Tư duy nhanh và chậm, AI và Deep Learning (Học Sâu) [Phần 1]
[Phần 1] [Đức quốc xã và tâm lý con người]
Daniel Kahneman lộn ngược chiếc áo để dấu đi ngôi sao David - dùng đánh dấu những ai là người Do Thái trong khu vực chiếm đóng, dũng cảm bước về nhà ngay trong giờ giới nghiêm (cậu sang nhà bạn chơi hơi lố giờ cho phép). Giữa vùng ngoại ô Paris (đầu 1942), cậu bé 7 tuổi đột nhiên nhìn thấy một anh lính trong quân phục đen của SS (Đức quốc xã) bước về phía mình, báo hiệu điều cực kỳ tồi tệ sắp diễn. Người lính gọi Daniel lại, nhấc bổng cậu bé lên. Lo lắng số mệnh của mình sẽ kết thúc nếu chiếc áo có in hình ngôi sao David lộ ra, nhưng Daniel đã thở phào khi anh lính chỉ ôm mình một chút rồi rút ví ra, chỉ cho cậu xem hình một đứa bé khác (con của anh ta) rồi cho Daniel một chút tiền. Thực ra, anh ta chỉ là một người cha đột nhiên nhìn thấy ai đó gợi kí ức về con mình. Cậu nhận ra ngay cả kẻ thù giết người hàng loạt cũng có lúc hành xử thật nhân bản.
Daniel kể tiếp câu chuyện khác về cha mình, Efrayim, trưởng một cơ sở nghiên cứu hóa chất thuộc tập đoàn L'Oreal (sau này thành hãng mỹ phẩm lớn nhất thế giới), người đã được bảo vệ khỏi lưỡi hái tử thần Nazi (phát xít) một cách phi thường. Khi Đức quốc xã quét qua Pháp, Efrayim được chọn gửi đến trại tập trung khét tiếng "một đi không trở lại" Drancy. May thay, nhờ sự can thiệp của Eugene Schueller, dược sĩ và là nhà sáng lập của L'Oreal, Efrayim đã được thả ra sau đó (con gái của Eugene, Liliane Bettencourt, sau này trở thành một trong những người giàu nhất nước Pháp). Điều này thật lạ lùng, gia đình Schueller vốn nhiệt tình cổ súy phong trào bài Do Thái cũng như rót tiền cho các nhà phát xít Pháp trước chiến tranh nhưng lại tìm cách bảo vệ nhân sự Do Thái đặc biệt Efrayim. Nhờ vậy, gia đình Kahneman đã sống sót phi thường qua thế chiến II (nhận được các gói thực phẩm hỗ trợ xuyên suốt chiến tranh). Người lính Nazi trên hay Eugene, vẫn có lúc hành xử như những người tốt bụng (ít nhất là với gia đình Kahneman), dù tham gia vào cỗ máy tàn sát giết chóc rất nhiều người. Tâm lý con người phức tạp hơn chúng ta tưởng.
Nội dung trao đổi liên quan đến "thế chiến 2" ở trên giữa Daniel Kahneman và Lex Fridman đã mở màn cho phần thảo luận rất thú vị về tâm lý con người cùng những ứng dụng của nó vào "Deep Learning" (Học sâu) và AI (Trí tuệ nhân tạo). Daniel Kahneman là nhà tâm lý, kinh tế và tư tưởng người Mỹ gốc Israel hàng đầu thế giới với các nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý hành vi (với liên đới đến địa hạt kinh tế), cụ thể là cách thức con người ra quyết định. Nỗ lực này đã mang lại cho ông giải thưởng Nobel về kinh tế 2002 cùng với Vernon Smith. Lex cùng Daniel đưa chúng ta lướt qua lịch sử và cùng đào sâu vào hệ thống 1 và 2 trong cuốn sách nổi tiếng "Tư duy nhanh và chậm" của Daniel. Hệ thống 1 - bản năng, tự động và cảm tính; và Hệ thống 2 - chín chắn, chậm rãi, và toan tính. Khi đối đầu với nhau, sự tương tác của chúng quyết định cách ta nghĩ, đưa ra phán xét, quyết định và hành động. Còn Lex Fridman một chuyên gia về AI đang làm việc tại MIT người vận hành chuỗi podcast nổi tiếng đào sâu vào các xu hướng công nghệ (cũng là một người Do Thái). (bài dài nên mình chia ra làm nhiều phần)
Thế chiến II đã dạy chúng ta điều gì về tâm lý của con người, thật kinh ngạc khi chính sách xóa sổ (extermination) hay diệt chủng (genocide) Do Thái do những kẻ cực đoan Đức cổ súy lại có thể thu hút lượng lớn người ủng hộ và tham gia nhiệt thành. Việc xóa sổ một dân tộc như Do Thái có ý nghĩa như thế nào với những người Nazi (phát xít). Khi đào sâu hơn, Daniel nhận ra xu hướng phân biệt bên trong và bên ngoài nhóm (in group & out group) diễn ra rất mạnh trong tâm trí con người. Nó xuất phát từ sức hút mạnh mẽ của một nhóm người hay tư tưởng nào đó, mạnh đến mức hình thành nên lòng trung thành cực đoan, rồi từ đó nhóm này "phi nhân hóa" (dehumanize) những người nằm ngoài nhóm - thật không may xu hướng này thuộc về bản chất con người.
Phiên tòa xét xử Adolf Eichmann, một trong những nhân vật chủ chốt điều hành "Giải pháp Cuối Cùng" của Đức Quốc Xã (Final Solution - cụ thể điều phối việc trục xuất quy mô lớn người Do Thái đến các trại tập trung chết chóc hay tổ chức diệt chủng Holocaust) đã dạy cho chúng ta điều quan trọng: nếu sự cực đoan này có thể xảy ra ở quốc gia văn minh như Đức, nó có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Lex băn khoăn: "có phải bất cứ ai trong chúng ta đều có thể thành ác quỷ hay trở nên ác độc". Daniel nhấn mạnh: "không đến nỗi như vậy, tuy nhiên nhân tính có thể vì lý do gì đó bị mai một (demumanize), khiến chúng ta đối xử với người khác như con vật". Kiểu như những người vận hành lò mổ không còn cảm xúc gì với việc giết hại động vật. Nếu chìm ngập trong một môi trường bào mòn nhân tính liên tục đi kèm quyền lực không được kiểm soát, thì các khía cạnh hào phóng hay tốt bụng ẩn sâu bên trong con người sẽ dần tan biến. Chúng ta không cần đến Holocaust để hiểu điều này. Tuy nhiên Holocaust buộc chúng ta phải nhìn nhận sâu sắc về mức độ nguy hiểm mà sự cực đoan có thể len lõi đến: con người hoàn toàn có thể bắn giết người khác chỉ vì họ nằm ngoài nhóm và lòng vị tha trong bối cảnh nào đó hoàn toàn có thể bị triệt tiêu.
Có phải, thỉnh thoảng chúng ta cũng cảm thấy sự thấu cảm trong mình bị mất đi và điều này càng được khếch đại khi xung quanh mình (hay nhóm và vòng tròn xã hội) ai cũng hành xử tương tự. Kiểu như, mọi người ai cũng bắt giết người Do Thái, thì mình cũng được phép làm như vậy, những hành xử tồi tệ bị bình thường hóa trong lòng xã hội. Mỗi nền văn hóa có cơ chế phản vệ và thúc đẩy khác nhau, rõ ràng tính kỷ luật Đức đã đẩy cuộc lên đồng "giải pháp cuối cùng" đến một mức độ cao khó tưởng tượng. Holocaust vốn dĩ xuất phát từ bản chất con người (chuyển hóa thành sai lầm lịch sử): khi quyền lực ảnh hưởng xã hội được đặt vào tay những kẻ cực đoan, bản chất "phân biệt" được khếch đại đến cực độ.
Ngoài các trại tập trung tại Thế Chiến II, chiến tranh đã khiến phần tối cũng như phần sáng đẹp của con người lộ ra: đó là sự trung thành (loyalty) giữa những người lính, sự gắn kết giữa con người (bonding) - một tình hữu nghị sâu sắc (friendship) - đặc biệt là trong thời khắc tràn ngập rủi ro. Như câu chuyện cha con trong bộ phim xúc động "Cuộc sống tươi đẹp" của đạo diễn Roberto Benigni: Guido Orefice đã sử dụng trí tưởng tượng phong phú của mình để biến những điều kinh hoàng trong một trại tập trung của Đức quốc xã thành kí ức đẹp trong đầu cậu con trai mình.