Tương lai thì không như nó đã từng
[US – Chicago]
Sau chuyến du ký Chicago và thăm nghệ sĩ guitar An Trần, mình đáp chuyến bay về Tokyo của hãng AA. Phi hành đoàn phát miễn phí báo Wall Street Journal cho hành khách, nhờ vậy mà mình tình cờ đọc được một bài báo ngắn rất thú vị của Andy Kessler. Ông là một nhà phân tích tài chính đầu tư mạo hiểm có trên 20 năm kinh nghiệm, hiện đang là chủ tịch và đồng sáng lập của quỹ Velocity Capital Management ở Palo Alto, Cali (nơi ông chuyển 100 triệu đô la thành 1 tỷ đô la từ năm 1996 tới năm 2001). Andy có một góc nhìn khác biệt về cách các chuyên gia/hay công chúng say mê hai chữ “tầm nhìn” hay “tương lai” – ông đả phá sự lạc quan trong phân tích “tầm nhìn” qua quan sát các xu hướng diễn ra trong thực tế từ thế kỉ 19 đến thời hiện đại.
Tình cờ lúc đến Tokyo, Facebook mình cũng tràn ngập thông tin về việc mạng xã hội lớn nhất hành tinh ra mắt đồng tiền của riêng họ Libra – với cơ chế khác biệt không thông qua “mining” hay “đào tiền” (cách thức truyền thống của đồng tiền ảo dựa trên blockchain) mà dựa trên cơ chế phát hành tiền rất cơ bản như tiền giấy hiện nay (Fiat Money) qua tài sản bảo chứng. Một dấu chỉ rất thú vị cho tương lai “số” của thế hệ chúng ta – nhưng đừng vội tin nó sẽ dễ dàng phá hủy các hệ thống tiền tệ cũ. Mình đã lược dịch bài viết dưới đây cùng hình minh họa bò đấu với gấu chụp ở St. Louis (ám chỉ thị trường tăng và giảm):
Được thành lập vào năm 1867, Keuffel & Esser Co. (K&E – một công ty sản xuất các dụng cụ đo lường Mỹ do hai người Đức nhập cư sáng lập) có một nhiệm vụ quan trọng là phải định hình tầm nhìn (hay tương lai) của hãng cho đến dịp kỷ niệm 100 năm. Nếu bạn là một người yêu thích các vật dụng cổ điển vintage, bạn có lẽ là đã biết qua thước loga (logarithm) của K&E (tiếng Anh gọi là slide rule – dụng cụ dùng cho mục đích nhân chia số liệu, hỗ trợ tính toán lũy thừa, căn, logarit hay lượng giác). “Tầm nhìn” mà họ vạch ra là một thất bại thảm hại, nó đã bỏ qua hoàn toàn sự bùng nổ của máy tính điện tử – một công nghệ chỉ ra đời vài năm sau đó có thể giải quyết mọi bài toán liên quan công năng của thước loga. K&E đã buộc phải đóng cửa mảng sản xuất loại thước này vào năm 1976. Mark Twain đã từng nói: “Thật khó để đưa ra những lời tiên đoán đặc biệt là về tương lai.” Liệu tương lai sẽ sẽ diễn ra như Niels Bohr dự đoán (nhà vật lý học người Đan Mạch với những đóng góp nền tảng về lý thuyết cấu trúc nguyên tử và cơ học lượng tử sơ khai) hay là Yogi Berra (một huyền thoại bóng chày nổi tiếng với nhiều câu nói để đời, phổ thông đến nỗi mấy câu ngắn ngủi của ông được xem như là trường phái Yogi-isms)?
Cha của tôi là một thành viên nhiệt thành của Câu lạc Bộ “Sách Hay của Tháng” nhờ vậy mà chuyến đi thăm nhà chán chường năm 1989 lại khiến tôi say mê tiếp cận với một quyển sách mà ông mang về có tên “Những lỗi lầm to lớn” (Mega-mistakes) viết bởi một Giáo sư thuộc Đại học Baruch tên Steven Schnaars. Nhờ quyển sách này mà tôi có thêm thông tin về công ty K&E cùng thông điệp rất đơn giản của nó:” Đừng bị cuốn đi bởi những quan điểm đang thịnh hành, đừng mở rộng những dòng chảy của xu hướng hiện tại đến tương lai.” Schnaars đã phân tích cách mà lối suy nghĩ của kỷ nguyên hàng không thập niên 50 vận vào giấc mơ hàng không trong thập niên 60. Nghiên cứu năm 1966 của hãng TRW tiên đoán chinh phục mặt trăng sẽ diễn ra năm 1977, xe hơi tự động sẽ đến vào năm 1979 và đội quân robot thông minh sẽ xuất hiện vào thập niên 90. Rồi thì dịch vụ điện thoại, chén đĩa được rửa sạch bằng sóng siêu âm, năng lượng giá rẻ vĩnh viễn, tương lai sẽ gây kinh ngạc ở khắp mọi nơi. Tất cả các tiên đoán trên đều sai.
Dĩ nhiên vào năm 1973, cấm vận dầu hỏa đã thay đổi mọi thứ. Vào cuối thập niên 1970, dầu hỏa mắc tiền từng được xem thứ duy trì vĩnh viễn và tương lai sẽ dành chỗ cho sự khan hiếm và tiết kiệm năng lượng. Tất cả chúng ta sẽ cùng lái những chiếc xe hơi kích cỡ nhỏ với đài CB bên trong và sống ở những mái vòm bán cầu được tạo từ các mắt lưới kim loại tam giác (geodesic domes) gợi cảm hứng bởi kiến trúc sư R. Buckminster Fuller. General Electric thậm chí còn đưa ra ý tưởng sản xuất các máy lạnh cỡ nhỏ. Tất cả những kết luận trên đều sai lầm.
Khi thập niên 80 ập đến. Thị trường hình thái “bò” (bull market) và dầu hỏa giá rẻ đã đánh tan màn sương mù mờ của thập niên 70. Lúc này mọi người đều tin rằng Nhật Bản sẽ sớm thống trị thế giới vì đã vượt qua Mỹ trong lĩnh vực sản xuất – thời điểm mà giá trị của Hoàng Cung Tokyo thì lớn hơn tất cả các bất động sản ở California, máy tính cá nhân phổ biến như các món đồ chơi cùng việc Liên bang Xô Viết là một siêu cường của thế giới. Một lỗi lầm siêu lớn (Megamistake).
Sau sự đổ vỡ của thị trường năm 87 (Ngày thứ hai đen tối 19 tháng 10 năm 1987 khi thị trường chứng khoán vòng quanh thế giới sụp đổ) và cuộc chiến tranh Iraq đầu tiên, viễn cảnh tăng trưởng kinh tế trong thập niên 90 dường như quá ảm đạm. Tuy nhiên Netscape cùng trình duyệt của họ ra mắt công chúng năm 1995 lại khiến chúng ta dấn thân vào cuộc chạy đua hối hả mới. Vào năm 1999 niềm tin về một thế giới công nghệ trong mơ lại đạt đến đỉnh điểm của nó và tất cả những gì bạn cần là một tên miền kiểu như burnmoney.com (đốt tiền chấm com) để có thể kêu gọi hàng triệu đô la và đẩy giá trị của nó lên con số khổng lồ (kazillions). Một lỗi lầm siêu siêu lớn (Gigamistake).
Quả bom thị trường Internet (dot-bomb) phát nổ cùng sự kiện 9/11 đã thay đổi bầu không khí trên một cách nhanh chóng. Vào năm 2003 khi đang cố gắng thuyết trình cuốn sách mới về thung lũng Silicon và Phố Wall, tôi đã nhận được lời khuyên rằng các đề tài trên sẽ chẳng ai quan tâm. Lúc này công chúng chỉ muốn biết các thông tin về khủng bố sinh học hay niềm tin Hồi giáo cực đoan. Ngoài ra, Tôi cũng ước là mình có thể hiểu hơn về thị trường nhà hoặc phái sinh (derivative), những thứ mà thập kỉ đầu tiên của thiên niên kỷ mới (aughts) bận rộn bàn thảo kể từ Cuộc Đại Suy Thoái (Great Recession). Thập niên 2010 lại cuốn công chúng quanh việc liệu nên nắm giữ tiền mặt, thậm chí là dưới ra giường của bạn, hay nắm giữ cổ phiếu công ty. Họ tin những công ty như Apple, Amazon và Microsoft sẽ nhanh chóng trở thành những công ty trị giá nghìn tỷ đô. Một lỗi lầm siêu siêu siêu lớn (Teramistake).
Ngài Schnaars cho rằng các phép ngoại suy giản lược đã bỏ qua các sự kiện lịch sử chính yếu, thách thức các giả thuyết quan trọng đồng thời tách biệt các xu hướng ngắn hạn (fads) khỏi thị trường tăng trưởng. Nói luôn dễ hơn làm. Tương lai sẽ diễn ra theo cách mà đại đa số mọi người đều không thể hình dung được. Cái cách mà bạn lựa chọn công việc, đầu tư, hay thậm chí nơi bạn sinh sống có thể kết thúc bằng một ngõ cụt hoặc theo lối tưởng tượng sinh động cao xa khỏi thực tế. Theo Schnaars, hãy lựa chọn một cách cẩn trọng nhưng phải dựa trên suy tư về bản thân mình.
Ngày nay, lãi suất thấp có nghĩa là rủi ro tiềm ẩn luôn đi kèm và những cảnh báo luôn đi theo lối mòn xưa cũ. Các công ty được bán với giá gấp 20 lần doanh thu thay vì lợi nhuận (earnings). (Beyond Meat được định giá gấp 43 lần doanh số bán hàng dự tính của năm 2019 và Tableau Software gần đây được bán với giá gấp 16 lần doanh thu năm 2018). Về khía cạnh chính trị, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa quốc gia đang dành phần thắng. Về khía cạnh quốc tế, Trung Quốc là một Liên Bang Xô Viết (USSR) mới. Về khía cạnh kinh tế, tương lai chính là hiện tại bây giờ. Liệu có thành tố nào trong các dữ kiện trên sẽ tồn tại mãi mãi.
Hiện tại, Tesla được định giá trị dựa trên việc liệu mỗi chiếc xe mới có được điện hóa hay không. Những năm 2020s sẽ vẫn còn rất mù mờ, nhưng rõ ràng điều này không cản trở tầm nhìn rõ ràng của nhóm các chuyên gia về sự biến đổi khí hậu, phương tiện không người lái và những ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo. Tất cả chúng ta đều tham gia nền kinh tế chia sẻ như xe hơi, xe máy số hay tay ga (Grab, Über) hoặc thậm chí gậy nhảy (pogo sticks). WeWork được định giá bằng việc liệu chúng ta có muốn chia sẻ không gian làm việc hay không. Điều thú vị sắp tới xảy ra sẽ là gì?
Kinh nghiệm cho thấy mọi người thường có xu hướng đánh giá quá cao những thứ có vẻ lố bịch, như cách Elon Musk mơ mộng về hyperloop (hệ thống giao thông tốc độ cao bằng đường ống) hay việc thuộc địa hóa/chinh phục Sao hỏa đi kèm với việc đánh giá thấp những thứ thông thường như cải thiện việc truyền thông tin (messaging) hay mua sắm (shopping). Tôi thường tin vào thị trường bò (tăng trưởng liên tục) cho đến khi những giấc mơ trở nên huyền ảo xa vời. Công nghệ thường được phát triển theo hình chữ S: mọi thứ bắt đầu một cách chậm chạp sau đó đi vào tăng trưởng “hyperbolic” (một sự tăng trưởng trong đó khối lượng đạt đến điểm “singularity” – điểm mà hàm số đạt đến một giá trị vô hạn), cuối cùng là co tròn lại (roll over). Đó là lý do tại sao điểm cực “singularity” – nơi mà hệ thống có thể tự cải thiện hay trí tuệ nhân tạo vô song sẽ không thể diễn ra. Đừng đánh giá quá cao xu hướng này.
Cơn bão lớn của sự thay đổi sẽ diễn ra một cách khó khăn hơn ta nghĩ. Quan sát những cơn gió (xu hướng) đang thịnh hành, chúng ta hầu như đều tin mình sắp bị thay thế bởi rô bốt, ăn những miếng thịt nhân tạo được vận chuyển bằng drone, đeo những nón bảo hiểm tương tác thực tế ảo (augmented reality), tiêu dùng bằng bitcoin (tiền mã hóa) hay hút thuốc lá điện tử có vị trái cây. Chúng ta tin xã hội mà mình sống sẽ được dẫn dắt bởi các nhà dân chủ xã hội chủ nghĩa (democratic socialists) trung tính đang lên tiếng cho các nguy cơ xã hội phản địa đàng (dystopian) như trong “Comrade” (Đồng chí) hay “The Handmaid’s Tale” mùa thứ 10 (một series phim dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Margaret Atwood – nói về một tương lai “phản địa đàng/ tận thế” sau Nội chiến Hoa Kỳ lần thứ hai – một xã hội toàn trị nơi hầu hết mọi người bị vô sinh, chỉ những người thượng lưu – các tư lệnh được quyền sở hữu các Handmaid – những người phụ nữ có khả năng sinh sản tốt (fertile women) với thân phận nô lệ chỉ làm công việc duy nhất: duy trì nòi giống) hay “Dystopia ’s Discontents” (Sự bất mãn với các xã hội phản địa đàng) cùng lúc đấu tranh cho thu nhập cơ bản (Universal basic income). Bạn không cần phải có thước loga để tính toán những lỗi lầm lớn này.