Thế giới tị hiềm
Hai nhà đầu tư huyền thoại Charlie Munger và Warren Buffett (phó chủ tịch và chủ tịch của Berkshire Hathaway) đã thực hiện các khoản đầu tư "rất tập trung" từ những năm 50. Đại đa số đem lại hoa trái ngọt ngào, gần như không có phi vụ nào dẫn đến thua lỗ to lớn. Phần bánh đầu tư trong các doanh nghiệp mà cả hai nắm dường như không hề sứt mẻ theo thời gian (mà thường thì chỉ mở rộng ra thêm). Một trong các phi vụ khá thú vị mà Munger tiến hành là mua lại tờ The Daily Court Journal (LA) vào năm 1977. Sau đó, ông chuyển hóa tờ báo (thông qua mua bán và sáp nhập) thành một tổ chức (group) sở hữu một loạt kênh truyền thông như các trang web và báo giấy chuyên cung cấp thông tin cho ngành luật, bất động sản hay kinh doanh nói chung. Nếu nhìn vào ngành báo chí của Hoa Kỳ, vốn được xem là nhánh thứ 4 của chính quyền (Fourth Estate), phần lớn hiện nay đều đã phá sản, trừ một số trường hợp hiếm hoi như The Wall Street Journal, The New York Times, hay tờ báo số Thomson Reuters. Trong bầu không khí khắc nghiệt như vậy, tờ The Daily Journal có lẽ cũng đã chung số phận hẩm hiu. Tuy nhiên, nhờ đầu tư vào chứng khoán (marketable securities) và các tài sản thanh khoản tốt (liquid wealth) mà tờ báo đã sống sót phi thường (chỉ có 2 hay 3 trong 500 tờ báo có kết quả như vậy). Tờ báo còn có một nhánh kinh doanh con mang tên Journal Technologies, Inc - chuyên làm phần mềm phục vụ cho hệ thống tòa án của phương Tây (courts system). Thị trường tự động hóa hệ thống tòa án rất lớn, như Munger nhận định mọi thứ như đang trong thời kỳ Đồ Đá, các luật sư hay quy trình tố tụng diễn ra cực kỳ thủ công ngay cả ở Hoa Kỳ. Daily Journal, thực ra là một phiên bản mini của Berkshire (một phương tiện để Munger có thể thỏa thích đầu tư mà không quá bị ảnh hưởng bởi Buffett). Tất nhiên, cách Daily Journal vận hành lấp lánh phản ánh hệ thống quản trị các nhánh đầu tư (subsidiary) của Bershire Hathaway.
Charlie và Gerry Salzman, chủ quản hay giám đốc điều hành tờ báo, đều không rút ra phần bánh (khoản đầu tư) nào từ Daily Journal sau chừng ấy năm gầy dựng tổ chức. Không có phí cho ban điều hành (director's fee), không có phí cho chủ tịch (president's fees), không có các khoản chi tiêu (expense) hay bất cứ phần thưởng kỳ lạ nào (theo chuẩn mực hiện tại như việc giám đốc điều hành các công ty lớn nhận $300k một năm). Gerry là một điều kỳ diệu, ông mang năm hay sáu cái mũ khác nhau trong tổ chức, hầu như tiến hành tất cả mọi thứ. Rất khó để vận hành một tổ chức quan liêu quá nhiều cấp bậc hay quy định, điều này khiến mọi thứ diễn ra chậm chạp và lãng phí nguồn lực. Hãy quan sát cái chết của một số tổ chức quan liêu như US Steel, Eastman Kodak, Federated Department Stores, Sears Roebuck. Tất nhiên trong một số trường hợp, nếu cần thiết, phải để toàn bộ hoạt động kinh doanh cốt lõi chết, lấy vốn ra để chuyển sang các hoạt động kinh doanh mới để đảm bảo sống còn (bản thân cái tên Bershire Hathway vốn ban đầu là một công ty dệt). Nguyên tắc này khởi phát từ Bershire, tổ chức không cho phép có sự quan liêu hay quá nhiều tầng nấc, chỉ có một vài người vận hành Đế chế khổng lồ này. Đó là cách Daily Journal sống còn trước sự sáng tạo phá hủy (disruptive innovation) của chủ nghĩa tư bản.
Hàng năm, Munger đều có phần trao đổi hỏi đáp rất sôi động với các cổ đông của Daily Journal tại Hội nghị thường niên (Annual Meeting - AGM). Đây là diễn đàn giúp nhân sinh quan của Munger lan tỏa tới các cổ đông nói riêng cũng như công chúng nói chung (như tại AGM của Bershire Hathaway). Phần trình bày của Munger tại AGM 2022 rất đặc biệt, ông đã ở độ tuổi 98 (có thể nói gần đất xa trời), mà độ tinh anh sắc sảo trong phản biện hay phân tích vấn đề hầu như không bị mai một. Munger lướt qua rất nhiều đề tài như quanh hoạt động kinh doanh của Daily Journal, sự cạnh tranh của mảng phần mềm với các đối thủ như Tyler Technologies, chiến tranh Ukraine, tại sao không đầu tư vào crypto, nhận định sự khó khăn trong tiên đoán tương lai như những gì diễn ra trong địa hạt công nghệ (việc Microsoft, Apple hay Alphabet vẫn hoạt động mạnh mẽ trong 50 năm tới hay suy tàn - khó ai biết được, hãy quan sát trường hợp của Kodak và General Motors) hay khoản đầu tư ít được biết đến của Munger vào World Book Encyclopedia (công ty xuất bản những cuốn sách bách khoa toàn thư, giúp ông phát triển xây dựng nền móng tri thức). Tuy nhiên, bốn phần quan trọng nhất, mà ông dành nhiều thời gian đào sâu nhất, đi kèm một số cảnh báo quan trọng cho nhân loại chính là:
* Đầu tư vào Trung Quốc (thay vì Nga)
* Lạm phát
* Sự mở rộng nguy hại
* Tinh thần lạc quan và thế giới tỵ hiềm
Mình lược lại những phần hay ho nhất tại AGM dưới đây:
Trung Quốc
Thực tế cho thấy, một số công ty Trung Quốc có thể bị cấm làm ăn ở phương Tây (cũng có thể ở một số nước phương Đông) quanh một số lý do như 1) mối đe dọa an ninh 2) mâu thuẫn tiềm tàng quanh vấn đề Đài Loan 3) không đáp ứng được các tiêu chuẩn kế toán của phương Tây 4) vấn đề nhân quyền. Jeff Gundlach, nhà sáng lập quỹ DoubleLine Capital LP nhận định: "Theo ý tôi, Trung Quốc là nơi không thể đầu tư ngay lúc này. Tôi chưa từng đầu tư vào Trung Quốc, dù là dài (long - giá trị tăng trong tương lai) hay ngắn (short - giá trị giảm trong tương lai). Tại sao vậy. Tôi không thể tin vào dữ liệu. Tôi không thể tiếp tục tin vào mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Rủi ro các khoản đầu tư tại Trung Quốc có thể bị tịch thu quá cao."
Các rủi ro trên không hề làm chùn bước Munger hay Buffett rót tiền vào Trung Quốc, cụ thể qua các cổ phiếu BYD và Alibaba (dưới dạng phái sinh - không thể đầu tư trực tiếp) của Daily Journal tại Trung Quốc. Thời gian mới có thể trả lời, Munger và Gundlach, ai đúng ai sai. Nhưng Trung Quốc là một quốc gia siêu lớn, xét về quy mô dân số và mức độ hiện đại hóa - tất cả chỉ diễn ra trong vòng 30 năm vừa qua. Munger đầu tư vào Trung Quốc bởi giá trị thu về khi xem xét sức mạnh của các doanh nghiệp ở đây cùng mức giá cổ phiếu mua được (thấp hơn) so với thị trường Hoa Kỳ. Nhiều nhóm đầu tư khác, như Sequoia, một quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu Hoa Kỳ, có cùng quyết định giống như vậy. Munger thông cảm với Gundlach: "nếu hoang mang, không nhất thiết phải nhảy vào cùng. Tôi cũng không đầu tư vào Nga do đó tôi không thể chỉ trích quan điểm của Gundlach, chúng tôi khác nhau về kết luận". Áp lực chính trị từ chính quyền Trung Quốc mà nhiều người trăn trở cũng có chiều ngược lại. Trung Quốc cũng rất e dè các nhà tư bản (capitalists) trên thế giới. Tất nhiên, Munger không thích kiểu đối đầu căng thẳng này, rất là ngu ngốc, mong là Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể làm việc hiệu quả với nhau. Duy trì hữu hảo là tối cần thiết, Hoa Kỳ cần học cách cùng làm việc với những quốc gia có hệ thống chính trị khác với mình. Dân chúng Mỹ đã quá quen thuộc với hệ thống chính quyền hiện tại cùng các lợi thế về tự do cá nhân. Trung Quốc không thể xây dựng vận mệnh mà họ đang có nếu áp hệ thống Hoa Kỳ vào. Họ không thể có vị trí ngày hôm nay nếu làm như Mỹ. Trung Quốc đã phải ngăn trở đâu đó 500 triệu hay 600 triệu người sinh ra trên mảnh đất đại lục. Họ đo lường chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ khi đến chỗ làm và làm sẩy thai những ai không được phép có con. Nước Mỹ không thể làm điều này. Trung Quốc cần kiểm soát dân số khổng lồ của họ bằng những chính sách nghiệt ngã. Không nên chỉ trích Trung Quốc (dù có nhiều vấn đề nghiêm trọng) chỉ vì hệ thống chính trị của họ không giống Hoa Kỳ. Thực ra, Trung Quốc làm nhiều thứ tốt hơn hẳn Hoa Kỳ.
Có lẽ, mối quan tâm của Munger với Trung Quốc còn vì sự ngưỡng mộ một số giá trị Nho giáo (minh triết phương Đông) như lòng hiếu thảo (filial piety), hay tinh thần bổn phận hay trách nhiệm (đến một cách tự nhiên và cần được truyền lại cho các thế hệ kế tiếp). Ông đề cao Đặng Tiểu Bình và coi nhân vật này là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất mà thế giới từng có. Đặng, với quyền lực tuyệt đối, đã từ bỏ ý thức hệ của mình để nền kinh tế Trung Quốc trở nên tốt hơn. Cụ thể, thay đổi hoàn toàn hệ thống: từ nền nông nghiệp bao cấp (collectivist agri) kém hiệu quả sang nền nông nghiệp tư bản (capitalist agri). Hãy hình dung điều này tương tự như việc các đấng Hồng Y Công Giáo đột nhiên xác nhận không có cuộc sống mới sau cái chết (afterlife). Bằng cách cho nông dân sở hữu và chịu trách nhiệm canh tác trên phần đất của họ, năng suất sản xuất lúa gạo (grain) đã tăng lên 60% trong năm đầu tiên. Nhờ vậy, Trung Quốc chuyển hóa từ một quốc gia đói nghèo sang thịnh vượng 30 năm sau đó. Quyết định này của Đặng rất đáng ngưỡng mộ. Một phép màu, giá trị của chủ nghĩa tư bản đã chạy vào hệ thống cộng sản Trung Quốc, mà Đặng gọi là "chủ nghĩa tiêu dùng mang màu sắc Trung Hoa", nghĩa là chính quyền một đảng nhưng đại đa số sự thịnh vượng sẽ rơi vào khu vực tư nhân, hay các doanh nghiệp "tự do".
Lạm phát
Lạm phát là một vấn đề rất nghiêm trọng, nó có thể từ từ giết chết các nền dân chủ hay thể chế như cách các cuộc khủng hoảng diễn ra ở Châu Mỹ Latin. Một khi quần chúng học được cách dùng sức mạnh bầu cử để tiếp tục nuôi dưỡng các chính phủ hay bơm thêm tiền, thì điều này sẽ diễn ra liên tục và bị lạm dụng - kéo theo sự phá hủy dần dần của nền văn minh. Tất nhiên việc này diễn ra trong khung thời gian dài (long-range). Nếu quan sát nền Cộng Hòa La Mã (Roman Republic - kéo dài hơn 450 năm), dù đạt đến đỉnh cao của quyền lực tuyệt đối họ vẫn không ngừng khiến đồng tiền lạm phát (currency) suốt vài trăm năm - để rồi cuối cùng cả đế chế sụp đổ. Đây là mối nguy to lớn trong thời gian dài (tách biệt khỏi các mối nguy khác như chiến tranh hạt nhân). Giả thuyết an toàn nhất cho các nhà đầu tư là trong vài trăm năm tới, giá trị đồng tiền sẽ đi về không. Đây là một giả thuyết thực tiễn nhất của tôi. Môi trường lạm phát cực kỳ nguy hiểm. Điều đưa Hitler đến quyền lực chính là sự kết hợp giữa lạm phát của nền cộng hòa Weimer (vốn tiêu diệt hoàn toàn các khoản tiền tiết kiệm của tầng lớp trung lưu tại Đức) và Đại Suy Thoái. Đó là hai cú đánh liên hoàn (one-two punch). Khi nắm quyền, Hitler đã mị dân một cách điên cuồng - hắn có đến 40% phiếu bầu (cao bất thường trong nền dân chủ kiểu Đức), nhanh chóng chuyển hóa thành một kẻ độc tài hung hăng, đẩy cả thế giới vào Thế Chiến. Lịch sử không bao giờ dễ chịu, dù Đức mà Hitler được chuyển giao đã là một quốc gia phát triển (advanced) và văn minh (civilized). Nếu chúng ta để cho quốc gia suy thoái (deteriorate) quá nhiều thì cái nhận được cuối cùng chính là Hitler như thực tế đã chứng minh. Khi in tiền với quy mô lớn như các quốc gia hiện đại đang làm, cụ thể như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu, cả thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng theo quy mô chưa từng có (dù biết trước kết cục mà vẫn làm). Có lẽ vẫn còn một thời gian dài trước nữa tất cả mới bung bét ra.
Volcker (cựu Chủ tịch FED), sau thập niên 70, đã đưa lãi suất cơ bản (prime rate) lên đến 20%, đồng thời ép chính phủ phải trả đến 15% trên trái phiếu chính phủ (gov bonds) - đó là một đợt suy thoái tồi tệ, diễn ra trong thời gian dài và gây ra nhiều giận dữ. Munger hy vọng Hoa Kỳ sẽ không đi đến đó một lần nữa. Điều kiện cho phép Volker đưa ra các chính sách cứng rắn như vậy mà không có sự can thiệp của các chính trị gia là cực kỳ khác lạ (unsual). Trong bối cảnh thập niên 2020, cần áp dụng các chính sách kiểu như vậy. Tuy nhiên, các chính trị gia hiện đại khó có đủ ý chí để cho phép "Volcker mới" đưa ra các quyết định cứng rắn tương tự cho nền kinh tế, hay chủ đích tạo ra giai đoạn suy thoái mới. Những vấn đề hiện tại thì rất khác với những vấn đề cũ cách đó nhiều thập kỷ. Cơn địa chấn mà chúng ta đón nhận sắp tới có thể còn tệ hại hơn những gì mà Volker từng xử lý và cực kỳ khó khắc phục. Hãy quan sát các quốc gia Châu Mỹ Latin dám in quá nhiều tiền, cái dân chúng nhận được cuối cùng chính là các chính trị gia có tiếng nói mị dân mạnh mẽ (strongmen). Điều này đã được Plato, triết gia cổ đại, nhận định khi quan sát những gì diễn ra trong nền dân chủ thành bang Hy Lạp (Greek city-state): khi mọi thứ tập trung quanh một người, một kiểu phiếu bầu, cùng rất nhiều lề luật (legalities) thì cuối cùng dân chúng có kẻ mị dân (demagogues). Nền dân chủ suy tàn. Những gì xảy ra cách đó hai nghìn năm ở Hy Lạp đã lặp lại ở châu Mỹ Latin.
Tất nhiên Munger không muốn Hoa Kỳ cũng đi vào vết xe đổ như vậy. Nước này đã làm rất nhiều điều cực đoan và không rõ vấn đề phải đối diện sắp tới là gì. Liệu có giống như Nhật Bản (vượt qua giai đoạn in tiền vô tội vạ) hay một thứ gì đó tồi tệ hơn nhiều. Điều khiến cuộc đời thú vị chính là chúng ta không biết nó diễn ra như thế nào. Các hành động của chúng ta, không hiểu sao, luôn bị hút vào việc tạo ra những vấn đề rất nghiêm trọng. Nhật Bản vẫn duy trì được quốc gia văn minh dù đối diện với quá trình in tiền quá mức (nếu so với các tiêu chuẩn trước đó). Việc in tiền quả thực rất hấp dẫn (seductive), bạn có một khoản nợ với lãi suất đi kèm (interest-bearing debts) và phải trả lại bằng tài khoản vãng lai (checking accounts). Nhưng đột nhiên, nhờ chính sách nào đó, bạn không còn phải trả lãi suất nữa, cứ như thiên đường ập đến. Các nhà làm luật hay chính trị gia cần lấy lòng công chúng bằng các chính sách kiểu như vậy: xóa bỏ việc chi trả lãi suất (interest payments) và khiến nguồn cung tiền bị đẩy lên. Thứ gì càng quyến rũ hấp dẫn thì càng bị lạm dụng.
Cần chân nhận, chúng ta sẽ phải đi qua giai đoạn (hay chu kỳ) suy thoái đầy giận dữ (agony) cũng như giai đoạn tăng trưởng - hãy chuẩn bị tâm thế bước qua bình thản nhất có thể. Nhà thơ vĩ đại Joseph Rudyard Kipling từng nói: "Hãy đối xử với hai thái cực trong cuộc đời giống như nhau (Vinh Quang hay Thất Bại)" Hãy đối đầu với cả ban ngày và ban đêm, bùng nổ (boom) cũng như vỡ tan (burst). Miễn là cuộc đời còn cho phép. Tương lai thì trông phức tạp và khó khăn, Munger chia sẻ lại lời của vị giáo sư già nua từng dạy ông: "Munger, hãy nói với tôi về vấn đề của bạn và tôi sẽ khiến nó còn khó khăn hơn." Nhờ thái độ (kiểu Khắc Kỷ) như vậy, mà ông đã vững vàng bước qua nhiều giai đoạn suy thoái trong đời.
Hoa Kỳ có một nền kinh tế vững vàng cùng một nền văn minh kỹ thuật mạnh mẽ (strong technical civilization) - điều này sẽ tiếp tục được duy trì. Các nhà máy hiện đại sẽ dần bị lấp đầy bởi robot, một quá trình đang diễn ra sâu và rộng, tương tự như chuyển sản xuất đến Trung Quốc (để tiết kiệm chi phí). Các xu hướng này là không thể tránh khỏi. Không biết mọi thứ sẽ diễn tiến tiếp theo như thế nào, nhưng sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh (adjustment problems). Tưởng tượng, một số công việc có tính công đoàn hóa (fine unionized job) mạnh nhưng bị thay thế dần bằng robot, chắc chắn xung đột lớn sẽ diễn ra. Tương tự như việc nắm một công ty như Kodak (sản xuất thiết bị máy ảnh bị phá sản) và rồi các phát minh mới xuất hiện thay thế sản phẩm của bạn. Đây là vấn đề rất khó nhằn, cái chết đang đến từ từ. Thực tế, các chính trị gia luôn muốn hấp dẫn cử tri bằng cách đưa lãi suất về không cho các khoản nợ. Khi đối diện với các vấn đề nghiêm trọng (như Covid), giải pháp dễ dàng nhất luôn là in thêm tiền (như động thái của FED). Ngay và liền, vấn đề được giải quyết tạm thời, nhưng đằng chân trời xa, cơn sóng thần đang lặng lẽ ập đến. Chính việc in tiền quá lố của nền cộng hòa Weimar mà Hitler trỗi dậy. Chúng ta rõ ràng không muốn những người lãnh đạo quốc gia chỉ chăm chăm vào cách dễ nhất: in tiền xử lý mọi vấn đề. Khi làm lần đầu không thấy nguy hại gì, họ lại bị cám dỗ tiếp tục làm lần hai, lần ba (mỗi lần gấp đôi lên). Hay nói cách khác, ném thẳng tiền vào vấn đề. Trước áp lực to lớn, quá khó để ra quyết định sáng suốt. Hoa Kỳ chắc không đủ giỏi như Nhật Bản để xử lý hậu quả sau đó (bởi Mỹ khó có thể so sánh về tinh thần kỷ luật với Nhật).
Xuyên suốt cuộc đời kéo dài gần một thiên niên kỷ, Munger không bao giờ tích trữ tiền mặt để đợi chờ điều kiện kinh tế tốt hơn. Ông luôn đầu tư vào những thứ tốt nhất mà mình có thể tìm ra (cách tiếp cận hầu như không thay đổi tới bây giờ). Daily Journal luôn dùng hết tiền mặt của mình. Berkshire cũng có phần tiền mặt dư ra, một chút tiền mặt dư (excess cash). Công ty này không làm điều này với chủ đích đong đếm rót các khoản đầu tư theo thời gian (time investments) mà thực ra, bởi không tìm thấy thứ gì xứng đáng để mua (hay ở cái giá sẵn sàng chi trả). Thật đơn giản. Ngoài kia, có rất nhiều hoạt động mua bán đầu tư không được thực hiện bởi người có kế hoạch sỡ hữu tài sản đó. Phần lớn trong đó, động lực mua bán đến từ các khoản phí (fee-driven). Giới đầu tư tư nhân (private equity) tiến hành mua liên tục vì muốn có thêm các khoản phí hay đặt nhiều thứ dưới sự quản lý của mình (things under management). Dĩ nhiên, mua thứ gì đó bằng tiền của người khác thì dễ hơn nhiều. Munger (hay Bershire Hathaway) luôn sài tiền của mình.
Sự mở rộng nguy hại
Có quá nhiều vấn đề lớn đang ập đến, cụ thể một loạt sự mở rộng nguy hại (wretched excess) của thế giới đầu tư, hay quan sát các thương vụ SPACs (SPAC là một công ty rỗng - shell company - được các nhà đầu tư lập nên với mục đích duy nhất là huy động vốn thông qua một vụ IPO) hay IPOs (niêm yết công chúng) của các công ty như Rivian hay Robinhoot, và hiện tượng Gamestop (các nhà đầu tư nhỏ lẻ chống lại các công ty bán khống). Hay điển hình như Bitcoin (thế giới crypto). Tương tự vậy, cũng có sự mở rộng nguy hại trong đầu tư mạo hiểm (venture capital) và các hình thức đầu tư tư nhân (private equity). Chúng ta đã tạo ra thị trường chứng khoán mà đại đa số xem như một nơi để cờ bạc. Có những giao dịch được tiến hành bởi những người thích khía cạnh may rủi (kiểu như đánh bạc ngắn hạn), cũng có những giao dịch là các khoản đầu tư dài hạn (để phục vụ cho tuổi già chẳng hạn). Nếu là nhà độc tài của thế giới, Munger sẽ không cho phép thị trường chứng khoán trượt khỏi vòng kiểm soát và trở thành sân chơi bài bạc may rủi. Ông sẽ tấn công vào các khoản thu lợi ngắn hạn (short-term gains) khiến cho thị trường trở nên kém thanh khoản, đồng thời tách biệt khía cạnh may rủi (gambling parlor) với việc phát triển vốn hợp pháp của quốc gia (legitimate capital development). Một cuộc ly dị giữa hai nhánh này phải diễn ra.
Ai ai cũng thích đặt cược ngắn hạn, bởi nó giống như việc một đám người vui vẻ say sưa tại một bữa tiệc mà không tính đến hậu quả. Chúng ta không cần kiểu mở rộng nguy hại này. Nó tạo ra các hậu quả siêu tồi tệ. Rõ ràng, cuộc mở rộng nguy hại trong thập niên 20 đã tạo ra Đại Suy Thoái, rồi từ đó tạo ra kẻ đồ sát Hitler. Khi đang say sưa trong bữa tiệc, thì một ai đó đang móc tiền từ túi của bạn (zero sum game - cuộc chơi có tổng bằng không). Với quy mô mở rộng hiện tại thì hậu quả to lớn sắp đến rất khó lường.
Tinh thần lạc quan và thế giới tỵ hiềm
Chúng ta phải lạc quan vào năng lực của nền văn minh kỷ thuật hiện đại (technical civilization). Nếu quan sát 100 năm vừa diễn ra, từ 1922 đến 2022, hầu hết các hình thức phát triển hiện đại (modernity) đều diễn ra trong khung thời gian này. 100 năm trước 1922, cũng có một làn sóng hiện đại khác tuy nhỏ hơn. Còn trước đó 200 năm, mọi thứ dường như có vẻ giông giống nhau suốt vài nghìn năm. Cuộc sống cực kỳ khắc nghiệt, ngắn ngủi và đầy hạn chế. Cụ thể, không có hệ thống in ấn hay điều hòa, không có y học hiện đại, một giai đoạn chúng ta không có cái gì gọi là "nhu cầu thực sự của con người". Thực sự mọi thứ đã thay đổi sâu sắc như thế nào khi lần đầu nhân loại có cái gọi là đầu máy hơi nước, tàu thủy, đường sắt, một chút cải thiện trong canh tác nông nghiệp, một chút cải thiện trong hệ thống dẫn nước (plumbing) - tất cả chỉ xảy ra trong 100 năm trước 1922. Sau đó, 100 năm tiếp theo đã cho chúng ta hệ thống truyền tải điện mọc khắp nới, y học hiện đại, ngành ô tô, máy bay, thu âm, phim ảnh, điều hòa. Chúng ta được ban phước quá nhiều thứ. Thời điểm đó nếu bạn muốn có ba đứa con, bạn phải đẻ 6 đứa, bởi có xác suất tới 50% chết từ trong phôi thai. Đó là những thứ mà tổ tiên chúng ta đối diện. Bạn có hình dung được sự đau đớn của việc chứng kiến một nửa số con trong gia đình chết mất. Những tiến bộ to lớn mà nền văn minh đạt được thật phi thường trong 200 năm vừa qua, mà phần lớn sôi sục trong 100 năm gần nhất. Các nhu cầu cơ bản của nhân loại đã phần nào được lấp đầy. Như ở Mỹ, vấn đề lớn của người nghèo là họ có thể trở nên quá phát phì (do ăn thức ăn nhanh), trong khi tại quá khứ có thể họ ở trên bờ vực chết đói. Những gì đang diễn ra, quá đỗi thú vị. Tiêu chuẩn sống đã gia tăng đáng kể, sự tự do, sự biết mất dần dần của bất bình đẳng sắc tộc, một sự tiến bộ to lớn đã diễn ra. Tuy nhiên, con người gần như ít hạnh phúc với tình trạng hiện tại hơn so với quá khứ (lúc mọi thứ khắc nghiệt hơn nhiều). Có một lời giải thích đơn giản cho việc này, thế giới không bị chi phối bởi sự tham lam (greed) mà bởi sự tỵ hiềm (ghen tị) (envy). Dù tốt hơn xưa gấp 5 lần, nhưng chúng ta đã xem chuyện này là hiển nhiên và chỉ lưu tâm đến việc người này có cái này, người kia có cái kia - thứ mà chúng ta không có.
Đó là lý do tại sao Chúa phải hiện xuống trước Moses (một nhà tiên tri quan trọng trong Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo): "con không thể ghen tỵ với vợ người hay thậm chí với con lừa của người ta". Ngay cả những người Do Thái cổ xưa còn gặp vấn đề với tỵ hiềm. Rõ ràng, thói ghen tỵ tệ hại này đã hằn sâu trong bản chất con người. Munger chia sẻ: "Những ai ở lứa tuổi của tôi đều đi qua giai đoạn Đại Suy Thoái, thời điểm mọi thứ trở nên khó khăn không thể tưởng tượng nổi. Thật kỳ lạ, khi đó, tôi vẫn cảm thấy an toàn khi bước vòng quanh Omaha vào buổi chiều hơn là bây giờ đi vòng quanh khu dân cư của tôi ở Los Angeles (sau khi nắm trong tay khối tài sản lớn lao này). Tôi chả có cách nào giải quyết vấn đề này. Tôi không thể thay đổi sự đã rồi - có quá nhiều người không hạnh phúc và cảm thấy bị lạm dụng hay phân biệt đối xử, dù mọi thứ đã được cải thiện 600% - chỉ vì luôn có người có nhiều hơn chúng ta. Hãy suy tư về việc chi tiêu vô độ của giới giàu có (pretentious expenditures) - ai lại cần một cái đồng hồ Rolex để cuối cùng có thể bị tấn công hay ăn trộm. Ý tôi là mọi người luôn có ham muốn chi tiêu vô độ - điều này đã giúp thúc đẩy nhu cầu hay tăng trưởng kinh tế trong xã hội tư bản hiện đại. Lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ là không được phép rơi vào vòng xoáy này. Việc chi tiêu vô độ sẽ dẫn bạn đến địa ngục, và thế giới tiêu dùng đó không giúp chúng ta hạnh phúc. Nhưng phải thừa nhận, điều này đã dẫn dắt nền văn minh mà chúng ta đang có đi kèm với rất nhiều bất mãn."