Turandot, Tử Cẩm Thành và ngoại giao "opera"
Công chúa Trung Hoa xinh đẹp lạnh lùng Turandot đặt điều kiện oái ăm cho những ai muốn hỏi cưới nàng: ứng cử viên phải giải được ba câu hỏi hóc búa nếu không sẽ bị chém đầu. Cụ thể: (1) Cái gì được sinh ra hàng đêm và chết đi khi bình minh ló rạng?” (2) Cái gì đỏ và ấm như lửa, nhưng không phải là lửa? (3) Cái gì lạnh như băng nhưng có thể nhen nhóm lên lửa, mà càng bùng cháy dữ dội thì cái đó lại càng lạnh hơn nữa? Thử thách này đã khiến một loạt hoàng tử các nước lân bang rơi đầu như Ba Tư, Miến Điện, Kyrgyzstan, Samarkand (Uzbekistan), và Ấn Độ.
Tuy nhiên, Turandot lại không làm khó được một vị hoàng tử thất thế, người đi cùng cha mình Timur (vị vua bị phế truất của xứ Tartary – vùng đất trước kia Mông Cổ tọa lạc) và cô hầu gái Liu. Công chúa tàn nhẫn đoạn tuyệt hôn nhân vì tin rằng Lo-u-Ling, người tổ tiên bị hãm hiếp và giết chết hàng trăm năm trước bởi một hoàng tử ngoại quốc, đã xâm nhập vào thân xác cô. Cốt truyện trên được Giacomo Puccini, kỳ tài sáng tác “opera” của Ý, lấy cảm hứng từ một trong bảy câu chuyện Haft Peykar do nhà thơ Ba Tư lãng mạng Nizami trong thế kỷ 12 soạn thảo, một sự pha trộn ba miền văn hóa Hồi Giáo Ba Tư, Trung Hoa cổ đại và Opera Ý. Tác phẩm opera “phê phán hiện thực” (verismo) cuối cùng và dở dang này của Puccini đã đi vào tâm khảm nhiều thế hệ khán thính giả mộ điệu, đặc biệt là qua khúc aria bất hủ Nessun Dorma, biểu tượng mạnh mẽ của opera Ý.
Sức hút mãnh liệt của Turandot đã thôi thúc đạo diễn Trương Nghệ Mưu đem tác phẩm mang âm hưởng “Trung Hoa” này về đúng với bối cảnh của nó, biến Tử Cấm Thành thành sân khấu biểu diễn. Đây là sự kiện hoành tráng, công phu bậc nhất trong thập niên 90 ở Trung Quốc, giúp nâng tầm chuẩn mực “tổ chức biểu diễn” của nước này. Sau nhiều thập kỷ, người dân Trung Quốc mới chứng kiện một sự kiện quy mô như vậy ở Tử Cấm Thành kể từ đám cưới giữa vua Phổ Nghi (hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa) và hoàng hậu Uyển Dung cách đó nhiều thập kỷ (1924). Người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng cũng là một ngôi sao sáng chói trong bầu trời “cổ điển” Zubin Mehta (nhạc trưởng người Ấn) cùng hai diễn viên đóng vai Turandot và Calaf là Giovanna Casolla (giọng ca soprano Ý) và Sergej Larin (giọng tenor của Liên Bang Xô Viết cũ).
Tuy nhiên, chương trình này lại là một canh bạc với chính quyền cộng sản Trung Quốc: đánh đổi việc phổ biến một tác phẩm phương Tây ít nhiều phê phán sự tàn nhẫn của Trung Quốc (qua hình ảnh Turandot) ngay tại quê nhà cùng bàn tay đạo diễn của Mưu, người có nhiều tác phẩm điện ảnh bị kiểm duyệt gắt gao (như bộ phim xúc động Lẽ Sống – phê phán Đại Nhảy Vọt và Cách mạng Văn Hóa) để quảng bá hình ảnh Trung Hoa cởi mở hơn (đồng thời kêu gọi đầu tư bên ngoài).
Turandot phiên bản Tử Cấm Thành mất năm năm để chuẩn bị, tiêu tốn chi phí sản xuất lên đến 15 triệu $ (một con số khổng lồ trong thập niên 90), cùng sự tham dự của hàng ngàn con người (trong đó có 350 diễn viên phải bay từ Florence sang). Mưu cùng chính quyền Trung Quốc đã biến Turandot Tử Cẩm Thành thành một chương trình mà giới siêu giàu “châu Âu hay Mỹ” thèm khát tham dự. Hàng loạt chuyên cơ chở mạng lưới tinh hoa phương Tây đến Bắc Kinh (các socialites và tỷ phú) (với giá vé VIP lên đến 1800$, con số không thể tưởng tượng với người dân Bắc Kinh giai đoạn 1998). Tám màn trình diễn tại Cung Cấm đã mở nhiều cánh cửa “đầu tư” cho Trung Quốc sau nhiều thập kỷ đầy nghi ngại, kiểm duyệt và chống đối văn hóa phương Tây. Chương trình này cũng đồng thời là tấm vé giúp Mưu trở thành đạo diễn chính của Olympics mùa hè 2008 (chương trình khai mạc cũng phần biểu diễn You & Me của giọng ca soprano Sarah Brightman và ca sĩ Trung Quốc nổi tiếng Liu Huan) gây kinh ngạc thế giới khi đó, đồng thời cũng giới thiệu đến thế giới hình ảnh một chính trị gia mới đang lên của Trung Quốc – quý ngài Tập Cận Bình, khi đó phụ trách chỉ huy công tác tổ chức Olympics.
Đây là link stream của Turandot phiên bản Tử Cấm Thành rất đáng xem nếu các bạn tò mò về đáp áp ba câu đố của cô công chúa Trung Hoa:
PS: Hình minh họa là phiên bản Turandot của MET