Vườn địa đàng đã không còn
Khi nhận giải thưởng The Crystal Awards tại hội nghị Davos 2019 (do Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Tổ Chức), nhà tự nhiên học nổi tiếng David Attenborough cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới: “Thời kỳ Holecene đã kết thúc. Vườn địa đàng của chúng ta cũng không còn (Eden)”. Holecene là tên gọi của một giai đoạn khí hậu ổn định kéo dài 12000 năm trước đó tạo điều kiện cho con người định cư, canh tác và kiến tạo ra các nền văn minh. Điều kiện lý tưởng trên đã giúp nuôi dưỡng trí não, phát triển thương mại toàn cầu, trao đổi ý tưởng và hàng hóa, đồng thời trao quyền thống trị thế giới tuyệt đối cho con người. Nhân loại đã thay đổi thế giới nhiều đến mức tạo ra một thời kỳ địa chất mới – The Anthropecene – Kỷ Nguyên Con Người (The Age of Humans).
Trong bộ phim “quan trọng” mới phát hành trên Netflix “Cuộc sống trên Hành Tinh Chúng Ta”, Attenborough nhấn mạnh lại cảnh báo trên đồng thời gửi một số thông điệp quan trọng cho thế hệ tương lai. Mở màn bằng những khu nhà và con phố hoang phế của Pripyat, một thành phố ma tọa lạc ở Ukraine (gần biên giới với Belarus) nơi gần 50 ngàn cư dân đã phải sơ tán vào cuối tháng 4/1986 do thảm họa hạt nhân Chernobyl gây ô nhiễm phóng xạ một khu vực rộng lớn trải trên ba nước Ukraine, Belarus và Nga – một nhân tai, nhà tự nhiên hồi tưởng lại cuộc đời mình. Ông cung cấp cho công chúng những con số biết nói. Thời điểm năm 1937, khi Attenborough còn là đứa trẻ – thế giới chỉ có 2,3 tỷ người, lượng carbon trong không khí là 280 (ppm – parts per million) và diện tích hoang dã chiếm đến 66% nhưng sau gần 80 năm hay một thế hệ – con số này đã thay đổi chóng mặt, cụ thể tại thời điểm 2020: dân số tăng lên 7,8 tỷ người, số carbon là 415ppm và diện tích hoang dã giảm chỉ còn 35%.
Hậu quả của quá trình khai thác tự nhiên vô độ vốn được bơm bởi thứ chủ nghĩa tiêu dùng (consumerism) thịnh hành toàn cầu đã đẩy nhiệt độ trung bình của thế giới hiện nay so với thời điểm Attenborough sinh ra đã tăng một độ C, lượng băng mùa hè ở vùng cực đã giảm 40% trong vòng 40 năm qua, nước ngọt toàn cầu giảm 80% (do đắp đập, ô nhiễm, khai thác sông hồ quá đà), chúng ta thay các khu rừng hoang dã bằng đất nông nghiệp vuông vắn (replacing the wild with the tame) việc đánh bắt thủy hải sản vô tội vạ đã đẩy 30% giống loài đến mức nguy cấp (critical levels), hàng năm con người chặt phá trung bình 15 tỷ cây xanh, 70% số lượng chim (birds) trên thế giới là gia cầm (chủ yếu là gà), con người chiếm 1/3 khối lượng động vật có vú toàn cầu (mà 60% trong đó là giống loài chúng ta nuôi để ăn thịt). Phần còn lại trong tự nhiên, từ chuột đến cá voi chỉ còn tồn tại một con số ít ỏi 4%.
Những thước phim hoang dã đầu tiên mà Attenborough làm trong thập niên 1950 được tiến hành trong một thế giới mà giống loài hoang dã chiếm đến một nửa địa cầu. Khi du hành xuyên khắp thế giới trong những chuyến đi đã thành huyền thoại, ông có cảm tưởng mình đang khai phá một thế giới tự nhiên chưa từng có ai chạm đến (untouched) – đó là một ảo ảnh. Những khu rừng, cách đồng, biển cả đã dần trở nên trống rỗng. Chúng ta đã phá hủy thế giới này và thế giới “phi con người” đã biến mất. Một kết cục không mấy tốt đẹp dành cho tất cả chúng ta sẽ ập đến nếu vẫn còn tiếp tục con đường “xóa bỏ tự nhiên/hoang dã” trong nhiều thập kỷ tới. Đây là bức tranh đen tối: rừng Nhiệt Đới Amazon bị chặt phá đến mức không còn tạo ra đủ độ ẩm và dần chuyển hóa thành thảo nguyên (savannah) gây ra thảm họa cho nhiều giống loài đồng thời ảnh hưởng đến vòng tuần hoàn nước toàn cầu (global water cycle). Cùng lúc đó băng ở hai cực địa cầu cũng không còn vào mùa hè (ice-free) khiến cho năng lượng mặt trời chiếu lên bề mặt khu này không được phản chiếu ngược về không gian góp phần vào tốc độ ấm lên toàn cầu. Một số vùng đất đóng băng ở phía bắc tan ra, giải phóng khí “hiệu ứng nhà kính” methane độc hại gấp nhiều lần carbon dioxide. Đại dương ngày càng nóng lên và tính acid cũng tăng theo – toàn bộ rặng san hô trên khắp thế giới sẽ chết. Số lượng cá toàn cầu nhanh chóng sụt giảm. Chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu rơi vào khủng hoảng khi đất đai trở nên bạc màu (exhausted) bởi quá trình khai thác quá độ (overuse). Côn trùng giúp cho việc thụ phấn cuối cùng tuyệt chủng. Thời tiết lúc này ngày càng trở nên không thể tiên đoán. Tới tầm những năm 2100, hành tinh chúng ta sẽ nóng lên 4 độ C, phần lớn diện tích trên trái đất trở nên không thể sinh sống, hàng triệu người trở thành vô gia cư. Sự kiện tuyệt chủng quy mô lớn thứ 6 (Sixth Mass Extinction) đang trên đà ám ảnh cư dân địa cầu.
Tuy nhiên chúng ta vẫn còn có hy vọng, Attenborough dành thời lượng 30 phút cuối phim xoáy sâu vào giải pháp duy nhất giúp cứu lấy nền văn minh nhân loại: khôi phục đa dạng sinh học (hay tái tạo lại diện tích hoang dã). Song song với tiến trình đó, phải đưa tất cả các quốc gia ra khỏi nghèo đói, cung cấp một nền tảng chăm sóc sức khỏe toàn diện, cải thiện giáo dục cho trẻ em gái – những yếu tố góp phần giúp nhân loại ổn định mà không khai thác quá trớn tự nhiên. Trước mắt, phải thúc đẩy năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, nước và địa nhiệt; đánh bắt có chiến lược (tạo không gian tái tạo cho thủy hải sản), chuyển sang sử dụng thịt có nguồn gốc thực vật (plant-based). Hãy học bài học tái tạo rừng của Costa Rica, Palau và canh tác nông nghiệp của Hà Lan. Nhìn những thước phim tự nhiên tuyệt đẹp do Attenborough ghi lại, chúng ta sẽ không khỏi xúc động, một chất xúc tác giúp nâng tầm nhận thức của công chúng dù ở ngành nghề nào về “biến đổi khí hậu – đa dạng sinh học” thứ mà ngay tại Việt Nam chúng đã và đang cảm nhận rõ. Thành phố Đà Lạt nơi mình sinh ra và lớn lên đã đô thị hóa đến không thể cứu chữa, từ sương mù lãng đãng hiền hòa đến những trưa nắng nóng không thua gì Sài Gòn hay mưa ngập ngay giữa trung tâm Cao Nguyên. Lũ lụt hàng năm ở miền Trung đang ngày càng cực đoan – nhìn biển nước mênh mông đổ ập xuống vùng đất quanh năm nghèo khó ai mà không khỏi chạnh lòng. Nhìn rộng ra hơn, các chính sách phát triển cục bộ của Việt Nam khó có thể thoát khỏi vòng cương tỏa của một thế giới toàn cầu hóa coi trọng tiêu thụ hay kim tiền do một số nền kinh tế lớn dẫn dắt (dù chính họ luôn ra rả về phát triển bền vững). Tương lai của một quốc gia đang phát triển “hơi hung hãn” như Việt Nam, đặc biệt giới trẻ, cần phải để tâm và chính sách hóa những lời cảnh báo của Attenborough.