Warren Buffet và cam kết cho đi
Thật thú vị khi lần theo những trang sách của Roger Lowenstein để khám phá cách xứ sở “giãy chết” nuôi dưỡng một nhân cách lớn lao như nhà tư bản huyền thoại Warren Buffet và những nền tảng cho chiến dịch nhân bản “The Giving Pledge” ra đời.
Sự thành công của Buffet ngoài các yếu tố cá nhân như hoàn cảnh gia đình, tương tác xã hội, nền tảng giáo dục, tư chất và triết lý của Buffet, đồng thời cũng phản ánh một nước Mỹ hào phóng với cơ chế sản sinh ra các nhà “tư bản hạng nặng” qua văn hoá “tích luỹ tài sản, tái đầu tư liên tục” kết hợp với một môi trường xã hội luôn đề cao trí tuệ, tài năng, bao dung với sáng tạo, tôn vinh sự đa dạng và thúc đẩy sự minh bạch. Câu chuyện của ông từ thuở hàn vi lúc còn là cậu bé “giao báo” đến khi trở thành một tỷ phú sừng sỏ của thế giới có lẽ cũng không thú vị bằng cách ông cho đi số tài sản khổng lồ của mình qua “The Giving Pledge”.
Ngày 5/5/2010 Buffet cùng với vợ chồng Bill Gates đã khởi đầu cho một chiến dịch mang tên “The Giving Pledge” qua đó ông kêu gọi các nhà tỷ phú Mỹ và trên thế giới cam kết cho đi ít nhất 50% tài sản của mình cho những mục đích lớn lao của nhân loại, bản thân ông đã làm gương bằng cam kết cho đi 99% tài sản của mình (Tất nhiên 1% của 73 tỉ đô cũng không phải là một con số nhỏ bé chút nào) cùng những thông điệp nhân văn mạnh mẽ (Tôi lược dịch từ lời kêu gọi/pledge của Buffet từ givingpledge.org):
” Năm 2006, tôi đã cam kết cho đi dần dần tất cả các cổ phiếu của tôi tại Berkshire Hathaway cho các tổ chức nhân đạo. Tôi không thể hạnh phúc hơn với quyết định đúng đắn đó của mình.
Bây giờ là lúc Bill và Melinda Gates cùng tôi kêu gọi hàng trăm những người giàu có tại Mỹ hãy cùng cho đi ít nhất 50% tài sản của mình cho những mục đích từ thiện. Tôi nghĩ đây là lúc thích hợp để tôi nhắc lại ý định của mình và giải thích nền tảng tư tưởng đằng sau chúng.
Trước tiên, đây là lời thỉnh cầu của tôi: hơn 99% tài sản của tôi sẽ dành cho các mục đích nhân đạo trong suốt cuộc đời tôi và sau khi tôi qua đời. Được đo lường bằng đô la, cam kết này thực sự rất lớn lao. Cũng có rất nhiều cá nhân đã cho đi rất nhiều mỗi ngày với cùng một niềm cảm hứng như trên.
Hàng triệu người đã cống hiến cho nhà thờ, trường học và các tổ chức khác nhau, họ từ bỏ việc dùng số tiền đó để mưu cầu cho lợi ích của riêng gia đình mình. Những đồng tiền mà họ rót vào các thùng quyên góp của nhà thờ/collection plate hoặc cho tổ chức United Way (một tổ chức từ thiện) đồng nghĩa với việc họ hy sinh việc xem phim, đi ăn tối bên ngoài với người thân và những thú vui cá nhân khác. Đối với gia đình chúng tôi thì ngược lại việc cho đi 99% không khiến chúng tôi phải từ bỏ những gì chúng tôi mong muốn.
Hơn nữa, lời kêu gọi này không khiến tôi phải từ bỏ thứ tài sản có giá trị nhất, đó chính là thời gian. Nhiều người, trong đó bao gồm ba đứa con của tôi đã sử dụng thời gian và tài năng của chúng cho việc giúp đỡ người khác. Món quà này có giá trị lớn lao hơn tiền bạc gấp nhiều lần. Một đứa trẻ gặp khó khăn được đối xử tốt và được nuôi dưỡng bởi một người hướng dẫn tận tuỵ là một món quà có giá trị vượt xa những gì làm được với một tấm séc. Chị của tôi, Doris hàng ngày mở rộng mạng lưới người giúp đỡ người và tôi tự hào góp phần nhỏ cho công việc của chị.
Những gì tôi có thể làm bây giờ là lấy các chứng chỉ cổ phiếu của Bershire Hathaway (claim checks) mà khi chúng chuyển thành tiền mặt có thể yêu cầu những nguồn lực vượt xa bản thân chúng và cam kết đem lại lợi ích cho người khác, những người thiểu số (luck of the draw) đã phải chịu số phận kém may mắn (short straws). Ngày nay gần 20% cổ phần của tôi đã được phân phối (bao gồm cả cổ phần của người vợ quá cố của tôi Susan Buffet). Tôi vẫn tiếp tục cho đi 4% cổ phần mà tôi nắm giữ hàng năm. Cuối cùng tất cả các cổ phần của Bershire Hathaway sẽ được mở rộng cho các mục đích nhân đạo trong vòng 10 năm sau khi tài sản của tôi đã ổn định. Sẽ không có bất kì đồng tiền nào được dùng cho đầu tư lấy lời, tôi muốn chúng phải được chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu hiện tại.
Lời kêu gọi này sẽ không ảnh hưởng đến phong cách sống của tôi cũng như các con tôi. Chúng đã nhận đủ cho nhu cầu cá nhân và còn nhận nhiều hơn trong tương lai. Chúng đã sống một cuộc sống thoải mái và năng suất. Và bản thân tôi sẽ tiếp tục sống theo cách mà chúng vốn vẫn dành cho tôi những thứ mà tôi mong muốn.
Có rất nhiều thứ làm cho cuộc đời trở nên thoải mái thú vị hơn, rất rất nhiều, tuy nhiên cũng có lúc không hẳn như vậy. Tôi muốn có một chiếc máy bay cá nhân đắt tiền nhưng sở hữu một nửa tá các ngôi nhà có thể là một gánh nặng thực sự. Thông thường, một lượng lớn vật được sở hữu cuối cùng sẽ sở hữu lại chủ nhân của nó. Những tài sản có giá trị nhất đối với tôi đó là: sức khoẻ, niềm đam mê, sự đa dạng và những người bạn chí cốt lâu năm.
Khối tài sản của tôi đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố: may mắn được sinh ra và sống ở nước Mỹ, có một gen may mắn, và việc thấu hiểu sức mạnh của lãi kép. Cả tôi và các con tôi đã chiến thắng cái mà tôi gọi là một cuộc sổ số buồng trứng/ovarian lottery. (Lúc ban đầu, tỉ lệ sinh diễn ra trong những năm 1930 là 1 trên 30. Việc sinh ra là đàn ông và là người da trắng cũng loại bỏ rất nhiều rào cản mà đa số người Mỹ phải đối diện).
Sự may mắn của tôi lại càng được tăng cường bởi tôi được sống trong một hệ thống thị trường mà thỉnh thoảng sản sinh ra những kết quả méo mó, mặc dù tựu chung lại chúng phục vụ rất tốt cho đất nước chúng ta. Tôi đã làm việc trong một nền kinh tế tưởng thưởng cho những ai cứu lấy mạng sống của nhiều người trong một trận chiến bằng những tấm huy chương, tưởng thưởng cho những người giáo viên tuyệt vời với lời ghi chú cảm ơn từ cha mẹ nhưng cũng tưởng thưởng mạnh mẽ cho những ai có thể nhạy cảm với những sai lệch về giá của chứng khoán mà tổng của chúng có thể đạt đến hàng tỉ đô la. Tóm lại, sự phân phối của những số phận may mắn như tôi (long straws) thì thất thường một cách kinh khủng.
Cách đáp trả của gia đình chúng tôi và tôi tới khối tài sản này không phải là một sự hối lỗi vì tước đi niềm may mắn của người khác, mà nhiều hơn là một sự biết ơn. Việc chúng tôi có sử dụng hơn 1% số séc cam kết cũng không làm chúng tôi hạnh phúc hơn hay cuộc sống của chúng tôi được cải thiện. Mà ngược lại, 99% có thể tạo nên ảnh hưởng vô cùng to lớn tới sức khoẻ và phúc lợi của nhiều người khác. Thực tế đã đặt ra một vấn đề rõ ràng cho tôi và gia đình tôi: nhận thức được là mình cần giữ những gì cần thiết nhất và dành tất cả phần còn lại cho xã hội và những yêu cầu cấp bách của nó. Lời kêu gọi của tôi khiến chúng tôi phải tập trung cho mục tiêu đầy ý nghĩa đó.
Warren Bufet”
Trong vòng năm năm từ 2010 – 2015 Chiến dịch The Giving Pledge đã kêu gọi được gần 142 tỷ phú trên khắp thế giới tham gia trong đó có những tên tuổi lẫy lừng như vợ chồng Mark Zuckerberg, Elon Musk, Richard Brandson, Larry Ellison … với tổng giá trị tài sản gần 708 tỉ đô bằng hai cam kết đầy sức mạnh:
* Truyền cảm hứng cho những buổi trao đổi và thảo luận nhắm thúc đẩy hành động cho những mục đích cao cả và những đích đến phi thường của nhân loại
* Kết hợp các cá nhân kiệt suất để cùng nhau trao đổi cách thức sử dụng khối tài sản lớn lao của nhân loại vào những mục đích đúng đắn nhất.
Có thể nói The Giving Pledge là một quỹ “nhân đạo” lớn nhất thế giới có khả năng ảnh hưởng và giải quyết các vấn đề toàn cầu như: cuộc chiến chống ung thư, tài trợ cho các trường học và thư viện cho người Do Thái, xây nhà cho trẻ em mồ côi ở Châu Phi, giúp đỡ các nạn nhân vùng bị thiên tai như Haiti, giải cứu các phụ nữ Thái Lan khỏi hoạt động mại dâm, bảo trợ cho các hoạt động nghệ thuật … Thông qua hành động cụ thể, The Giving Pledge muốn lan toả thông điệp nhân văn tốt đẹp và kết nối tất cả các tỉ phú trên thế giới cùng chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên điều này là hoàn toàn không dễ dàng, bởi thực tế các cá nhân khác nhau có tư duy khác nhau về cách sử dụng khối tài sản của mình, đặc biệt là ở các nước châu Á với tư tưởng “vinh thân phì gia” còn nặng nề. Suy cho cùng họ sẽ lo lắng liệu điều gì sẽ xảy ra nếu việc kinh doanh đột nhiên gặp khó khăn, số phận tương lai con cái mình sẽ ra sao, số tiền đó lẽ ra nên dùng để tái đầu tư và xây dựng doanh nghiệp liên tục. Cuối cùng tại sao tôi phải tham gia một sản phẩm từ thiện “Made in America”.
Buffet và Gates tin rằng The Giving Pledge có thể truyền cảm hứng tới những người giàu có rằng hãy vượt lên những lợi ích cá nhân và hướng tới xã hội, cùng kiến tạo một thế giới có trách nhiệm hơn như Tỷ phú dầu gội John Paul De Joria chia sẻ: ” Cái tạo ra điều kì diệu này là sức mạnh của một nhóm người có thể truyền cảm hứng cho rất nhiều người khác. Mỗi người đều có lựa chọn của riêng mình. Chúng tôi biến con cái thành tỷ phú hay làm chúng hư hỏng. Hoặc chúng ta có thể nhận ra niềm hạnh phúc khi mang đến hạnh phúc cho người khác.” Sau khi tham dự buối tối Pledge tại California vào tháng 5/2009 để nghe chia sẻ của Buffet và Bill ông và vợ đã quyết định cùng tham gia chung tay góp sức. Việc “tiêu tiền” quả thật cũng cần cả một trí tuệ lớn và hệ triết lý dẫn đường.
Truy cập vào trang web của chiến dịch givingpledge.org và đọc những lời cam kết đạo đức của các tỷ phú trên thế giới (Những cam kết này không bị ràng buộc về pháp luật) cũng là cách để chúng ta cảm nhận một không khí lạc quan, tràn ngập hy vọng cho thế giới nhỏ bé, mong manh này. Nhưng đồng thời qua đó khi phóng chiếu với tư tưởng của tư bản “xanh đỏ” xứ “thiên đường hạnh phúc” chúng ta chắc sẽ mơ màng tự hỏi liệu mình đã đóng góp được gì cho tiến trình “nhân bản” toàn cầu trên bên cạnh sự ô trọc, lai căng và lố bịch. Đôi dòng khai bút cho ngày đầu năm 2016 về cách “tiêu tiền” của các tỷ phú thế giới, hy vọng các bạn sẽ có được những góc nhìn thú vị.