Tương lai của tiền - Vàng vs Bitcoin - Giá trị nội hàm [Phần 3]
Con người luôn khao khát sỡ hữu vàng, một nhu cầu được minh chứng qua hàng nghìn năm. Từ xa xưa, các nhà giả kim đã tìm đủ mọi cách để biến các kim loại khác (như chì) thành vàng nhưng gần như bất khả, một nỗ lực đi tìm chất xúc tác hòn đá triết gia (philosopher's stone - thứ biến các kim loại tầm thường thành kim loại quý). Mãi tới năm 1980, nhà khoa học Glenn T. Seaborg mới áp dụng các kĩ thuật của vật lý nguyên tử để chuyển hóa bismuth-209 thành vàng (nhớ xóa hạt protons và neutrons trong nguyên tố bismuth), nhưng chi phí tiến hành quá đắt đỏ (năng lượng bỏ ra nhiều mà lượng vàng thu về ít). Tuy nhiên như phần tranh luận tại Soho Debate (2018) giữa Erik Voorhees (CEO của ShapeShift) và Peter Schiff (CEO của Euro Pacific Capital Inc) đã chỉ ra - rất khó để chúng ta sử dụng vàng trong thương mại hiện đại (khi các giao dịch được thực hiện trực tuyến). Vàng cần được lưu trữ tại một kho chứa, do một công ty nào đó nắm. Sau đó công ty này phát hành các chứng chỉ số (digital certificate) hay credit dựa trên khối lượng vàng đó. Các chứng chỉ này giúp giao dịch vàng dễ dàng hơn trên thị trường nhưng phải phụ thuộc vào hình thức quản lý tập trung (centralized) mà chính phủ có thể can thiệp bất cứ lúc nào nếu nó vượt lên trên đồng tiền pháp định do họ phát hành (fiat). Đây là rủi ro hệ thống to lớn. Do đó, bitcoin - một phiên bản vàng số - có lợi thế lớn nhờ tính phi tập trung. Phần tranh luận tiếp theo dưới đây giữa Erik và Peter xoáy sâu vào khái niệm nhiều tranh cãi nhất (và cũng hay nhất) quanh sự phát triển của thị trường tiền số - "giá trị nội hàm". Bitcoin liệu có thực sự hiếm có như vàng? Liệu có phiên bản bitcoin tốt hơn sẽ thay thế nó trong tương lai khiến cho toàn bộ thị trường crypto hiện tại quay về 0 tại một thời điểm nào đó trong tương lai (chứ khó có kim loại nào thay thế được vàng)? Mọi tranh luận "lành mạnh" đều giúp khai sáng tâm trí chúng ta.
Khái niệm "giá trị" là trung tâm trong các học thuyết của trường phái kinh tế Áo (Austrian School), vốn được tạo dựng bởi một nhóm các học giả thuộc Đại học tổng hợp Vienna vào cuối thế kỷ 19 như Menger, Wieser, Bohm Bawerk. Phản đối lý thuyết "giá trị" của các nhà kinh tế cổ điển như Adam Smith (Scotland) và David Ricardo (Anh) dựa trên "sức lao động" (labor), nhóm này cho rằng khái niệm "giá trị" hoàn toàn mang tính chủ quan (subjective) chứ không khách quan (objective). Mỗi cá nhân sẽ định lượng giá trị theo một số thang đo mang tính chất cá nhân (thay vì theo số đông). Nỗ lực cố gắng đi tìm một thang đo nào đó (tương tự như thanh gỗ đo chiều dài, hay cân để đo trọng lượng) để hai hay nhiều người hơn cùng đồng tình về "giá cả" hay "giá trị" là bất khả. Quan niệm này được Erik nhắc lại để phản pháo quan điểm bitcoin không có giá trị nội hàm (intrinsic value) của Peter. Khái niệm này không có ý nghĩa hay không tồn tại bởi mỗi người định giá trị (valuer) có con mắt nhìn nhận khác nhau. Hay lấy ví dụ với "nước", chúng ta ai cũng phải uống thứ chất lỏng này. Nước sẽ cực kỳ có giá trị với những ai đang khát nhưng trong trạng thái bình thường giá trị của nước lại bị coi nhẹ. Trước khi con người chiếm lĩnh trái đất, giá trị của vàng có lẽ chỉ bằng không. Rõ ràng, ngoài con người, không có giống loài nào tin loại kim loại này có giá trị. Mỗi người đều có lý do riêng để biện minh cho cách đánh giá "giá trị" của mình - rõ ràng nó mang tính khách quan. Để phản biện lại Peter, nếu có cái gọi là giá trị nội hàm của bitcoin, thì có lẽ nó đến từ mang lưới thanh toán (payment network) do Satoshi tạo dựng với tên gọi Bitcoin (cũng theo tên của đơn vị tiền tệ trên đó). Đây là nơi duy nhất trên thế giới mà bạn có thể thực hiện giao dịch với người khác một cách phi tập trung, nghĩa là không thể bị thế lực nào ngăn trở, không biên giới, không bị giám sát (censored) và cực kỳ rẻ. Nếu điều này mà không đáng giá thì thực tình tôi không biết còn có thứ gì có giá trị hơn.
Tiếp theo, về biến động giá cả (volatility), Peter đã hoàn toàn chính xác. Bitcoin khó có thể trở thành đồng tiền chi tiêu hàng ngày nếu giá cứ nhảy lung tung như vậy. Tuy nhiên, cần lưu ý biến động giá không phải là đặc tính bên trong của bitcoin. Điều này chỉ xảy ra khi thị trường đang lưỡng lự khi ra quyết định về bitcoin (như một thứ mới bước vào thị trường). Theo thời gian sẽ dần ổn định. Khi tôi tham gia thị trường bitcoin vào năm 2011, giá cả của btc có thể biến động đến 50% trong một ngày. Hiện tại, con số biến động giá 10% được xem là vấn đề lớn . Trong những năm tới, con số này sẽ giảm xuống còn 2 hay 3%. Sự ổn định của một loại tài sản nào đó trên thị trường sẽ dần đạt được theo thời gian. Rất khó tạo ra một thứ gì có thể ổn định ngay lập tức. Hãy để btc có thời gian tự điều chỉnh.
Peter cũng nhắc đến sự xuất hiện phi mã nhiều loại tiền số (multiple coins), một hình thức lạm phát. Nhận xét: "Bitcoin không thực sự quý hiếm vì có nhiều loại tiền số khác bắt chước nó" cũng tương tự như "vì có nhiều loại kim loại khác nên vàng không hiếm". Rõ ràng, một ai đó hoàn toàn có thể sao chép các dòng mã lập trình (code) nhưng sẽ rất khó để tạo ra mạng lưới tương tự, không thể sao chép sức mạnh băm (hash power - thước đo hiệu suất của người khai thác Bitcoin) của những người đào btc (miners), không thể sao chép (copy) hạ tầng của tất cả các ví cũng như những công ty đang vận hành trên mạng lưới đó, thương hiệu cũng là thứ cũng không thể ngày một ngày hai có được - danh tiếng của bitcoin cũng mất nhiều năm gầy dựng. Đây không phải chỉ là lý thuyết suông, hãy quan sát thực tế. Cách đây 10 năm, tổng giá trị vốn hóa thị trường (market cap) tiền mã hóa bao gồm Bitcoin và tiền mã hóa khác (alt coins) chỉ vào khoảng 1 tỷ $. Theo quan điểm của Peter, việc xuất hiện thêm chuỗi khối khác (blockchains) và các đồng tiền mã hóa khác (altcoins) sẽ khiến các nhà đầu tư rót tiền vào nhóm mới, đẩy giá trị vốn hóa của Bitcoin giảm xuống. Thực tế cho thấy mặc dù nhóm altcoin bùng nở mạnh mẽ (đạt giá trị khoảng 150 tỷ $) nhưng giá trị của Bitcoin cũng vẫn tăng nhanh theo, hiện tại là 110 tỷ $ (năm 2018). Rõ ràng không hề làm giá trị btc suy giảm. Tóm lại, sao chép mã lập trình của bitcoin (code) không đồng nghĩa với việc sao chép btc (cùng hệ sinh thái của nó).
Thêm nữa, tôi sẽ đào sâu hơn một chút vào nhận định của Peter: vàng giúp nhân loại xây dựng một xã hội hiện đại dựa trên "đồng tiền chân thật" (honest money). Thực sự, tôi tin thế giới nên sử dụng vàng thay vì tiền pháp định do nhà nước đặt ra (fiat). Là người hâm mộ lớn của vàng, tôi hiểu tại sao nó đáng giá và tại sao nó hữu dụng. Tuy nhiên, vàng không thuận tiện để sử dụng trong thương mại, phải dựa rất nhiều vào một bên thứ ba nào đó. Bàn tay lông lá của chính phủ sẽ có nhiều cách ngăn chặn vàng, bởi họ sẽ không cho phép thứ khác cạnh tranh với "giá trị chính thống" (tiền fiat) do họ kiểm soát. Nếu muốn có một hệ thống tiền bạc dựa trên thị trường (market-based) tự do mà không bị thế lực nào can thiệp thì buộc phải phi tập trung hóa (decentralized), nghĩa là khiến cho tài sản của bất cứ cá nhân nào, công ty nào hay nằm ở hầm chứa nào (vault) không thể bị tịch thu. Đây là điều cốt yếu để có một hệ thống tài chính lành mạnh phục vụ thị trường tự do. Tất nhiên, chính quyền sẽ không đời nào cho phép điều này diễn ra. Rõ ràng, vàng từng bị chính quyền tịch biên (confiscated) trong những năm 30 (rõ ràng điều này không hề điên rồ, nó thực sự diễn ra). Dù sao, vàng đã làm việc khá hiệu quả trong thế kỷ 19, một giai đoạn mà con người chưa tham gia vào thương mại trực tuyến. Thế giới đã thay đổi tới một mức độ cao hơn (some degree) với công nghệ và năng lực kết nối, điều này không đồng nghĩa phải thay đổi các nguyên tắc tiền bạc mà thực ra là thay đổi dạng thức tiền bạc đang chảy trong nền kinh tế hiện nay.
Peter nhanh chóng phản pháo Erik.
Nếu chính thủ Hoa Kỳ can thiệp quá mạnh vào sự cạnh tranh trên thị trường thì có lẽ không ai có thể cạnh tranh với bưu điện, nhưng tại sao Federal Express vẫn thành công, hay tại sao Uber cũng không bị đóng cửa khi dám cạnh tranh trực diện với độc quyền taxi của chính phủ. Tôi không tin chính phủ có thể cấm đoán người dân giao dịch bằng vàng nhưng dập tắt Bitcoin thì có thể. Lựa chọn này dễ dàng hơn nhiều. Còn nói về chuyện can thiệp, có lẽ vì sự lưu lại (record) thông tin minh bạch trên chuỗi khối mà chính phủ có thể theo dấu nhóm các tội phạm sử dụng bitcoin để rửa tiền, cụ thể can thiệp vào hệ thống máy tính để tìm hiểu cách các giao dịch diễn ra. Rất khác với khi tôi giao vàng bằng tay cho người nào đó (handy cash). Đồng tiền mã hóa (crypto money) là thứ chính phủ hướng đến ngăn chặn đầu tiên. Điều này chưa diễn ra có lẽ vì một số lý do riêng (như sợ thất bại hay phản ứng ngược).
Quay trở lại với "giá trị vốn hóa", tôi đã từng ước mình gặp Erik sớm hơn không thì đã có cơ hội trở nên rất giàu rồi. Giá cả thể hiện mối quan hệ giữa cung và cầu (supply & demand). Nguồn cung của tiền mã hóa (crypto currency) đã tăng lên nhanh chóng (lạm phát), nếu cầu tăng nhanh hơn cung thì giá cả vẫn sẽ tiếp tục tăng. Vấn đề nếu tất cả nhu cầu này biến mất thì chuyện gì sẽ diễn ra. Erik chia sẻ chúng ta có thể biết chính xác nguồn cung của Bitcoin trong hiện tại, tuần hay năm tới, nhưng nhu cầu thì khó đoán hơn, hoặc rất có thể không có nhu cầu nào. Theo quan sát của tôi, hiện tại nhu cầu chủ yếu đến từ những người tham gia trò chơi may rủi với thị trường, nhà đầu cơ (speculators), mua chỉ đề giá cao lên để bán lại cho người khác. Cuối cùng, họ cũng rút ra tiền mặt để mua một thứ gì đó thật ngoài đời. Rõ ràng, không ai thực sự muốn sở hữu bitcoin, cái họ muốn chính là những thứ có thể mua sau khi rút tiền ra khỏi địa hạt này (với phần hời). Hiện tại, không ai muốn bán ngay bởi niềm tin giá bitcoin sẽ tăng cao. Không ai muốn mình là kẻ ngu ngốc đã rời cuộc chơi sớm. Tôi tin, cuối cùng toàn bộ thị trường sẽ rơi rụng như nhiều hình thức bong bóng khác. Sẽ đến thời điểm mà ai cũng muốn bán, nhu cầu rơi rụng về không trong khi nguồn cung thì dồi dào.
Còn với quan điểm "giá trị nội hàm" của Erik hay trường phái Áo, tôi không đồng tình với việc không có cái gọi là "giá trị nội hàm". Tôi nhắc đến khái niệm này với hàm ý: tự bản thân tiền phải có những chức năng khác ngoài việc đóng vai trò trung gian thanh toán hoặc lưu trữ giá trị. Rõ ràng, vàng có nhiều chức năng mà các kim loại khác không có bởi các đặc tính (properties) riêng biệt vượt trội. Vàng rất độc đáo và có nhiều ứng dụng như làm trang sức hay thiết bị điện tử. Tương tự như vậy, nếu bạn sử dụng "gia súc" làm tiền, thì chúng còn có chức năng khác là thực phẩm để con người ăn. Bạn không thể làm gì với bitcoin, đây là luận điểm mà tôi muốn nhấn mạnh. Bitcoin không có giá trị nội hàm bởi lý do như vậy. Vàng có vị thế riêng, nó tạo ra các nhu cầu khác độc lập khỏi chức năng đồng tiền, một nhu cầu sử dụng thực tế (actual tangible use). Việc có một mạng lưới lớn những người chấp nhận Bitcoin cũng chưa chắc đảm bảo sự bền vững cho bitcoin. Có bao nhiều người trước đó tham gia tạo tài khoản trên Myspace, sau đó rời đi khi Facebook xuất hiện, cũng có mạng lưới đó thôi. Hãy quan sát tất cả các hình thức công nghệ mà chúng ta có ngày nay, đâu còn ai sỡ hữu chiếc điện thoại di động được tạo ra, hay máy quay phim (camera) đầu tiên, tivi đầu tiên hay chiếc xe hơi đầu tiên. Luôn luôn có một thứ tốt hơn được tạo ra theo thời gian. Không có gì chứng minh bitcoin sẽ mãi mãi là đồng tiền mã hóa tốt nhất được tạo ra và không thể bị thay thế. Rõ ràng, hiện tại có rất nhiều đồng tiền mã hóa đang có tính năng giống bitcoin cạnh tranh với nhau trên thị trường, cuối cùng rồi sẽ có cái gì đó tốt hơn nhóm này được tạo ra. Vấn đề là rất khó sử dụng chúng như một loại tiền tệ hay để lưu trữ giá trị. Tôi không thể sử dụng điện thoại hay xe hơi đầu tiên như một loại tiền tệ vì các sản phẩm này mất dần giá trị khi có một phiên bản tốt hơn được tạo ra.
Rất khó để chúng ta có thể tạo ra một phiên bản vàng tốt hơn, con người qua hàng ngàn năm lịch sử đã theo đuổi khát vọng này, cụ thể qua nỗ lực bất thành của các nhà giả kim (alchemists). Chúng ta hiểu vàng là đồng tiền thực sự (real money). Các đồng tiền mã hóa không có giá trị thật. Tất nhiên, đồng đô la cũng không có giá trị nội hàm nhưng cái nó có chính là sức mạnh của nhà nước (hay niềm tin vào đồng tiền pháp định) cũng như phép thử thời gian (thời gian sử dụng). Tiền pháp định tại Hoa Kỳ từng được bảo đảm bởi vàng nhưng hiện tại kết nối này đã đứt gãy. Chính phủ đã làm suy yếu hệ thống tiền tệ dần dần theo thời gian khi đẩy đô la ra khỏi tiêu chuẩn vàng (gold standard). Đồng đô la dần dần mất giá trị trong một trăm năm qua, rất có thể nó sẽ sụp đổ và tan biến nhưng chu trình này sẽ diễn ra rất chậm. Tôi tin bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác sẽ sụp đổ nhanh hơn. Giá hiện tại của bitcoin là 20k nhưng rất có thể nó đi về 0 ngay, diễn ra lúc nào thì tôi không biết (hiện tại giá btc trong tháng 03/2022 đang là 44k). Các hoạt động giao dịch vẫn diễn ra mạnh mẽ, nhiều người mua và bán nhưng tôi không nghĩ có người sẽ nắm btc dài hạn, nỗi sợ rớt giá 70% vẫn còn đó (có lẽ Peter đã sai ở điểm này). Hãy hình dung 1$ chỉ còn giá trị 30 cent, bạn đã mất đi khoản tiền ăn trưa của mình (lunch money). Chúng ta có những người phải phụ thuộc vào IRA (quỹ hưu trí) và những người sống bằng khoảng tiền lớn thu được bitcoin - họ bị mắc kẹt trong cơn biết động giá btc từ 10k đến 20k. Có những triệu phú btc trẻ lái Lamborghini nhưng cũng có những người thế chấp nhà, vay nợ tín dụng nhảy vào thị trường để rồi mất hết (vì sợ bị bỏ lỡ cơ hội - fomo). Câu chuyện thành công đi kèm câu chuyện thất bại hay bi kịch. Những người nhảy vào đu đỉnh và bán đáy có lẽ khó quay lại với btc, thương hiệu của nó sẽ sụt giảm. Cuối cùng không còn cầu nhưng cung rất nhiều. Bong bong cuối cùng sẽ vỡ (hiện tại thì tiên đoán này của Peter chưa xảy ra).