Thần chết Oppenheimer



Bộ phim mới nhất của Christopher Nolan (nhà làm phim hiện đại xuất sắc nhất Hollywood hiện nay) xoáy sâu vào một nhân vật kiệt suất J. Robert Oppenheimer với tựa phim đặt theo họ của ông "Oppenheimer". Hai quả bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản vào năm 1945 giết chết hàng trăm ngàn người (quả bom Cậu Bé Nhỏ Bé - Little Boy thả xuống Hiroshima và Người Đàn Ông Mập Mạp - Fat Man thả xuống Nagasaki) đã khiến cái tên Oppenheimer trở thành một thứ ẩn dụ gắn với "cái chết hàng loạt phía dưới đám mây nấm" (do hai quả bom gây ra). J. Robert Oppenheimer sinh ra vào những năm đầu của thế kỷ 20 (1904) trong một gia đình Do Thái gốc Đức thượng lưu ở Manhattan, New York. Bố của ông, Julius Oppenheimer, sinh ra ở thị trấn Hanau, thuộc Frankfurt của Đức và rời quê hương đến New York (lúc còn là một cậu bé) với rất ít tiền và vốn liếng tiếng Anh để giúp đỡ họ hàng vận hành một công ty nhập khẩu dệt may. Sau đó, Julius vươn lên thành đối tác (partner) của công ty đồng thời kết hôn với Ella Friedman, một họa sĩ cũng có gốc Do Thái - Đức (gia đình đã định cư ở Baltimore từ những năm 1840). Việc mang họ "Oppenheimer" có một sức nặng đặc biệt. Dòng họ này chia nhiều nhánh. Có nhánh nắm những kinh điển thâm sâu của Talmud, cụ thể là thế giới quan Do Thái quanh nhiều chủ đề, bao gồm cả pháp luật, đạo đức, triết học, phong tục, lịch sử và thần học. Thầy đạo (rabbi) David Oppenheim (1664-1736) là người đứng đầu cộng đồng Do Thái ở Prague (nay là thủ đô cộng hòa Czech) có sức ảnh hưởng bậc nhất trong thế giới Do Thái tại châu Âu trong thế kỷ 17 và 18. Có nhánh lại tập trung vào việc quản lý tiền bạc và cố vấn chiến lược cho vua chúa của châu Âu như Samuel Oppenheimer (1639-1703). Samuel là cố vấn cho hoàng đế Leopold I, đồng thời cấp vốn cho cuộc Đại chiến Thổ Nhĩ Kỳ (1683-1699 giữa đế chế Ottoman và La Mã Thần Thánh).

Ngày nay khi đến thăm thư viện Bodleian Libary tại trường đại học Oxford, chúng ta có thể tìm thấy các bộ sưu tập các tác phẩm quý giá của David Oppenheim (David Oppenheim Library) do Samuel cất công bảo vệ, trong đó chứa đựng những hiểu biết quanh cách thức cộng đồng Do Thái giữ vững kết nối và danh tính qua biết bao thăng trầm lịch sử tứ tán bốn phương, mối liên hệ giữa người Do Thái và Công Giáo, những kết nối giữa Oppenheimer với quí tộc châu Âu cùng cộng đồng Do Thái khi đó còn nghèo khó ở Jerusalem, cùng các lực đẩy đưa gia tộc nắm giữ quyền lực, đặc ân và các cơ hội (dù đối diện với nhiều phong trào bài Do Thái). Con trai của Samuel, Simon Wolf Oppenheimer, là người sáng lập nên ngân hàng Oppenheimer ở Hannover (Đức), nơi Mayer Amschel Rothschild, một gã Do Thái nghèo ở Frankfurt, đến học việc. Ông ta chính là người xây móng cho hệ thống mà ngày nay chúng ta gọi là "tài chính quốc tế" (đi kèm danh tiếng huy hoàng của gia tộc Rothschild), khởi phát từ kinh nghiệm làm việc cho Oppenheimer.

Thành công trong ngành dệt may đã đưa Julius Oppenheimer lên tầm thượng lưu ở New York (ông sở hữu các tác phẩm nghệ thuật có giá trị của các nghệ sĩ Pablo Picasso, Edouard Vuillard, và Vincent van Gogh) và để lại cho các con một gia tài đồ sộ. Điều thú vị là cả Robert và em trai mình Frank đều theo đuổi con đường học thuật bậc cao (khá giống với một gia đình Do Thái khác cũng nổi tiếng không kém là Wittgenstein), nền tảng đưa hai anh em đến với Dự Án Manhattan sau này. Gia đình Oppenheimer không đi đến nhà thờ Do Thái (synagogue) hay thực hành bar mitzvah (lễ trưởng thành trong đạo) truyền thống mà đi theo một nhánh cách tân và cởi mở (liberal) với tên gọi Reform Judaism (Do Thái Cải Cách). Cụ thể, Robert được gửi đến Ethical Cuture School ở New York, môi trường giúp nhà vật lý phát triển các trụ cột đạo đức phổ quát (universal moral tenets) nhấn mạnh lý lẽ (human reason - hay sự duy lý), cởi mở với các ảnh hưởng bên ngoài và tư tưởng cấp tiến (Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook cũng trưởng thành trong môi trường này). Khả năng học thuật phi thường của Oppenheimer (khẳng định qua suốt quá trình học tập và nghiên cứu trải dài từ Harvard, Cambridge, Göttingen, CalTech đến UC Berkeley) đã trở thành tấm khiên bảo vệ ông trước tâm lý bài Do Thái mạnh mẽ quanh môi trường học thuật ông dự phần (rất giống những gì tổ tiên ông trải qua).

Cho đến tận những năm 1930, J. Robert Oppenheimer gần như hoàn toàn tách biệt với môi trường chính trị dù phổ nghiên cứu của ông rất rộng, từ vật lý (nguyên tử, lượng tử, điện động học, vũ trụ, thuyết tương đối) đến triết học/tư tưởng, đặc biệt là đạo Hindu và ngôn ngữ Sanskrit (tác phẩm Chí Tôn Ca - Bhagavad Gita có ảnh hưởng sâu sắc đến ông). Giai đoạn đó ông hầu như không bao giờ đọc báo (như Time hay Harper's Bazaar), không nghe radio, không điện thoại (chỉ biết về đại suy thoái 1929 sau đó nhiều năm). Tuy nhiên, khi suy thoái kinh tế diễn ra và Nazi lên nắm quyền tại Đức (bắt đầu thanh trừng có hệ thống người Do Thái) ảnh hưởng trực tiếp đến người thân và bạn bè, ông dần chân nhận mạnh mẽ các sự kiện kinh tế và chính trị có khả năng ảnh hưởng sâu sắc cuộc sống con người. Ông bắt đầu trích phần trăm thu nhập để giúp đỡ các nhà khoa học Do Thái đào thoát châu Âu, đồng thời nuôi dưỡng lòng căm thù với Nazi - đây chính là căn cơ của việc ông đồng ý tham gia dự án siêu bí mật Manhattan (trị giá 2 tỷ $ khi đó - tương đương 23 tỷ $ ngày nay) - chế tạo bom nguyên tử tại Los Alamos Lab ở New Mexico (Oppenheimer cũng sợ Nazi sẽ đi trước Hoa Kỳ trong việc chế tạo bom, cụ thể dự án dẫn dắt bởi Heisenberg).

Ngay sau vụ thử hạt nhân đầu tiên Trinity tại Los Alamos, trước sức công phá to lớn của quả bom, một đoạn chữ của Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita) đã chạy qua đầu ông "tôi giờ đây là trở thành Thần Chết (Death), kẻ hủy diệt thế gian". Thế giới sau vụ thử nghiệm này sẽ không còn như xưa nữa. Một số ít sẽ cười, số ít khóc và đa phần lặng im". Dường như, Hindu đã trở thành một nền tảng triết học hữu dụng để ông vận dụng với thực tế đời sống của mình. Chí tôn ca là một văn bản cổ bằng tiếng Phạn (kinh thánh Hindu) gồm 700 câu (verse), quay quanh cuộc hội thoại giữa chiến binh Arjuna và thần Krishna (người đánh xe ngựa). Bất an trước viễn cảnh cuộc chiến sắp tới sẽ càn quét gây khổ đau cho bạn bè và người thân, Arjuna viện cầu đến thần Krishna. Thần Krishna đã dẫn lối cho Arjuna đến một tầm nhận thức cao hơn, khuyến khích ông hoàn thành sứ mệnh cao cả của chiến binh trên trần thế (cái gọi là dharma, hay trách nhiệm thần thánh - holy duty). Tâm trí lo lắng hay nghi hoặc sẽ không đạt đến thành tựu nào. Hãy hành động, đồng thời đừng bám chấp vào thành quả (fruits). Nhà soạn nhạc nổi tiếng John Adams, đã từng đưa nỗi trăn trở này của Oppenheimer vào tác phẩm Opera "Doctor Atomic" với các trích dẫn Chí Tôn Ca làm lời ca.

Bộ phim của Christopher Nolan cũng tập trung xoáy sâu vào quá trình dẫn dắt Oppenheimer đến với dự án Manhattan, trước tiên từ lời mời của Leslie Groves (Thống tướng Lục Quân Hoa Kỳ) sau khi chắc chắn nhà vật lý không có bất cứ liên hệ gì với các kẻ thù của Hoa Kỳ. Tiếp sau đó, Oppenheimer đã tập hợp các nhà khoa học hàng đầu đến với Los Alamos, trong đó có Albert Einstein (nhà khoa học mà chúng ta ai cũng biết tên). Hai nhà vật lý sau đó đã có những thảo luận lý thuyết về viễn cảnh quả bom có thể kích khởi chuỗi phản ứng trả thù qua lại dẫn đến tận diệt thế giới. Phần tiếp theo của bộ phim tiếp tục đào sâu vào bi kịch của Oppenheimer khi mắc kẹt trong đấu đá phe phái chính trị tại Hoa Kỳ (cụ thể là mâu thuẫn với chủ tịch của Ủy Ban Năng Lượng Hạt Nhân Hoa Kỳ Lewis Strauss, một người Do Thái khác có xuất phát điểm khiêm tốn hơn Oppenheimer). Bài viết ngắn dưới đây của John Nosta, nhà chiến lược công nghệ, liên kết câu chuyện của Oppenheimer với các nhà viễn kiến vĩ đại khác như Tesla và Elon Musk, sẽ cho chúng ta những lát cắt (góc nhìn) thú vị để kiểm chứng/so sánh với các nhân vật trong tác phẩm phim Nolan sắp ra rạp tại Việt Nam.

Trong suốt biên niên sử khoa học của nhân loại, chỉ có một vài cá nhân tỏa sáng rực rỡ kèm theo bi kịch to lớn, trong đó J.Robert Oppenheimer là một nhân vật điển hình. Trong vai trò giám đốc điều hành của Dự án Manhattan, ông là kiến trúc sư trưởng của kỷ nguyên nguyên tử. Đồng thời, ông cũng là nạn nhân của sự sụp đổ chính trị khởi phát từ chính sáng tạo của mình, đám mây "nguyên tử" hình nấm (ở Nhật) đã phủ bóng mãi mãi lên ông. Sự pha trộn đầy bi kịch giữa "thiên tài" và "nỗi thống khổ" (victimhood) cho chúng ta một cái nhìn khai sáng về mối liên hệ (nexus) giữa khoa học, chính trị và đạo đức trong thế giới hiện đại. Đặc biệt là các liên đới đến các phát kiến công nghệ mới bùng nổ ngày nay, điển hình như AI.

Oppenheimer, một biểu tượng học thuật (nhưng cũng rất đỗi mong manh), được tôn trọng tột bậc bởi khả năng xuất sắc (brilliance) đi kèm thẩm quyền ẩn tàng (quiet authority). Ông lãnh đạo Viện Nghiên Cứu Nâng Cao Princeton (Institute for Advanced Study in Princeton), đồng thời là sếp (boss) của nhà vật lý kiệt suất Albert Einstein. Tuy nhiên, ông né tránh mọi sự khoe khoang (ostentation) và đắm chìm trong sức mạnh của ý tưởng và suy tư (ideas and thought), cách tiếp cận này lấp lánh phản ánh niềm tin mạnh mẽ của ông vào sức mạnh tri thức (supremacy of knowledge) thay vì nhiễu loạn ồn ào xung quanh (noise).

Là một thiên tài vật lý, Oppenheimer vô tình mắc kẹt trong những hỗn loạn chính trị của Chiến Tranh Lạnh (Cold War). Quả bom nguyên tử mà ông tạo ra đã trở thành một công cụ quan trọng để kết thúc Thế Chiến II. Tất niên nó cũng đồng thời tạo ra các thay đổi địa chính trị, tạo ra một kỷ nguyên sợ hãi và bất an (fear and uncertainty). Nhà khoa học từng được ngợi ca là anh hùng bỗng nhiên bị nhìn nhận một cách ngờ vực, cuối cùng trở thành mục tiêu của nhóm chống cộng (trong kỷ nguyên McCarthy ở Hoa Kỳ). Căng thẳng được đẩy lên cao khi ông buộc phải tham gia buổi điều trần về an ninh năm 1954 (security hearing) đồng thời quyền tiếp cận các thông tin an ninh mật của ông bị xóa bỏ (security clearance). Cộng đồng khoa học mà ông từng giúp đỡ xây dựng bỗng nhiên trở mặt. Điều này đánh dấu một cú gãy đổ đầy bi kịch cho một trong những bộ óc khoa học vĩ đại đồng thời nhấn mạnh sự nguy hiểm khi khoa học, công nghệ và đường hướng chính trị va chạm với nhau.

Từ thành công to lớn với dự án Manhattan tới cú ngã ô nhục, Oppenheimer trở thành một lời nhắc nhở mạnh mẽ cho chúng ta thấy cách anh hùng quốc gia có thể bị đề bẹp bởi những chuyển dịch của cơn gió chính trị. Kinh nghiệm trên của ông là lời cảnh báo cho các nhà lãnh đạo công nghệ, giống như Oppenheimer, hoạt động trong một môi trường mà kết quả từ công việc họ say mê (groundbreaking work) có thể có những hậu quả xa xôi và không thể tiên đoán (far-reaching & unpredictable).

Thăng trầm trong chuyến hành trình của Oppenheimer không phải là ngoại lệ duy nhất trong lịch sử phát triển công nghệ và khoa học. Nhiều bộ óc sáng láng đã đối diện với khiển trách (censure) và hiểu lầm (misunderstanding) bởi chính bản chất đầy cách mạng trong ý tưởng do họ khởi xướng cùng những thay đổi xã hội mà họ dẫn dắt. Nikola Tesla, nổi tiếng với việc xây dựng hệ thống điện, vẫn phải đối diện với sự ngờ vực và trêu chọc khi đưa ra các viễn kiến (tầm nhìn xa) về công nghệ không dây (wireless technology) và năng lượng miễn phí (free energy). Những cống hiến của Tesla đã được đông đảo mọi người ngày nay công nhận, ông giúp định hình hiểu biết của công chúng hiện đại về điện năng.

Gần đây nhất, chúng ta có Elon Musk, CEO của SpaceX và Tesla, người đã bị chỉ trích rộng rãi bởi các dự án tham vọng của mình, bao gồm thương mại hóa việc du hành không gian (space travel) và việc phát triển xe tự hành. Tầm nhìn của Musk về một tương lai được tăng cường bởi năng lượng bền vững (sustainable energy) và nền văn minh loài người phủ sang các hành tinh khác (interplanetary) đã bị coi là quá phi thực tế. Dù vậy, anh ta vẫn kiên định theo đuổi các mục tiêu này, rõ ràng bất cứ ai dấn thân thúc đẩy đường biên các giới hạn buộc phải có "sức bền dẻo dai" này. Câu chuyện của những bộ óc lớn như Oppenheimer nhắc nhở chúng ta về chặng đường gai góc của việc theo đuổi tiến bộ. Sự căng thẳng giữa các nhà viễn kiến (luôn tìm kiếm tương lai mới) và một xã hội ít nhiều bảo thủ không chấp nhận những ý tưởng đột phá luôn tồn tại. Do đó, sự bền bĩ kiên định là phẩm chất cực kỳ quan trọng luôn có của những nhà sáng tạo vĩ đại, để đối diện với những hiểu lầm và chống đối.