Từ Mao đến Mozart

Nghệ sĩ vĩ cầm Isaac Stern đặt chân lần đầu đến Trung Quốc vào thời điểm quốc gia này chỉ vừa mới mở cửa lại với phương Tây, khi đó dư âm Cách mạng Văn Hóa còn dai dẳng (Mao Trạch Đông vừa chết trước đó ba năm). Ông là nghệ sĩ Mỹ đầu tiên hợp tác với China Central Symphony Society (nay gọi là China National Symphony Orchestra – Dàn nhạc Giao Hưởng Quốc Gia Trung Quốc) trong nỗ lực trao đổi văn hóa giữa hai nước. Chuyến đi thỉnh giảng âm nhạc năm 1979 là cơ hội để Stern truyền tải vẻ đẹp cùng sự phong phú của âm nhạc Phương Tây đến các tài năng trẻ Trung Quốc, đồng thời minh chứng âm nhạc là một phương tiện tuyệt vời để thể hiện bản thân cũng như khám phá tính cách người khác (hay thế giới khác), quá đó phá bỏ mọi rào cản “chính trị” hay “biên giới”.

Sau sự điên cuồng thanh trừng văn hóa của Mao, các tác phẩm của thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart và Johannes Brahms lại một lần nữa vang vọng trong lòng xã hội “đóng”. Đạo diễn Murry Lerner đã ghi lại chuyến hành trình xúc động này trong bộ phim tài liệu đoạt giải Oscar: “Từ Mao đến Mozart: Isaac Stern ở Trung Quốc”, mà qua ngôn ngữ điện ảnh, ông kể lại những buổi tập luyện – trình diễn vĩ cầm của Stern ở Trung Quốc cùng nhạc trưởng Li Delun (Tại nhà hát Bắc Kinh), qua đó khám phá ra các tài năng trẻ như Jian Wang (lúc này mới 10 tuổi) hay Vera Tsy Weiling.

Chuyến hành trình trên là một phần trong sự nghiệp khai phá âm nhạc đồ sộ của Isaac Stern (cùng với San Francisco Conservatory of Music – Nhạc viện San Francisco), nhiều tài năng cổ điển khác như Yo-Yo Ma (cellist), Itzhak Perlman và Pinchas Zukerman (violinists) cũng được ông khai phá. Ngoài ra, Stern cũng là ân nhân của Thánh đường âm nhạc Carnegie Hall (đặt theo tên nhà công nghiệp thép Andrew Carnegie, nơi mình từng đến thăm năm ngoái). Trong thập niên 60, bằng việc lãnh đạo Ủy Ban Công Dân Bảo Vệ Carnegie Hall (Citizens’ Committee to Save Carnegie Hall), Carnegie Hall này đã được ông cứu thoát khỏi việc phá bỏ do xuống cấp, đồng thời thúc đẩy nó trở thành một biểu tượng của New York. Stern được bầu làm chủ tịch đầu tiên của Carnegie Hall Corporation khi thành phố New York mua lại thánh đường này. Để tri ân ông, khán phòng (Hall) biểu diễn chính của nhà hát đã được đặt theo tên của ông sau này.

Từ Mao đến Mozart

Hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Stern, Carnegie Hall đã đứng ra tổ chức một buổi giao lưu và trình diễn âm nhạc (do Bank of America tài trợ) trực tuyến với sự tham gia của những nghệ sĩ lớn như Yo-Yo Ma, Midori, Itzhak Perlman và Pinchas Zukerman cùng gia đình ông, các con: David, Michael và Shira Stern. Các bạn có thể theo dõi ở đây (sau vài giờ nữa): https://bit.ly/2OlDG3w