Twitter, Tesla và "Bí kíp quá giang vào Ngân Hà"
Chris Anderson hỏi Elon Musk tại hội nghị Ted2022: "Anh mô tả bản thân là một người tuyệt đối hóa tự do ngôn luận (free speech absolutist) nhưng liệu điều này có đồng nghĩa với việc bất cứ ai cũng có thể nói bất cứ điều gì?". Musk phản hồi: "Twitter cũng như bất cứ diễn đàn hay nền tảng nào đều phải tuân thủ theo luật pháp của quốc gia sở tại. Do đó, luôn có các giới hạn cho tự do ngôn luận"
Động lực theo đuổi việc mua đứt (hay ảnh hưởng) Twitter (với giá đâu đó 43 tỷ $) được Elon tiết lộ tại Ted2022: điều này cực kỳ quan trọng đối với nền văn minh bởi nhân loại cần có một nền tảng công (public platform) tạo được niềm tin tối đa với sự tham dự rộng lớn của nhiều bên (inclusive) - chứ không phải chăm chăm vào khía cạnh kinh tế (economics). Twitter phải trở thành một nơi thực hành tự do ngôn luận hay giống như một khu quản trường công không chính thức (de-facto town square) nơi con người trong thực tiễn (reality) cũng như nhận thức (perception) có thể tự do bày tỏ quan điểm trong vòng giới hạn (bounds) của luật. Các thuật toán tác động đến tweets có nội dung đi vượt giới hạn cần là mã nguồn mở (open source) (nhằm nhấn mạnh hay giảm nhẹ cường độ) - hoàn toàn minh bạch, không có cái gọi là can thiệp hay điều chỉnh sau hậu trường (manipulation). Điều này tối quan trọng cho nền dân chủ và sự vận hành của Hoa Kỳ như một quốc gia tự do (cũng như thế giới).
Elon bày tỏ mong muốn duy trì nhiều nhất có thể các cổ đông theo quy định của luật pháp trong công ty tư nhân (đâu đó tầm 2000 người) chứ không phải độc quyền hay tối đa hóa tỷ lệ sở hữu tại Twitter (ownership) - dù không chắc mình có khả năng thâu tóm Twitter. Elon cũng không quên đá xéo Mark Zuckerburg - người sỡ hữu cả Facebook, Whatsapp và Instagram rằng với cơ cấu sỡ hữu hiện tại (Mark nắm đến 55% cổ phần biểu quyết tại Meta gần như có quyền lực phủ quyết tất cả) - Mark thứ 14 cũng vẫn tiếp tục nắm cả ba đế chế truyền thông này (số 14 hoặc ám chỉ nhiều thế hệ sau của gia đình Zuckeberg hoặc ví von Mark với vua Louis XIV - người trị vị nước Pháp dai dẳng suốt 72 năm). Tuy nhiên kế hoạch thâu tóm sẽ gặp khá nhiều trở ngại. Hội đồng quản trị Twitter đã đưa ra một "liều thuốc độc" (poison pill) - một kế hoạch về quyền cổ đông (rights) nhằm ngăn chặn Elon, người hiện tại đang nắm 9% Twitter. Cụ thể, phải khiến Elon cũng như bất cứ ai có ý định tăng phần sở hữu cao hơn 15% phải trả cái giá đắt đỏ hơn. Cụ thể nước đi phòng thủ như sau: nếu giới hạn bị vượt qua (threshold), hội đồng quản trị có thể phủ đầy thị trường với các cổ phiếu giảm giá (discounted shares) mà Elon không thể mua, pha loãng cổ phần của Elon. Đồng thời có thể tìm kiếm "hiệp sĩ trắng" (white knight) - người mua thay thế khác. Thứ bảy vừa rồi Elon tweet dòng chữ: "Love Me Tender - Yêu Em Nhẹ Nhàng ", một bài hát của Elvis Presley với nhiều đồn đoán ông đang gửi thông điệp đến các cổ đông của Twitter - nhấn mạnh vào mức giá "nhẹ nhàng" tại đó ông sẽ mua cổ phần của họ. Musk khẳng định với Chris ông có thể mua hoàn toàn Twitter (về mặt kỹ thuật).
Quay trở lại với tự do ngôn luận, Chris đặt vấn đề sắc bén quanh những tuyên bố đầy hằn thù (hate speech). Tưởng tượng có một tweet nói: "tôi ghét chính trị gia X". Tweet khác nói: "Tôi không muốn chính trị gia này tồn tại" (như cách một số người hiện tại nói về Putin). Một tweet khác có nội dung tương tự nhưng kèm theo hình chân dung họ với khẩu súng bên cạnh (có thể kèm địa chỉ của họ). Rõ ràng, phải có ai đó ở Twitter ra quyết định: cái gì là không thể chấp nhận. Liệu thuật toán có đủ khả năng nhìn nhận hay phải có phán xét từ một con người cụ thể. Elon nhắc lại việc tuân thủ luật pháp của Twitter đồng thời đề cập đến sự nguy hiểm của việc vượt ra khỏi ranh giới: không minh bạch trong việc ai có quyền thay đổi điều gì với ai, hay một số tweet có thể được quảng bá hay tước bỏ một cách bí ẩn (mà không có hiểu biết điều gì đang thực sự diễn ra) bởi thuật toán đặt trong hộp đen. Mã nguồn mở rất quan trọng, kiểu như đặt các dòng mã trên GitHub để các lập trình viên trên toàn thế giới có thể cùng đóng góp (hay như việc cập nhập Linux).
Thuật toán hiện tại khó có thể hiểu sâu sắc một số nội dung con người viết ra, Twitter hay Facebook đều phải tuyển dụng hay thu thập phản hồi từ nhiều người dùng để ra quyết định khôn ngoan quanh một số nội dung (đôi khi chín người mười ý). Elon cho rằng, trong một số vùng xám, hãy để cho nội dung bày tỏ quan điểm tồn tại, tuy nhiên trong trường hợp gây tranh cãi quá nhiều, chúng ta rõ ràng không cần thiết phải quảng bá nó thêm nữa - không có giải pháp hoàn hảo nhưng cần hạn chế tối đa việc phải xóa đi nội dung hay cấm đoán vĩnh viễn. Tự do ngôn luận có nghĩa là: "người bạn không thích được quyền nói những thứ bạn không thích".
Elon cũng bông đùa về cách chơi twitter của mình (với lượng follower hùng hậu). Ông chả có một kế hoạch truyền thông gì lớn lao trên đó mà chỉ thỉnh thoảng đang ngồi toilet, đọc được một thứ gì đó hài hước và tweet ngay cho cộng đồng follow mình. Elon nhấn mạnh mình cũng xài twitter giống như bất cứ ai trên trái đất.
Phần tiếp theo của phần phỏng vấn tại Ted2022 đề cập đến Tesla trong những khoảng khắc sống còn khi Elon phải đối đầu với các quan chức SEC (mà ông gọi là những gã khốn) quanh câu tweet công bố chuyển hóa Tesla thành công ty tư nhân trong năm 2018. SEC đã ép ông vào thế phải dàn sếp (trả tiền phạt gần 40 triệu $) như việc dí súng vào đầu đứa con của bạn. Tiếp theo đó, Elon thừa nhận sai lầm lớn nhất trong cuộc đời mình là không khởi sự Tesla cùng với JB Straubel ngay từ đầu - người hiện là CTO lâu dài của hãng. Nguồn cơn làm dấy lên các tranh cãi đấu đá quanh việc ai thực sự sáng lập Tesla (cùng với Martin Eberhard và Marc Tarpenning). Phần thú vị khác quay xung quanh cách bộ não của Elon hoạt động. Một người từ nhỏ tự kỷ, ham mê đọc sách, bị bạn bè bắt nạt và luôn nhìn thế giới theo cách ngôn từ được mô tả (để cuối cùng phát hiện đôi khi điều này sai - có những thứ từ ngữ không thể mô tả) - một tuổi thơ không hạnh phúc. Dần dần lớp trí thức được xây dựng qua từng trang sách hay phim ảnh - nhưng cũng mất khá nhiều thời gian để Elon có thể hiểu những thứ mà với một số người bằng trực giác đã nắm bắt được. Con người với trí não dẻo như plastic thường bị cuốn theo thế giới bên ngoài hay các tín hiệu xã hội (social cues), cụm từ thường được dùng để gọi những khía cạnh phi ngôn ngữ trong giao tiếp, “như ánh mắt, như điệu bộ, như tông giọng, như bất cứ thứ gì không thuộc phạm trù ngôn ngữ hay tiếng nói.” (theo nhà tâm lý học Nicole Beurkens) nhưng với Elon - thế giới (tự kỷ) này có thể bị cắt bỏ một phần để ông hướng vào bên trong - chìm đắm trong công nghệ và ám ảnh bởi quá trình đi tìm "chân lý" (truth) - thứ mà hiểu biết vật lý đã hỗ trợ ông rất nhiều. Elon được truyền cảm hứng bởi tác phẩm "Bí kíp quá giang Vào Ngân Hà" của Douglas Adams (The Hitchhiker's Guide to the Galaxy) - một tác phẩm triết học ngụy trang dưới dạng tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hài hước (cụ thể về chuyến phiêu lưu xuyên vũ trụ của hai con người Trái Đất: Arthur Dent và Ford Prefect). Cụ thể, Adams nhấn mạnh nguyên tắc "đặt câu hỏi luôn khó hơn đi tìm câu trả lời" và diễn giải ý nghĩa cuộc đời một cách hài hước - giúp cho Elon thoát khỏi trói buộc của các quan điểm tăm tối của triết học Đức. Elon bày tỏ: "Triết lý dẫn đường của tôi là phải mở rộng quy mô và tầm vóc nhận thức của con người cả về mặt sinh học (biological) và số (digital) - nền tảng giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về vũ trụ. Tôi muốn giới thiệu thế giới quan (worldview) và hệ triết lý (philosophy) để chúng ta có thể đặt các câu hỏi sâu sắc liên quan đến câu trả lời quanh hai chữ vũ trụ."