Tư duy nhanh và chậm
"Tư duy nhanh và chậm" là cuốn sách gối đầu giường của mình. Đây là một cẩm nang hướng dẫn tư duy đáng nể trọng của Daniel Kahneman, nhà kinh tếvà tâm lý học danh tiếng người Do Thái. Những suy tư của ông về tâm lý học trong việc phán xét (judgment) và ra quyết định (decision-making) đã thách thức rất nhiều giả định về khả năng duy lý (rationality) – dùng lý lẽ để phân tích và bóc tách vấn đề của con người.
Ông cùng với Amos Tversky, một nhà toán học Do Thái kiệt xuất khác đã chỉ ra những sai sót nhận thức cơ bản mà con người thường mắc phải xuất phát từ cảm tính (heuristics) và thành kiến (biases) – mà thành quả của những nghiên cứu kinh tế học hành vi trên đã giúp ông đoạt giải Nobel kinh tế năm 2002. Cuốn sách Tư duy Nhanh và Chậm là một tổng hợp các thành quả nghiên cứu của Amos và Daniel qua nhiều thập kỉ. Ngôn ngữ chân phương của cuốn sách đã giúp công chúng dễ dàng tiếp cận những thuật ngữ tâm lý học phức tạp và bước vào những thí nghiệm mô phỏng tư duy rất thú vị.
Cuốn sách giúp khai sáng suy tư, thay đổi cách tiếp cận trong nhiều vấn đề đồng thời là kim chỉ nam cho nhiều quyết định quan trọng trong cuộc sống của mình, đồng thời truyền cảm hứng để mình theo đuổi việc học ngôn ngữ Hebrew và văn hóa Do Thái.
Trung tâm của nghiên cứu trên nằm ở sự phân chia của hai hệ thống tư duy: Hệ thống một (1) – nhanh, cảm xúc, bản năng và hệ thống hai (2) – chậm, có sự cân nhắc, mang tính logic hơn. Các bạn có thể hình dung qua một ví dụ đơn giản sau – được lấy trong thí nghiệm RAT về khả năng liên tưởng: Khi bạn nghe ba từ sau cất lên: “sâu thẳm, nước xanh, muối” thì gần như đầu óc chúng ta sẽ liên tưởng ngay lập tức đến một hình ảnh nào đó – phần lớn có thể nghĩ đến “biển cả”. Đây chính là lúc mà hệ thống 1 lên tiếng. Còn khi chúng ta suy tư những phép tính như 17×52 thì dường như chúng ta không thể đưa ra đáp án ngay mà cần thời gian tính toán – đây là lúc mà hệ thống 2 lên tiếng.
Cuốn sách phân tích và đưa ra nhiều thí nghiệm mô phỏng tư duy xoay xung quanh hai hệ thống trên nhằm chỉ ra những thành kiến cố hữu (biases & heuristics) của con người, cách thức họ ra quyết định đồng thời liên kết đến nhiều nghiên cứu khác về mức độ e ngại rủi ro (loss aversion), về tương quan kinh nghiệm – trí nhớ (experiencing self vs remembering self), lý thuyết viễn cảnh (prospect theory), hiệu ứng mỏ neo (anchoring effect) hay thứ mình thấy hay ho nhất chính là WYSIATI (What you see is all there is) – Những gì bạn thấy là những gì bạn biết – là khái niệm ám chỉ các phán xét và ấn tượng mà chúng ta có được dựa trên thông tin mà ta hiện có (thường là thiếu sót) – kiểu như khi chúng ta nói chuyện với một người mới thì ấn tượng ban đầu ngay lập tức hình thành qua ngoại hình và vài lời nói, lúc đó đầu óc chúng ta nhanh chóng hình thành nhiều lát cắt về họ đồng thời dựng lên một câu chuyện của riêng họ mà bỏ qua câu hỏi “liệu có thông tin nào còn thiếu”. Khái niệm này giúp ông đả phá quan niệm của kinh tế học truyền thống về tính duy lý của con người – trong đó mọi quyết định và phán xét được xem xét một cách cẩn thận – nhưng thực tế việc đưa ra quyết định của con người thường đi theo nhiều lối tắt (short-comings) mà không dựa trên nền tảng duy lý: một kiểu phản ứng thiếu thận trọng (knee-jerk reactions) chứ không dựa trên suy nghĩ thấu suốt (deliberative thought).
Những kiến thức mà Daniel chia sẻ không hề mang tính hàn lâm mà thực sự gắn chặt với cuộc sống hàng ngày, chúng sẽ đặt đồng hồ cảnh báo trong trí não để nhắc nhớ những sai sót cố hữu trong suy tư đồng thời giúp đào sâu hơn bản chất của thông tin mà con người xử lý.