vị lợi (self-less or desireless action): "hành động vì mình phải hành động chứ không phải chăm chăm vào phần thưởng hay kết quả (act for the sake of the action, and not for the reward)", nghĩa là công việc chỉ có thể đạt hiệu quả nhất với thái độ chăm chú, tinh thần vô vị lợi, tính trách nhiệm cao (không quan tâm đến ghi nhận thuộc về ai/ don't care who gets the credit). Das nhấn mạnh, đừng xem bản thân mình quá quan trọng mà hãy dành điều đó cho công việc.

Das là một trong những người đầu tiên tiên đoán về sự trỗi dậy kinh tế của Ấn Độ (economic rise), đất nước độc lập hậu Nehru (lãnh đạo tối cao của phong trào độc lập Ấn Độ dưới sự giám hộ của Mahatma Gandhi và là kiến trúc sư của nhà nước hiện đại Ấn Độ) đã thay đổi suy tư của hàng trăm triệu người Ấn, từ não trạng thuộc địa (colonized) sang dân chủ tự do (liberated) dự phần sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu (tăng trưởng nhanh nhất thế giới). Hãy hình dung trong thập niên 90, Ấn Độ tăng trưởng 6% mỗi năm trong suốt 30 năm - đưa 400 triệu người thoát khỏi đói nghèo, giới trung lưu tăng từ 10% lên 30%. Dù chậm nhịp trong việc dự phần vào cách mạng công nghiệp, tuy nhiên Ấn Độ đã làm rất tốt ngành dịch vụ, biến nước này thành back-office (văn phòng hành chính) của thế giới (tương tự như cách Trung Quốc thành công xưởng thế giới). Một lát cắt khác chính là công cuộc số hóa của Ấn Độ, diễn ra nhanh chóng và hiệu quả còn hơn cả phương Tây, hiện tại cứ 100 người Ấn thì có đến 67 người tiếp cận được Internet. Ấn xây dựng hệ thống DPI (Digital Public Infrastructe) và UPI (United Payments Interface) cung cấp dịch vụ số và thanh toán trực tuyến nhanh chóng, miễn phí và hiệu quả cho công dân Ấn (ngành fintech ở Ấn phát triển nhanh với 26 unicorn - công ty trị giả tỷ đô và có cả decacorn - công ty chạm đến 10 tỷ đô). Góc nhìn này của Das về Ấn được ông chia sẻ trong tác phẩm "India Unbound" (Ấn Độ được cởi trói), trong đó tập trung thảo luận về những chuyển đổi "vật chất" (artha, material well-being) của Ấn Độ từ lúc ông sinh ra (1942) đến thập niên 90.

Đề tài này nhanh chóng được nối tiếp bởi cuốn sách thứ hai "Difficulty of Being Good" (Khó khăn của việc làm điều tốt) nói về những lựa chọn tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức (dharma, moral well-being) của người Ấn trong thế giới đổi thay nhanh chóng. Trong đó, Das đưa độc giả quay về minh triết cổ xưa của Ấn Độ "Trường ca Mahabharata" (mà Chí Tôn Ca là một phần trong đó) vốn mô tả một cuộc chiến tranh dành quyền lực long trời lở đất cách đây nhiều nghìn năm nhưng lại không khác mấy với những gì mà con người hiện đại đối diện, đặc biệt là trong địa hạt chính trị. Trường ca này luôn ám ảnh với "dharma", một khái niệm có rất nhiều tầng nghĩa (gần như không thể dịch trực diện sang tiếng Việt) chẳng hạn như luật, trách nhiệm, phẩm giá nhưng có lẽ ý nghĩa sâu thẳm nhất là "hãy làm điều đúng". Tuy nhiên để nhận biết điều gì đúng, điều gì sai lại là một gánh nặng lên tâm trí, trường ca đặt trách nhiệm lý lẽ đạo đức này lên mỗi cá nhân, buộc họ phải có những lý lẽ tốt diễn ra trong đầu (good reasoning) để từ đó có hành động đạo đức tốt (chứ không dựa dẫm vào Thiên Chúa như phương Tây) - con người (đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách) buộc phải bước vào màn sương mù mờ (ambiguities) của cuộc đời để ra quyết định và cực kỳ thách thức để chạm đến mức độ hoàn hảo của đạo đức (perfection of moral). Das cũng luận bàn về khía cạnh khó nhằn của con người "thói tỵ hiềm" (sự ghen tị) vốn hình thành trong tâm trí từ rất sớm. Hãy để ý cách các đứa trẻ dành giựt đồ chơi với nhau. Trường đại học Harvard cũng từng làm một thí nghiệm vào năm 1987 với các sinh viên về thói tỵ hiềm. Cụ thể trường hỏi: "các anh chị muốn kiếm 200k đô hay 50k đô" dĩ nhiên ai cũng đồng thanh "200k". Tuy nhiên khi đổi câu hỏi: "nếu anh chị kiếm 100k đô thì bạn của anh chị sẽ kiếm nhiều hơn 200k đô và nếu anh chị chọn chỉ kiếm 50k đô thì bạn của anh chị lại chỉ kiếm được 25k đô", hơn 80% sinh viên đã chọn vế sau vì không muốn lép vế với bạn mình. Thói tỵ hiềm là một trong những bản chất tồi tệ có trong con người (gần như không thể xóa bỏ), Das nhận định, nếu tội lỗi của hệ thống chủ nghĩa tư bản chính là lòng tham (sin of capitalism) thì hệ thống xã hội chủ nghĩa (socialism) chính là lòng tỵ hiềm (hãy nhìn vào nguyên cớ Liên Bang Xô Viết sụp đổ, một xã hội hứa hẹn cào bằng dân chúng như nhau cuối cùng lại nuôi dưỡng thói ghen ghét tỵ hiềm lên cao độ). Thói tỵ hiềm có lẽ cũng là nguyên cớ có những cuộc thảm sát của {H*itler} với dân Do Thái - nói chung nó nguy hiểm cho mọi hệ thống xã hội.

Das nối tiếp chuỗi hai tác phẩm trên với "Kama: The Riddle of Desire" (Bài đố về ham muốn) đề đào sâu vào một đề tài khó khăn khác "Kama", một khái niệm cổ xưa nữa của Ấn Độ có nghĩa là sự thõa mãn, niềm vui và ham muốn. Các văn bản cổ xưa của Ấn như Kinh Vệ Đà (Rigveda) và Áo nghĩa thư (Upanishads) cho thấy một mâu thuẫn dài hơi giữa hai phe, nhóm thân Kama, những người theo đuổi khoái lạc cao nhất (kiểu như Kama Sutra, một tác phẩm khiêu dâm lâu đời của Ấn) và nhóm chống Kama - những người chống lại khoái lạc hay theo đuổi sự giải thoát về tinh thần (spiritual liberation). Ngoài ra, còn có những người chọn giải phát trung dung giữa hai cực gọi là Kama Realists (kiểu ham muốn thể xác là chấp nhận được nếu họ vẫn ở trong hôn nhân). Das nhấn mạnh về mối liên hệ giữa Kama và Smara (trí nhớ), ông tin rằng kí ức về tình yêu có sức mạnh to lớn hơn cả hành động yêu (the act).

Như vậy là sau artha, dharma và kama, tác phẩm thứ tư của Das "Another Sort of Freedom/ một hình thức tự do khác" về moksha (kí ức) của cá nhân ông - câu chuyện về lịch sử của quốc gia Ấn mà ông dự phần, câu chuyện về thái độ sống (như Kamble mà mình kể lại ở trên) cùng nhân sinh quan rộng lớn (mà Das thừa hưởng từ dòng chảy tư tưởng châu Á cùng các va đập với tư tưởng phương Tây). Ông thừa nhận mình là người có cái đầu phương Tây, trái tim Ấn, một bộ não Anh (thiên về kinh nghiệm) và tâm hồn của một Phật tử. Trong lúc ký tặng sách, mình có thỏ thẻ với Das: "Trường ca Mahabharata, đặc biệt là Chí Tôn Ca, cùng những lời bình giảng của bác đã thay đổi sâu sắc nhân sinh quan của cháu". Ông quay qua, ánh mắt long lanh, mỉm cười và nói: "hãy là một trong số ít những người hạnh phúc không quá xem trọng bản thân mình (do not take yourself too seriously)".