Truyền thống diễn văn
Có một triệu chứng được gọi là glossophobia có nghĩa là nỗi sợ hãi khi phải nói chuyện trước đám đông hoặc chứng run bần bật khi xuất hiện trên sân khấu trước con mắt dòm ngó của nhiều người. Nhiều thống kê đã chỉ ra đây là nỗi sợ hãi lớn nhất của con người – hơn cả sợ chết và gần như ảnh hưởng đến 75% nhân loại, trong số đó nhiều người chỉ đơn giản là lầm tưởng giữa tình trạng căng thẳng hoặc lo âu thái quá với chứng glossophobia. Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, khả năng làm chủ đám đông, diễn thuyết truyền cảm và thuật hùng biện đã được xem là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà một cá nhân có thể sở hữu. Những ai nắm bắt và mài dũa được kĩ năng này và thông qua nó ảnh hưởng sâu sắc tới công chúng sẽ có cơ hội bước vào ngôi đền của giới tinh hoa để trở thành những nhà tư tưởng, hùng biện và lãnh đạo kiệt suất.
Người Mỹ, văn hóa Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung cũng rất coi trọng điều này. Khi cha già lập quốc George Washington nhậm chức vào ngày 30/04/1789 ông đã đọc một bài diễn văn hùng hồn để tuyên bố và truyền cảm hứng tới đồng bào quốc dân về các giá trị của tân quốc gia Hoa Kỳ. Thông qua đó tạo lập nên một truyền thống đặc biệt của nền chính trị cờ hoa: “truyền thống diễn văn”. Tư chất, khả năng, bản lĩnh và sự lôi cuốn/charisma của một nhà lãnh đạo sẽ được thể hiện rất nhiều qua một một buổi diễn thuyết. Đó là chính là việc chọn lọc ngôn từ – thông điệp, các tuyên ngôn giá trị đi kèm với khả năng làm chủ và cân bằng cảm xúc của bản thân và công chúng. Cuối cùng phải làm sao để hình thành nên một phong cách diễn thuyết riêng biệt, thu hút và ấn tượng.
Diễn văn của chủ nhân Nhà Trắng luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi một hệ thống hỗ trợ từ những người viết diễn văn chuyên nghiệp đến các cố vấn ngoại giao cùng hệ thống hỗ trợ kĩ thuật nhắc bài khéo léo. Hơn nữa, hầu hết các chính trị gia đều phải mài dũa kĩ năng và hình thành phong cách thuyết trình của mình trong suốt quá trình chạy đua chính trị từ các cấp nhỏ đến cao nhất nhằm thuyết phục công chúng bầu cho mình. Thông qua diễn văn, Tổng thống thường sẽ kết nối với quốc dân của mình bằng việc nhấn mạnh các giá trị phổ quát quốc gia rồi sau đó sẽ khéo léo là thông báo về định hướng, chính sách quốc gia cùng những hành động cụ thể sắp tới. Mục đích cuối cùng là giải tỏa khúc mắc, thu hút lòng dân, lên dây cót tinh thần và kêu gọi đoàn kết dân tộc. Hầu như mỗi Tổng thống đều phải thực hiện ba kiểu diễn văn sau: Nhậm chức, Giã từ vào đầu và cuối nhiệm kỳ cùng Thông điệp liên bang hàng năm trước Quốc Hội Mỹ.
Quả thật, lịch sử “diễn văn” chính là lịch sử chính trị của Hoa Kỳ. Mỗi Tổng thống Mỹ chính là hình ảnh độc đáo của quốc gia qua mỗi thời kì mà diện mạo của nó thường được thể hiện qua văn phong, ý tưởng và các giá trị trong mỗi bài diễn văn. Đây là danh sách những bài diễn văn mà tôi cho là hay nhất trong lịch sử Hoa Kỳ (theo trục thời gian) - link đính kèm là các phân tích sâu hơn từng diễn văn để hình dung rõ hơn các “giá trị” Hoa Kỳ theo thời gian: