UNLEASH 2018
[Singapore – UNLEASH 2018]
Unleash Lab 2018 quy tụ gần 1000 bộ óc sáng tạo trẻ (các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp (entrepreneurs & intrapreneurs), các chuyên gia công nghệ, các nhà quản lý và hoạt động cộng đồng) từ hơn 110 quốc gia đến Singapore trong vòng 8 ngày để cùng tham gia tư duy và phát triển những ý tưởng sáng tạo trên nền tảng 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc – SDGs và qua đó thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong việc theo đuổi các mục tiêu cao đẹp trên.
Mô hình SDGs được Liên Hiệp Quốc đưa ra vào năm 2015 nhằm thay thế cho Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) – SDGs không phân biệt nước phát triển hay đang phát triển như trước kia mà tạo ra một khung tham chiếu có thể ứng dụng tới tất cả các quốc gia và được thiết kế nhằm xây dựng cầu nối giữa các lục địa, khuyến khích những giải pháp cấp bách xoay quanh những yếu tố cụ thể gắn kết trực tiếp với quá trình kiến tạo một thế giới tốt đẹp. Để thực thi được mục tiêu SDGs, ước tính rằng thế giới phải đầu tư một số tiền rất lớn vào khoảng 5 ngàn tỷ $ tới 7 ngàn tỷ $ – vào khoảng 7% – 10% GDP toàn cầu. Một phần trong đó được dành để đầu tư cho việc giới thiệu khung SDGs đến giới trẻ toàn cầu – mà cụ thể là các hoạt động của UNLEASH.
UNLEASH năm nay đã lựa chọn 8 mục tiêu cấp bách làm nền tảng cho các buổi trao đổi, nghiên cứu và thực thi theo nhóm: SDG2 – Không còn đói nghèo; SDG3 – Sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc; SDG4 – Giáo dục công bằng; SDG6 – Nước sạch và vệ sinh; SDG7 – Năng lượng sạch và có tính kinh tế; SDG 11 – Thành phố và cộng đồng bền vững; SDG 12 – Chuỗi cung ứng và tiêu thụ có trách nhiệm; SDG 13 – Hành động vì khí hậu.
Những người tham gia (unleasher/talent) sẽ được đưa vào một phòng thử nghiệm ý tưởng lớn (lab) được tổ chức ở hai trường đại học nổi tiếng ở Đảo quốc sư tử là NUS (Đại học quốc gia Singapore) và NTU (Đại học công nghệ Nanyang). Thông qua các bảng khảo sát về tính cách, kinh nghiệm cũng như mục tiêu cá nhân, mỗi người sẽ được sắp xếp vào một nhóm phù hợp (gồm 4 – 6 thành viên). Sau đó, cùng với nhóm của mình, các unleasher sẽ được trải qua “Chu trình sáng tạo/Innovation Process” gồm 5 bước quan trọng kéo dài 6 ngày liên tục: Đóng khung vấn đề (Problem Framing), Tạo dựng ý tưởng (Ideation), Xây dựng mẫu (Protoptyping), Đánh giá thử nghiệm (Testing) và cuối cùng là Thực Thi (Implementating). Thành quả sau 6 ngày tư duy sẽ được đúc kết thành một bài thuyết trình ý tưởng kéo dài 3 phút cho mỗi nhóm trước ban giám khảo là các chuyên gia quốc tế. Tập hợp ý tưởng đa dạng từ các unleasher sau đó sẽ được đem triễn lãm tại Ecosperity, hội nghị thường niên hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của quỹ đầu tư sừng sỏ Temasek tại trung tâm Suntec.
Nhờ sự giới thiệu của mạng lưới One Young World cùng việc chuẩn bị một số bài luận “rối rắm” mà mình có cơ hội được đến Singapore để góp phần vào “nồi lẩu thập cẩm” của văn hóa, tính cách và ý tưởng này. Nhóm của mình (Bamboost) gồm có 6 người: Jan Cb (Carbonell) – nhà tư vấn chiến lược kiêm học giả AI, thành viên nhóm Global Shaper đến từ Barcelona (Tây Ban Nha); Bryony Rose (Simcox) – kiến trúc sư kiêm nghệ sĩ vĩ cầm đến từ nước Anh (nhưng sống ở Sydney, Úc); Mansi Parikh – kĩ sư điện tử/viễn thông kiêm doanh nhân xã hội, người sáng lập của tổ chức Future Sense đến từ Mumbai (Ấn Độ); Guglielmo Franchi – nhà quản lý vận hành của tập đoàn Davines, một anh chàng đến từ Milan (Ý) đẹp trai hơn cả tài tử Jude Law; Cathrin Zengerling, tiến sĩ luật đến từ đại học HafenCity ở Hamburg, Đức và mình. Sáu bộ óc với nền tảng học thuật – văn hóa hoàn toàn khác biệt đã tìm cách làm việc chung với nhau trong suốt một tuần liền nhằm tìm kiếm các giải pháp cho mục tiêu SDGs mà nhóm chọn lựa – Mục tiêu thứ 11: Thành phố và cộng đồng bền vững.
Các nhóm tham gia lab phải đảm bảo theo sát các yêu cầu được quy định trong cuốn cảm nang hướng dẫn về “Chu trình sáng tạo UNLEASH” (do ban tổ chức phát cho mỗi nhóm vào ngày đầu tiên). Trong đó mô tả cụ thể những hoạt động mà nhóm cần tiến hành (như quá trình tư duy nhanh – brainstorm, thu thập dữ liệu, phân tích & so sánh dữ liệu, gặp gỡ chuyên gia) và ở mỗi bước của chu trình 5 bước (như mô tả ở trên: Problem Framing, Ideation, Prototyping, Testing, Implementing) bộ phận điều phối của ban tổ chức (là các nhân viên của UNDP và công ty kiểm toán Deloitte) sẽ tiến hành kiểm tra kết quả thực thi các hoạt động ở từng bước (check-list) (hay còn gọi là kiểm tra “cổng vào” ở từng bước – Gate Check). Nếu được bộ phận điều phối phê chuẩn, nhóm mới được chuyển sang bước tiếp theo. Nhờ khung định hướng như vậy mà các nhóm làm việc hiệu quả và tập trung hơn rất nhiều trước áp lực rất lớn về khối lượng dữ liệu thu thập cũng như thời gian xử lý vấn đề.
Trong SDG 11, các nhóm đề tài lại được chia nhỏ hơn (sub-theme) như: Hạ tầng ( Instrastucture ), Giao thông (Transport), Nhà ở (Affordable Housing), Xã hội hòa hợp và cộng đồng bền vững (Social Inclusion & Sustainable Community). Khung vấn đề cụ thể mà nhóm mình lựa chọn là: “Các công dân tích cực đang sinh sống trong những quốc gia đang phát triển (như Việt Nam) muốn tham gia đóng góp tiếng nói của mình vào những quyết định quan trọng của thành phố nhưng lại cảm thấy nỗ lực hay ý kiến của mình mình quá nhỏ bé để tạo ra ảnh hưởng. Vậy đâu là giải pháp cho họ? . Vấn đề này thuộc sub-theme thứ tư “Hòa hợp xã hội – Social Inclusion”. Quá trình thảo luận khung vấn đề đã giúp mình khám phá được nhiều góc nhìn (insights) thú vị ở các thành phố nơi các thành viên nhóm mình sinh sống (Barcelona, Sydney, Milan, Hamburg và Bombay), nền tảng phát triển khác biệt giúp cho mức độ ảnh hưởng của tiếng nói “công dân” ở mỗi thành phố cũng khác nhau. Qua đó mình có cơ hội chia sẻ cho các bạn mình về những vấn đề nội tại của Việt Nam như các chính sách quy hoạch sai lầm cùng việc tàn phá vô tội vạ các di sản văn hóa lịch sử (mà cụ thể như là các biệt thự cổ ở Đà Lạt hay vụ Ba Son). Chính vì tiếng nói phản biệt của người dân/hay các chuyên gia ít khi được lắng nghe mà nét đẹp “nguyên thủy” của nhiều thành phố ở Việt Nam đã bị bào mòn thậm chí biến mất.
Bamboost với mình là một đội ngũ trong mơ (dreamteam) – thông minh, hiệu quả và trách nhiệm. Mọi công việc đều được phân công nhịp nhàng mà không cần phải có một người trưởng nhóm vì ai cũng hiểu điểm mạnh – yếu của mình cũng như người khác nhờ quá trình trao đổi rõ ràng về nguyên tắc làm việc ngày từ đầu: cởi mở (openness), bao dung (tolenrance), tôn trọng (respect) và dân chủ (democracy – mọi ý kiến/ý tưởng thống nhất đều dựa trên quá trình bình bầu công bằng giữa các thành viên). Jan, Mansi và Bryony là những người thực thi (Doers) – những người sẽ hiện thực hóa ý tưởng bằng các giải pháp cụ thể gần gũi nhất để có thể ứng dụng và kiểm tra ngay, Guglielmo là người đồng cảm (Feeler) – người hướng tới việc hòa hợp sự khác biệt bên trong nhóm cũng như điều phối các mối quan hệ bên ngoài nhóm, tiến sĩ Cathrin và mình là người tư duy (Thinkers) – những người sẽ cố phác thảo ra bức tranh rộng lớn hơn của giải pháp nằm nêu bật khả năng mở rộng cũng như tầm nhìn của nó.
Dù đôi lúc không tránh khỏi việc tranh cãi gay gắt nhưng những nguyên tắc chung đã giúp nhóm đi đến sự đồng thuận (đôi khi thỏa hiệp) dễ dàng hơn rất nhiều. Giai đoạn “Ideation” là giai đoạn khiến nhóm mình phấn khích nhất nhờ số lượng ý tưởng mà quá trình tư duy nhanh (brainstorm) tập hợp được. Trước tiên, mỗi thành viên nhóm sẽ dành thời gian ngắn để ghi nhanh tất cả các ý tưởng xuất hiện trong đầu lên giấy ghi chú (Stickynotes), sau đó xoay vòng mỗi người sẽ có 30 giây để giải thích ý tưởng cho nhóm trước khi dính nó nên một tấm bảng chung. Thật không ngờ, chỉ trong vòng 60 phút các ý tưởng đã phủ kín và nhóm bắt đầu tiến hành phân loại thành từng cụm ý tượng chia sẻ nhiều điểm tương đồng. Từ các cụm này, ba giải pháp thuyết phục nhất sẽ được đúc kết để sau đó phân tích tính khả thi (cũng như khả năng ảnh hưởng) cùng tính phức tạp (chi phí thực thi). Cuối cùng chỉ có một giải pháp hòa hợp nhất được chọn dựa trên bình bầu của cả nhóm.
Giải pháp chính của nhóm mình là tạo một hệ thống gắn kết công dân (citizen engagement system) tích hợp bao gồm:
- Tương tác số (digital) – Các công dân trong thành phố sẽ tham gia đóng góp ý kiến thông qua việc dùng điện thoại thông minh tương tác trực tiếp với hệ thống mã QR Code (sẽ được đặt rải rác khắp thành phố) hoặc tương tác bằng tay trực tiếp trên màn hình cảm ứng (như các màn hình phản hồi được đặt ở sân bay Changi)
- Tương tác vật lý (physical) – tạo dựng các không gian mở tùy biến có thể dựng ở bất cứ nơi nào trong thành phố(flexible pop-up space) (như siêu thị, công viên, bảo tàng …) nơi mà công dân cùng những người liên quan (chính quyền) có thể đến (hoặc được mời) để chia sẻ, thảo luận và tham gia góp tiếng nói cho các quyết định quan trọng (hoặc nóng) của thành phố.
Quá trình tạo dựng mẫu (Prototyping) và thử nghiệm (Testing) đã giúp mình khám phá ra nhiều khả năng đặc biệt của các thành viên trong nhóm. Bryony là người có khả năng mô hình hóa mọi thông tin thành hình vẽ và bảng biểu thu hút đúng chất nghệ sĩ. Nhờ vậy nhóm nhanh chóng vượt qua các “Gate” dễ dàng. Jan quả thật là một người thực thi tuyệt vời, chỉ sau vài phút khi chốt ý tưởng cuối, Jan đã tạo nhanh một mock-up (bản vẽ sơ bộ) cho website cùng demo của “chat-bot” (từ Messenger) để kết nối với mã QR. Do vậy nhóm đã có được một phiên bản thử nghiệm mẫu (demo prototype) để kiểm tra ngay “người dùng”. Mansi và Guglielmo là một người thận trọng và kĩ càng, luôn chất vất nhóm ở những điểm còn nhiều mẫu thuẫn và mơ hồ. Tiến sĩ Cathrin và mình thì hệ thống hóa (lãng mạng hóa) “tầm nhìn” của ý tưởng bằng cách dùng một bản đồ thực tế của thành phố Bombay, Ấn Độ để minh họa ý tưởng. Sau đó mở rộng ý tưởng bằng cách tạo dựng một hệ thống đánh giá mức độ gắn kết công dân nền sơ bộ phía sau (citizen engagement credit & rewarding system). Để thử nghiệm ý tưởng, nhóm quyết định sẽ chuyển hóa phòng họp của nhóm thành một pop-up space thực tế để mời bộ phận điều phối của Unleash đến trải nghiệm. Song song với đó, một loạt các mã QR Code (gắn với hệ thống chat-bot thu thập thông tin users từ Facebook) sẽ được in ấn và dán rải rác ở những nơi tụ tập đông người ở bên trong trường NUS và NTU (campus) để đánh giá mức độ quan tâm của “người dùng” trong trường. Để có thể đảm bảo theo sát hướng dẫn trong cẩm nang và đi đến bài thuyết trình 3 phút cuối cùng nhóm mình làm việc rất “khắc kỷ” và hầu như mỗi ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng, một phòng lab căng thẳng và khắc nghiệt.
Mặc dù ý tưởng của nhóm mình được bộ phận điều phối đánh giá cao về khả năng thực thi (feasibility) nhưng đã không dành chiến thắng chung cuộc trước một giải pháp khác gắn với vấn đề thực tế ở châu Phi. Đây quả là bài học quan trọng trong cách tiếp cận vấn đề. Nhìn lại chặng đường đã đi qua ở UNLEASH, mình thực sự cảm ơn những dòng chảy cơ hội đã đưa mình đến đây. Xin cảm ơn lời giới thiệu của One Young World, nhờ đến Singapore mình kết nối được với nhiều người bạn mới nhưng cũng có cơ hội gặp lại những người bạn cũ từ One Young World ở Bangkok hay Bogota, YSEALI hay Global Shapers. Việc tiếp nhận kiến thức (hay trí tuệ) nhân loại và mở rộng thế giới quan thực sự có ý nghĩa quan trọng với mình vì không gì tệ hại hơn khi để tâm trí mình ngụp lặn trong ao làng của giáo điều và sự vô minh. Những người bạn ở UNLEASH đã giúp mình hiểu rõ hơn về góc nhìn hạn hẹp của bản thân, về giá trị của sự khiêm tốn và sức mạnh nội tại. Những khoảng khắc đẹp nhất ở UNLEASH không phải là việc mình có cơ hội gặp được những người nổi tiếng như thế nào (như chủ tịch Singapore Halimah Yacob, cựu tổng thống Đông Timor, người đoạt giải Nobel hòa bình Jose Ramos-Horta hay Robot Sophia) mà là ở những người gần gũi nhất với mình ở UNLEASH. Mình sẽ nhớ mãi khoảng khắc cả nhóm cùng ăn tối ở một nhà hàng Mễ (khu Clarke Quay) để thảo luận về những ý tưởng đầu tiên, nơi sự gắn kết của nhóm bắt đầu. Mình sẽ nhớ khoảng khắc sau buổi họp căng thẳng, Jan kêu mình ra một góc riêng để xin lỗi mình vì trong lúc tranh luận đã mất kiểm soát cảm xúc. Mình cũng sẽ nhớ những buổi thảo luận ngoài lề với tiến sĩ Cathrin về sự đấu tranh “danh tính” của người Việt ở Đức hay những buổi chia sẻ tếu táo với team Việt Nam (Hồng Nhung Đặng Yến Vuong Minh Nguyen ). Có lẽ ấn tượng hơn cả với mình là khoảng khắc khi cả hội trường đứng dậy vỗ tay cho những ý tưởng táo bạo ở buổi chia sẻ ý tưởng (pitching) – nhiều sáng kiến đã chạm đến trái tim của nhiều unleasher như việc tạo dựng nhà vệ sinh tổ ong (SaniHive) cho các khu ổ chuột ở Nam Phi hay một ứng dụng (123+) kết nối cộng đồng LGBT+ ở các nước còn hình sự hóa cộng đồng này tới các nguồn lực hỗ trợ bên ngoài nhằm hỗ trợ nỗ lực thay đổi chính sách ở các nước đó.
UNLEASH đã giúp mình có một bộ khung để suy tư về các vấn đề đa dạng của thế giới cùng thách thức tìm kiếm giải pháp, một sự kiên trì sâu sắc đã được Charles Eames đúc kết: “Hãy chọn một cách làm hay cách lên tiếng của riêng của bạn, tiến hành nó một cách cẩn trọng, chăm chú và bằng cả trái tim của mình, chỉ có như vậy bạn mới có thay đổi thế giới quanh mình.”
#unleashlab2018