Luật của Volcker

Paul Volcker là một nhân cách lớn trong giới tài chính. Ông có dấu ấn sâu đậm lên kinh tế Hoa Kỳ và hệ thống tài chính hơn bất cứ ai trong thế hệ của mình với ảnh hưởng xuyên suốt năm thập kỷ và qua bảy đời Tổng Thống. Sự nghiệp của ông được định hình bởi sự chính trực phi thường – điều mà thật khó để gắn với bất cứ chính trị gia hay chủ ngân hàng nào ngày nay. Từ một chàng trai được đào tạo kinh tế và chính sách công trong mạng lưới tinh hoa của phương Tây (Princeton, Harvard, LSE), ông dần duy trì sự nghi ngờ các ý tưởng “lý thuyết” được xây dựng quanh kinh tế học, cho rằng chúng đã mất kết nối với thế giới thực – nguyên cớ khiến Volcker rời xa giới kinh viện để đến làm việc cho Fed New York (thuôc hệ thống 12 ngân hàng của Cục dự trữ liên bang) năm 1952 và Chase Manhattan Bank năm 1957, nơi giúp ông thu nhặt kiến thức thực tiễn về ngành ngân hàng và được sự bảo trợ của David Rockefeller Sr (thuộc gia tộc dầu mỏ giàu có nhất trong lịch sử) người giúp ông kết nối sâu rộng với mạng lưới quyền lực chính trị.

Volcker tham gia phân tích tài chính tại Bộ Ngân Khố dưới chính quyền Kennedy năm 1962 sau đó trở lại Chase vào năm 1965. Trong thập niên 70, chính quyền Richard M. Nixon đưa ông quay lại Bộ Ngân Khố trong vai trò thứ trưởng chính sách tiền tệ quốc tế, nơi ông ra quyết định quan trọng nhất trong sự nghiệp: đưa nước Mỹ ra khỏi bản vị vàng (kéo theo sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods). Cuộc chiến chống lạm phát 1979 của Tổng thống Jimmy Carter đã đưa Volcker nên nắm chiếc ghế cao nhất của ngân hàng trung ương: Chủ tịch FED. Kinh tế Mỹ khi đó đang mất kiểm soát và đối mặt với vòng lặp xấu xa: giá cả tăng quá nhanh do lạm phát, nhân công đòi hỏi mức lương cao hơn, Fed buộc phải nâng lãi suất để chặn dòng tiền chảy vào nền kinh tế, điều này lại khiến tỷ lệ thất nghiệp lên cao.

Vấn đề chống lạm phát (14,8% trong 1980) trước đó chỉ được thực hiện dè dặt bởi hai đồng sự Arthur F. Bruns và G. William Miller (Mill từ bỏ công việc sau một năm kém hiệu quả ở Fed). Quyết định đưa Volcker vào ghế nóng của Tổng thống Carter được lịch sử chứng minh là sáng suốt (tuy nhiên cũng khiến ông phải trả giá cho thất bại trong kỳ bầu cử lại tiếp theo 1980). Chỉ hai tháng khi nhận nhiệm vụ mới, Volcker đã tiến hành những bước đi mạnh mẽ. Ông tập hợp các đồng nghiệp Fed toàn quốc đến Washington cho một cuộc họp chính sách bí mật khẩn cấp – nơi gia tăng áp lực buộc Ủy ban Thị Trường Mở liên bang phải thay đổi hoàn toàn bộ khung (framework) mà Fed dùng để kiểm soát nguồn cung tiền quốc gia. Fed từ đó đặt mục tiêu cho lãi suất ngắn hạn – sau đó can thiệp mua và bán chứng khoán để đảm bảo lãi suất luôn ổn định ở mức cố định.

Để làm chậm lại nền kinh tế trước sức kéo của lạm phát, Fed sẽ tăng lãi suất lên mức chưa từng có 20%, cùng lúc đó Tổng thống Carter chống lại các ông trùm công nghiệp đang duy trì giá cao. Ngay lập tức nền kinh tế phản ứng: hoạt động xây dựng nhà thực tế đã ngừng lại, Volcker bị đe dọa bằng những thanh gỗ (2×4 inches) hay chìa khóa xe gửi đến vì ngành xây dựng và ô tô không bán được hàng, trong khi đó nông dân cho xe máy cày chạy vòng quanh trụ sở Fed như một cách phản kháng. Thực tế, tỷ lệ thất nghiệp 1982 là 10,8% (trước đó, năm 1979 là 6%) gây áp lực khủng khiếp lên Volcker và Fed – ông bị dọa luận tội bởi một số nghị sĩ, thậm chí còn nhận được lời dọa giết (buộc phải được bảo vệ an ninh 24/24). Tuy nhiên, chiến lược của Volcker cuối cùng đã thành công, lạm phát xuống 12% sau một năm ông nhậm chức và chỉ còn 2% vào năm 1986. Khi chu kỳ xấu xa kia chấm dứt, Volcker tiến hành cắt giảm lãi suất để mở ra một thời kỳ tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng liên tục cho Hoa Kỳ kéo dài một phần tư thế kỷ.

Năm 2008, thời điểm khủng hoảng kinh tế dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers, ông quay trở lại “đời sống công” bằng cách nâng đỡ cho một thượng nghị sĩ mới nổi khi đó là Obama đang chạy đua chiếc ghế Tổng thống quyền lực (tại vòng sơ bộ với Hillary Clinton). Sau khi Obama dành chiến thắng, Volcker tham gia vào ủy ban cố vấn kinh tế của chính quyền mới, dẫn dắt Ủy ban Hồi Phục Kinh Tế (sau biến động 2008) nhằm đưa các giới hạn quan trọng cho các hoạt động mang tính “suy đoán” (speculative activities) của ngân hàng như bảo hiểm tiền gửi (deposit insurance) và khoản vay khẩn cấp giá rẻ (inexpensive emergency loans) từ FED, cần tách hoạt động tự doanh (proprietary trading) khỏi các ngân hàng thương mại. Obama sau đó chuẩn thuận “Luật Volcker” (Volcker Rule-2010) bao gồm trong đó Đạo Luật Dodd-Frank nhằm cải cách và bảo vệ người tiêu dùng, cấm các ngân hàng lớn tiếp cận nguồn quỹ từ Cục Dự Trữ (nhóm được xem là quá lớn để thất bại mà sau này bị Trump lật lại). Volcker cũng chỉ trích mạnh mẽ ngành công nghiệp tài chính hiện đại với nhận định: đại đa số các sáng kiến của nhóm ngân hàng “phố Wall” không thực sự tạo ra sự giàu có (gains) thực sự cho cả nền kinh tế, chỉ có một thứ duy nhất trong những thập kỷ gần đây thực sự cải thiện cuộc sống của nhiều người Mỹ – là máy rút tiền ATM (Automated Teller Machine)

William L. Silber, giáo sư kinh tế và tài chính tại đại học NYU, đã dành nhiều giờ phỏng vấn và tra cứu tài liệu cá nhân của Volcker để ra mắt một cuốn hồi ký rất thú vị: “Tiếp tục chiến đấu: Tìm kiếm một chính quyền tốt và đồng tiền hiệu quả” (Keeping at it: the Quest for Sound Money and Good Government) mà nội dung trong đó đúc kết toàn bộ di sản đồ sộ của Paul Volcker: từ bỏ bản vị vàng thập niên 70, chiến đấu chống lạm phát thập niên 80, khắc phục khủng hoảng tài chính 2008, cùng sự can thiệp của ông vào chương trình đổi dầu lấy lương thực do UN tiến hành ở Iraq, hay xử lý quá trình chuyển trả phức tạp các tài sản thuộc về nạn nhân thảm họa Holocaust (đặt tại ngân hàng Thụy Sĩ). Tuy nhiên phần gây ấn tượng nhất với mình chính là thông điệp cảnh báo của Volcker về đường hướng hiện tại của chính quyền liên bang Hoa Kỳ khi mà sự tôn trọng mà người dân dành cho họ ngày càng thấp.

Paul Volcker đã dành bảy thập kỷ trong cuộc đời mình cho địa hạt dịch vụ công, một sự tiếp nối truyền thống gia đình. Cha của ông Paul Adolph Volcker (con của một người nhập cư gốc Đức) đã dành hai thập kỷ phục vụ trong vai trò quản đốc của Teaneck, New Jersey. Trong hồi ký, Volcker nhấn mạnh nền tảng quan trọng mà cha già lập quốc Alexander Hamilton tạo dựng (Bộ trưởng Ngân Khố đầu tiên của Mỹ): bài kiểm tra thực sự đối với chính quyền là khả năng có thể hoàn thành công việc một cách hiệu quả – điều này đòi hỏi năng lực tạo ra chính sách hiệu quả (sound policies) đến từ bộ máy nhà nước: những con người trong đó cần có kinh nghiệm, được huấn luyện tốt, và chí công vô tư. Chính quyền cần giải quyết câu hỏi: “Liệu công dân có tin những điều chính phủ hay Quốc hội đang làm là đúng đắn?”. Theo khảo sát, chỉ có khoảng 20% dân số Hoa Kỳ trả lời “có” cho câu hỏi này. Sau 80 năm kể từ chính quyền Kennedy, số lượng viên chức liên bang vẫn giữ nguyên 2 triệu người cho đến bây giờ (không tính bên quân đội, cũng ngang ngửa Việt Nam với hơn 2 triệu cán bộ công chức, viên chức trong số 8 triệu người ăn lương ngân sách), trong khi khối lượng công việc “công” gia tăng khổng lồ. Điều này buộc chính quyền phải đẩy việc cho đối tác bên ngoài (outsourcing, ví dụ như bộ quốc phòng có tổng giá trị thuê ngoài là 300++ tỷ $/ năm). Thái độ của công chúng với chính quyền hay nhà nước cũng thay đổi: đa số xem quản trị công (hay làm nhà nước) là một công việc tiêu tốn thời gian, ngồi bị động một văn phòng chính phủ nào đó và không tạo ra thứ gì hiệu quả. Volcker cũng cảnh báo việc đưa giới kinh doanh vào chính quyền (nắm các vai trò bộ trưởng, thứ trưởng ở Nhà Trắng) những người không có chuyên môn quản trị công (không biết mình đang làm công việc gì). Rõ ràng, những người vận hành hệ thống chính quyền đang thiếu kinh nghiệm về quản lý, kỹ năng tranh luận vấn đề, đối nhân xử thế, đồng thời sự đồng tâm hiệp lực của các bộ phận. Do đó, mối quan tâm của Volcker là quá trình chuyên nghiệp hóa “quản trị công” (tuyển dụng hay sa thải viên chức dễ dàng hơn), nền tảng giáo dục (các trường đại học đầu tư phân khoa quản trị công), phong cách quản trị của nhà quản lý chính quyền (government managers – thu hút những người trẻ có tài vào hệ thống). Vấn đề trên đã thôi thúc ông thành lập Liên minh Volcker (Volcker Alliance), một tổ chức phi lợi nhuận giúp tác hợp (hay kết hôn) giữa chính phủ và hệ thống trường đại học cho mục tiêu thúc đẩy tính hiệu quả và mối quan tâm đúng mức (interest) đến quản trị công (phát triển khoa học dịch vụ công), một trạng thái đã từng xảy ra trước Thế Chiến Một (hay Đại Khủng Hoảng 1929) ở Hoa Kỳ: các phong trào cải tiến chính quyền diễn ra mạnh mẽ, dịch vụ hiệu quả, công việc nhà nước có sức hút với người dân. Quan sát các nền dân chủ trên thế giới như như Anh, Pháp hay Đức, họ từng rất kỷ luật trong việc tạo dựng nền hành chính công cao quý, mặc dù đã suy giảm khá nhiều do quyền lực hay lợi ích tập trung vào giới tinh hoa (quá xa rời công chúng). Câu hỏi hóc búa: Làm sao duy trì được phong cách lãnh đạo hay chuyên môn cần thiết mà vẫn đảm bảo tôn trọng mong muốn của số đông?

Volcker nhấn mạnh ba trụ cột chính của “đời sống công” (public life trong sách): ổn định giá cả, tài chính kiện toàn (sound finance – một thuật ngữ trong ngành ngân hàng để đánh giá tính hiệu quả trong một chương trình hay dự án nào đó của chính phủ hay cộng đồng – các tài sản phải được tối ưu hóa để đảm bảo kết quả tốt nhất đồng thời giới hạn sự tăng trưởng của tài sản nợ – liabilities) và quản trị tốt (good governance).

Có một bài phỏng vấn Paul Volcker do Ray Dalio, sáng lập của quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates tiến hành (xoay quanh đề tài nguyên tắc quản trị, chỉ vài tháng trước khi ông mất) đã khai sáng mình rất nhiều. Trong đó, Volcker nhắc đến các mối đe dọa dân chủ mà Plato từng đề cập trong “Nền Cộng Hòa” (The Republic): “Vấn đề nguy hiểm là chúng ta đang dần hình thành một chế độ tài phiệt (plutocracy). Một nhóm những người siêu giàu đang tự thuyết phục bản thân rằng mọi vinh hoa mà họ có là xuất phát từ trí thông minh và tinh thần xây dựng. Họ không thích chính quyền và không muốn đóng thuế.” Ông cũng bày tỏ sự thất vọng với Tổng thống Obama vì sự bất lực trong giải quyết “điểm nghẽn” của chính quyền do mình dẫn dắt: có một nhóm thượng nghị sĩ trong Quốc hội tuyên bố: bất cứ điều gì quý ngài Obama dấn thân, chúng tôi sẽ chống lại.

Chính quyền thực sự đã phải chịu đựng sự chia rẽ này trong một vài năm, không thể tìm kiếm sự đồng thuận hợp lý cùng cách thức để quản trị một số chương trình cụ thể (đây cũng là xu hướng xảy ra khắp thế giới – ở Đông Âu và châu Mỹ La tinh). Thách thức của việc thiết lập một luật lệ quốc tế hay đường hướng phát triển phù hợp tất cả mọi người là thứ mà Trump khai thác để thiết lập nền tảng ủng hộ cho chiến dịch tranh cử của mình. Những nhà lãnh đạo vĩ đại cần có tầm nhìn (biết mình đang làm gì và đi theo đường hướng nào), tôn trọng con người và có kỹ năng quản lý hiệu quả. Những ví dụ điển hình mà ông nhắc đến là Angela Merkel của Đức, Lý Quang Diệu của Singapore và Chu Dung Cơ của Trung Quốc. Trong thập niên 90, những nhà kỹ trị Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình và Chu Dung Cơ từng tìm đến FED để học hỏi kinh nghiệm xây dựng một xã hội dân chủ cởi mở (dù khả năng áp dụng không nhiều và giờ đây có lẽ họ sẽ quay lại Mỹ để chỉ cho chúng ta cần làm gì). Người học hỏi phương Tây giỏi nhất có lẽ là Lý Quang Diệu, ông đã đưa Singapore phát triển với nền dịch vụ công rất mạnh, hiệu quả, và không có tham nhũng mặc dù cũng hào hứng đưa nhiều người vào tù để kìm hãm phe chống đối, hay lo lắng về cách báo chí viết về mình. Tuy nhiên Volcker cũng cảnh báo: các phẩm chất tốt đẹp của nhà lãnh đạo đều có thể gắn với một người như Adolf Hitler. Điều quan trọng là phải tìm một ai đó có bản năng dân chủ bên trong và chân nhận ra mình chỉ ở vị trí quyền lực tạm thời, đồng thời phải mong muốn dẫn dắt quốc gia một cách hiệu quả (một cách hòa bình và không vì đòi hỏi chuyên chế của bản thân). Đó là một sự cân bằng cần theo đuổi bên cạnh việc hòa hợp quan điểm của công chúng cùng những góc nhìn khác biệt. Ông cũng thẳng thắng đề cập đến những vấn đề tồn tại dai dẳng ở nền dân chủ kéo dài nhất thế giới (hơn 200 năm) trong bài phỏng vấn: sự ám ảnh của Mỹ với nhập khẩu, căn cơ ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất nhỏ (Thứ mà Trump nắm bắt), vấn đề tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc, dòng chảy nhập cư (đâu là cân bằng giữa nhu cầu kinh tế và nhu cầu đạo đức), cân bằng phát triển kinh tế giữa phần trung tây và phía bờ biển (bờ Đông, bờ Tây) cùng sự hợp tác đa phương chống biến đổi khí hậu.


PS: Cuốn sách tự truyện về Volcker được ra mắt vào tháng 10/2018, một năm trước khi Volcker qua đời tại nhà riêng ở New York (do bệnh ung thư tuyến tiền liệt) ở độ tuổi 92.