Xung đột Israel - Palestine

[Chia sẻ] [Steve Trần]

Anh Steve Trần, một nhà đầu tư đang sinh sống và làm việc ở Đức, đã dành rất nhiều tâm huyết lược sử lại quá trình hình thành nên xung đột gay gắt hiện tại giữa Israel và Palestine, vùng đất anh từng du hý khi còn trẻ. Bài viết dưới đây lướt qua các lát cắt lịch sử để đào sâu hơn vào nguồn cơn xung đột, đồng thời phác họa bức tranh đầy thăng trầm của khu vực thánh địa gắn với ba tôn giáo lớn Hồi Giáo, Do Thái Giáo và Công Giáo. Nhiều cứ liệu lịch sử và hình ảnh quý giá cũng được chia sẻ.

Phần I: Khởi phát xung đột

Xung đột giữa Israel và Palestine rất phức tạp, nhưng giới truyền thông thường thiên vị, tùy theo phe mình chọn. Truyền thông khối Ả Rập và các nước như Trung Quốc, Việt Nam thường bênh vực Palestine. Vài năm trở lại đây, một số báo Việt Nam bắt đầu có bài bênh Israel. Truyền thông phương Tây thường đứng về phía Israel. Để tránh thiên kiến nên đọc thông tin nhiều chiều.

Vùng đất Thánh ở Trung Đông này là khởi thủy của 3 tôn giáo độc thần Do Thái, Thiên Chúa và Hồi giáo, có cùng một sáng tổ là Abraham. Vùng đất này có nhiều dân tộc cùng chung sống, người Ai Cập, người Canaan, Judea, Ba Tư và thậm chí có cả dòng máu của Thành Cát Tư Hãn nơi đây. Ranh giới chính trị cũng như đế chế cai quản khu vực này biến đổi liên tục trong suốt mấy nghìn năm lịch sử. Người Do Thái bị người La Mã trục xuất khỏi vùng đất này cách đây gần hai thiên niên kỷ, cho đến giữa thế kỷ 20, cả hai dân tộc đều không có quốc gia riêng.

Abraham và các thiên thần

Xung đột Israel- Palestine chỉ mới xuất phát từ đầu thế kỷ 20, còn trước đó họ đều cùng nằm dưới sự thống trị của các đế chế như Ai Cập, Babylon,  Ba Tư, La Mã, Ottoman ... Dưới thời Đế quốc Ba Tư, Cyrus Đại đế đã  giải phóng người Do Thái thoát khỏi cảnh lưu đày ở Babylon, cho phép họ trở về Jerusalem cũng như cho phép đạo Do Thái giáo được tự do lưu hành và truyền bá bên cạnh Bái hỏa giáo (Zoroastrianism). Khoảng 4 thế kỷ trước, bạo chúa “Selim hà khắc” (Selim I - vị vua thứ 9 của đế quốc Ottoman, trị vì từ năm 1512 đến 1520) đã mở rộng lãnh thổ sang Trung Đông, sát nhập cả 3 thánh địa linh thiêng nhất của Hồi giáo Mecca, Medinah,  Jerusalem vào đế quốc Ottoman. Ngày 29/12/1516 “Selim hà khắc” Yavuz Sultan tiến quân vào Jerusalem. Người Do Thái cũng như Palestine cùng chung sống dưới sự cai trị của đế quốc Ottoman suốt bốn thế kỷ.
Cũng vào tháng 12 sau 401 năm, ngày 9/12/1917, thống đốc Ottoman cai quản vùng đất Jerusalem đầu hàng quân đội Anh, chấm dứt thời kỳ cai trị của Ottoman ở xứ này. Lịch sử bắt đầu sang trang từ đây. Mọi sự xung đột sau này và rắc rối cho đến ngày nay chính là sự phân chia lãnh thổ của đế quốc Ottoman sau Thế chiến thứ I.

Sáng ngày 9 tháng 12 năm 1917, Thị trưởng Jerusalem, Hussein Salim Al-Husseini (người cầm ba toong), và một số quan chức Jerusalem bao gồm cháu trai Toufiq Saleh Al-Husseini, thanh tra cảnh sát Abdelqadir Al-Alami và Ahmad Sharaf (thứ 2 từ bên phải), cảnh sát Hussein Al-Assaly và Ibrahim Al-Zaanoun, Rushdi Mohamed Al-Muhtada, Jawad Ismail Al-Husseini và Hanna Iskandar Al-Lahham mang theo cờ trắng ra ngoài cổng thành Jerusalem chuyển thư đầu hàng do Thống đốc Ottoman Izzat Pasha ký. Các trung sĩ James Sedgewick và Frederick Hurcomb (thứ 4 và thứ 7 từ trái sang) của Tiểu đoàn 2/19 thuộc Trung đoàn London do Tướng Sir Edmund Allenby chỉ huy.

Nội dung bức thư đầu hàng như sau:

"Do sự khủng khiếp của cuộc vây hãm thành phố và sự khổ đau mà đất nước yên bình này phải chịu đựng từ những khẩu pháo hạng nặng chết chóc của các ngài, thứ có thể phá hủy thánh địa. Điều này buộc chúng tôi phải giao lại thành phố thông qua ông Hussein al-Husseini, thị trưởng Jerusalem. Hy vọng các ngài sẽ bảo vệ Jerusalem như cách chúng tôi đã bảo vệ nó trong hơn năm trăm năm qua."

Sắc lệnh được ký bởi Izzat, Mutasarrif của Jerusalem. Ảnh chụp bởi một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi tên là Lewis Larsson, người sau này trở thành Lãnh sự Thụy Điển tại Palestine.

Trang nhất tờ New York Herald ngày 11 tháng 12 năm 1917 giật tít "Jerusalem đã được người Anh giải cứu sau 673 năm bị Hồi giáo cai trị", tít nhỏ bên dưới “hân hoan trở lại với thế giới thiên chúa”

Phần II: Khởi nghĩa Bar Kokhba & sự li tán của người Do Thái

Năm 132 sau công nguyên, giáo sỹ Simon Bar Kokhba lãnh đạo người Do Thái nổi dậy chống lại Đế quốc La Mã. Cũng giống như những lần khác kể từ cuộc Chiến tranh Do Thái-La Mã lần thứ nhất năm 70 SCN cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, nhưng lần này Hoàng đế La Mã Hadrianus trong cơn thịnh nộ đã xóa tên Judea khỏi bản đồ và thay thế nó bằng tên Syria Palaestina với nỗ lực xóa bỏ ký ức về Judea, "cắt đứt mối liên hệ của người Do Thái với quê hương lịch sử tổ tiên”, cấm người Do Thái đến Jerusalem, cấm giảng đạo, tuyên truyền Kinh Torah, cấm tổ chức những nghi lễ cũng như các hoạt động tôn giáo, thậm chí cấm cả cắt bao quy đầu, lẫn ngày Shabbat (thứ Bảy trong tuần - ngày nghỉ theo quan điểm của người Do Thái)...

Cuộc khởi nghĩa Bar Kokhba cũng là cuộc nổi dậy cuối cùng của người Do Thái với 580,000 người Do Thái tử trận, sau đó nạn đói và dịch hạch cướp thêm vô số nhân mạng nữa, tù nhân chiến tranh Do Thái bị bán làm nô lệ. Các cộng đồng Do Thái ở Judea bị lưu đày và tàn sát đến mức mà một số học giả Do Thái nhận định chẳng khác gì một cuộc diệt chủng. Người Do Thái tị nạn khắp nơi một số chạy sang châu Phi, phần đông chạy sang châu Âu. Ngày lễ đốt lửa Lag BaOmer của người Israel ngày nay chính là để tưởng niệm cuộc Khởi nghĩa Bar Kokhba chống lại Đế quốc La Mã và là “biểu tượng tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc Do Thái".

Đây là lý do tại sao người Do Thái bị lưu đày và vùng đất này bị đổi tên là Palestine dẫn đến nhiều người cho rằng người Do Thái chiếm đất của người Palestine.

Chủ nghĩa bài Do Thái và Chủ nghĩa phục quốc Do Thái

Sau nhiều thế kỷ ly tán, các cộng đồng người Do Thái hòa nhập và phát triển tốt trong lòng các nước khác nhưng lại luôn khác biệt và không bao giờ để mất bản sắc Do Thái. Dân tộc Do Thái mặc dù ít nhưng không bị đồng hóa, vẫn giữ được đạo, các phong tục truyền thống, hoàn toàn khác biệt với dân bản địa. Vào Thế kỷ 18-19, người Do Thái ở châu Âu, Mỹ đạt được đỉnh cao, có địa vị xã hội, tạo được ảnh hưởng đáng kể trong chính trường. Kinh tế nhiều quốc gia do người Do Thái kiểm soát. Họ cũng nắm trong tay nhiều ngân hàng và chi phối hoạt động tài chính từ châu Âu cho đến tân thế giới (Hoa Kỳ) và các thuộc địa mới (Ấn Độ, Châu Phi). Người Do Thái giàu có và có cuộc sống tốt hơn nhiều so với người bản địa. Họ thuộc tầng lớp cao trong xã hội. Các gia tộc Do Thái có quyền lực khuynh đảo quốc gia, “buôn vua”, tài trợ cho chiến tranh, các cuộc chinh phạt của các công ty Đông Ấn (British East India) , Nam Phi (British South Africa Company) đến các vùng đất mới xâm chiếm làm thuộc địa như Ấn độ và Rhodesia (bây giờ là Zimbabwe).

Ví dụ như việc gia tộc Rothschild cho các con đi mở ngân hàng ở các quốc gia khác nhau, tài trợ chiến tranh cho tất cả các bên, thắng thì lãi còn thua thì triều đình mắc nợ. Nhà Rothschild tham gia từ các cuộc chiến của Napoléon ở châu Âu, chiến tranh Nga-Nhật, cho đến chiến tranh Bồ Đào Nha ở tận Brazil. Ví dụ như năm 1815, Jacob Rothschild, ở Paris, tài trợ cho quân đội Pháp của Napoléon trong khi Nathan Rothschild, ở London, tài trợ cho quân đội Anh của Wellington. Nhờ có thông tin tình báo của cả hai bên, có thông tin trước công chúng mà anh em nhà Rothschild kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ mua bán trái phiếu của cả hai bên, mua sạch ở đáy, bán tất ở đỉnh.

5 anh em nhà Rothschild

Ngoài gia tộc Rothschild còn rất nhiều gia tộc Do thái giàu có khác. Danh sách các gia tộc Do thái làm tài chính với ngân hàng thế giới liệt kê phải vài trang, tôi sẽ để đường link tại đây (Jewish Bankers khắp thế giới) để bạn nào quan tâm có thể tìm hiểu thêm.

Ở đây tôi chỉ điểm thêm một vài gia tộc Do thái nổi tiếng khác để mọi người có thể hình dung sức mạnh của người Do Thái vào thời điểm đó thế nào.

  • Anh quốc có Sir Ernest Cassel chủ ngân hàng nhà đầu tư vào Ai Cập, giúp Anh kiểm soát kênh đào Suez, bạn thân của Vua Edward VII , thân đến nỗi được giới quý tộc Anh gọi nickname "Windsor Cassel", thường xuyên gặp gỡ các thủ tướng Anh như H. H. Asquith và Winston Churchill.
  • Pháp có gia tộc Bischoffsheims, Pereires vào thời kỳ này giầu có ngang ngửa nhà Rothschild
  • Đức ( Phổ) có gia tộc Bethmann (Frankfurt) , gia tộc Mendelssohn (Berlin), gia tộc Warburg (Hamburg) (thành viên gia đình sau là kiến trúc sư trưởng của Cục Dữ Trữ Hoa Kỳ).
  • Mỹ có gia tộc Seligmans với ngân hàng ở Anh, Pháp, Đức, Mỹ, người đã tài trợ cho phe Liên bang miền Bắc trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ $200 triệu, một con số khủng khiếp vào thời điểm 1860s. Chính phủ mắc nợ và sau tổng thống Ulysses S. Grant giao cho Joseph Seligman chức Bộ trưởng ngân khố Hoa Kỳ.
  • Gia tộc Lazard chủ ngân hàng đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới có trụ sở ở Mỹ, Anh, Pháp
  • Jacob H. Schiff chủ một loạt ngân hàng như Wells Fargo & Company, National City Bank of New York, hãng bảo hiểm Equitable Life Assurance Society, công ty hỏa xa Union Pacific Railroad
  • Hai gia tộc Morgan & Stanley với các ngân hàng JP Morgan và Morgan Stanley quá nổi tiếng rồi
  • Hai gia tộc Goldman & Sachs
  • Các gia tộc Merrill, Lynch, Pierce, Fenner & Smith với ngân hàng Merrill Lynch
  • Gia tộc Safra với ngân hàng ở Li băng, Brazil, Hoa Kỳ và Thụy Sĩ

Với tài chính tốt, giáo dục tốt, các gia tộc Do Thái phát triển và nâng đỡ cộng đồng doanh nghiệp Do Thái đúng vào thời kỳ cách mạng công nghiệp nên có thể nói người Do Thái tuy chiếm tỉ trọng ít trong dân số nhưng lại kiểm soát phần lớn tất cả những thứ trọng yếu của nhiều quốc gia từ mạch máu tài chính cho đến công nghiệp, kinh tế và thương mại. Mạng lưới thông tin của người Do Thái lại tốt vì họ phân bố khắp nơi nên có thể nói họ cũng làm chủ thông tin ở cái thời chưa có mạng Internet.

Nam tước Edmond Benjamin James de Rothschild cử chuyên gia từ các Chateau của nhà Rothschild ở Pháp sang khu định cư Do thái đầu tiên ở Palestine thành lập trang trại rượu vang lấy thương hiệu Con Lạc Đà (Carmel) rồi xuất khẩu sang Mỹ. Giới đại gia Do Thái ở Mỹ nhập hết và mọi lợi nhuận đều được tái đầu tư vào các khu định cư của người Do Thái ở Palestine. Nếu để ý các bạn sẽ thấy tất cả các công ty này từ ông trồng nho, làm rượu ở Trung Đông cho đến ông nhập khẩu rượu nho ở New York, Mỹ đều dùng chữ Palestine nhưng họ đều là người Do Thái. Đối với họ, Palestine chỉ là tên địa danh vùng đất, chứ không có nghĩa là nước Palestine như nhiều người hiểu lầm và đây cũng không phải công ty của người Palestine Ả Rập.
Nam tước Edmond Benjamin James de Rothschild không chỉ mua đất của đế quốc Ottoman mà còn cử chuyên gia, cán bộ quản lý sang đào tạo hướng dẫn những người định cư để bảo đảm họ trụ vững được.Ảnh : nam tước Edmond Benjamin James de Rothschild và những người định cư Do Thái ở Rishon LeZion, Palestine trong Đoàn định cư hồi cố hương đầu tiên (First Aliyah)

Chính những điều này dẫn đến sự xung đột giữa dân bản xứ và người nhập cư, dân ăn nhờ ở đậu Do Thái. Chủ nghĩa bài Do Thái, cho rằng nguyên nhân của nền kinh tế èo uột, sự nghèo khó là do người Do Thái. Chủ nghĩa dân tộc và phong trào bài xích Do thái xuất hiện ở khắp châu Âu. Đầu tiên là phân biệt chủng tộc, khủng bố ở Pháp, Áo-Hung, rồi đến các cuộc tàn sát người Do Thái ở Đế quốc Nga, và diệt chủng ở Đức sau này.

Năm 1853, bá tước người Pháp Arthur de Gobineau, một người nhận mình thuộc giới tinh hoa và chủng tộc thượng đẳng, tác giả của “Bài luận về sự bất bình đẳng giữa các chủng tộc” (Essai sur l'inégalité des races humaines), cho rằng có sự khác biệt về trí tuệ giữa các chủng tộc. Gobineau chia loài người thành ba nhóm chính, da trắng, da vàng và da đen, trong đó chủng tộc da trắng là ưu việt hơn cả. Trong số các chủng tộc da trắng, chủng tộc Aryan là đỉnh cao của sự phát triển loài người.

“Bài luận về sự bất bình đẳng giữa các chủng tộc” (Essai sur l'inégalité des races humaines) năm 1853 của bá tước người Pháp Arthur de Gobineau cho rằng chủng tộc da trắng Aryan là thượng đẳng

Năm 1879, Wilhelm Marr, người Đức đã xuất bản “Con đường dẫn đến chiến thắng của chủ nghĩa Đức trước Do Thái” (Der Weg zum Siege des Germanenthums über das Judenthum) cho rằng sự tự do, dễ dãi của người Đức đã tạo điều kiện cho người Do Thái kiểm soát nền kinh tế, tài chính và công nghiệp của Đức. Người Đức cũng không thể đồng hóa được dân Do Thái cho nên cuộc đấu tranh giữa người Đức và Do Thái sẽ chỉ được giải quyết bằng chiến thắng của người này và cái chết của người kia. Nếu để người Do Thái chiến thắng chắc chắn sẽ dẫn đến việc kết liễu dân tộc Germaniae. Để ngăn chặn điều này xảy ra, Marr thành lập Liên đoàn Bài Do Thái (Antisemiten-Liga) chống lại mối đe dọa của người Do Thái với chủng tộc Đức và buộc người Do Thái phải rời khỏi nước Đức.
Sau này có anh H cũng viết quyển “Cuộc đấu tranh của tôi” (Mein Kampf) và “giải pháp cuối cùng”, lùa người Do Thái vào các trại tập trung.

Ở Mỹ, chính nhà Hilton chủ tập đoàn Hilton bây giờ đã từng cấm cửa người Do Thái bước vào khách sạn của họ kể cả những gia tộc chủ ngân hàng như Seligmans chỉ đơn giản vì là người Do Thái. Tờ Thời báo New York Times, ngày 19 tháng 6 năm 1877, đã đăng một bản tin in hoàn toàn bằng chữ viết hoa:

Quy tắc mới của khách sạn Grand Union
Cấm cửa người Do thái, không có ngoại lệ kể cả ông chủ ngân hàng Seligman và gia đình
Ông Hilton cũng muốn gửi thông báo này đến tất cả bạn bè của ông Seligman

Chủ nghĩa Phát xít cũng phát triển ở Hoa Kỳ, đảng quốc xã đã từng tổ chức đại hội ở Mỹ. Chủ nghĩa bài Do Thái, đã dẫn đến phong trào gọi là chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Zionism) vào cuối thế kỷ 19. Phong trào này kêu gọi người Do Thái trở về vùng đất Thánh Jerusalem, nơi được coi là quê hương tinh thần của họ. Bắt đầu từ năm 1881, một số chủ ngân hàng, những người Do Thái giầu có đã quyên tiền ủng hộ để mua đất đai thuộc đế chế Ottoman từ những người Thổ và Ả Rập. Những cuộc di cư về cội hay còn gọi là Aliyah (עלייה) đi theo tư tưởng phục quốc của người sáng lậpTheodor Herzl , một người Áo gốc Do Thái. Năm 1896, Herzl xuất bản cuốn Der Judenstaat (Quốc gia Do Thái), trong đó kêu gọi thành lập một nhà nước Do Thái.

Sau khi người Do Thái đã lập nên những khu định cư ở Palestine và số lượng người Do Thái di cư về cội ngày càng tăng đã bắt đầu nảy sinh căng thẳng giữa cộng đồng người Do Thái và người Ả Rập. Kể từ những năm 1880s có rất nhiều chuyến trở về Đất Thánh Aliyah, đỉnh điểm là sau vụ diệt chủng người Do thái trong thế chiến thứ II và sự ra đời của nhà nước Do Thái Israel năm 1948.

Theodor Herzl và cuốn Quốc gia Do Thái (Der Judenstaat ) lần đầu tiên đem đến khái niệm quốc gia cho những người Do Thái kể từ khi lưu đày.
Home :: The Rothschild Archive
Website lưu trữ của gia tộc Rothschild Có nhiều tài liệu của gia tộc từ xa xưa, đọc thư trao đổi giữa các chi nhánh ở các nước, các thương vụ đầu tư thương mại, tài trợ chiến tranh, “buôn vua”, mới thấy họ có tầm nhìn vượt thời đại và khác biệt thế nào. Cực thú vị cho bạn nào thích lọ mọ tìm hiểu.
Edmond James de Rothschild (1845-1934) | Rothschild Family
Vụ Nam tước Edmond James de Rothschild, nhà bảo trợ cho Phong trào về cội Aliyah, người đã mua đất từ đế quốc Ottoman để làm nợi định cư đầu tiên của người Do Thái tại Palestine. Ông đặt tên vùng đất này là Rishon LeZion lấy từ tích trong sách thánh Isaiah có nghĩa là "Trước hết phải đặt chân lên đất Zion rồi sau đó sẽ đến Jerusalem". Rishon LeZion là thành phố lớn thứ 4 ở Israel.
Contact Us ‹ FAQs :: The Rothschild Archive
Vụ đầu tư tài chính nổi tiếng cho trận đánh kinh điển Waterloo trong lịch sử chiến tranh cũng được nhắc trên trên website lưu trữ của nhà Rothschild
Seligman 1877 - Newspapers.com
Clipping found in Chicago Tribune in Chicago, Illinois on Jun 19, 1877. Seligman 1877
Bài trên báo Chicago Tribune về vụ Hilton và Seligman ngày 19 tháng 6 năm 1877

Phần III: Sự phân chia lãnh thổ Ottoman và vùng ủy trị Palestine

Đế quốc Ottoman là đế quốc Hồi giáo lớn nhất trong lịch sử với lãnh thổ rộng khắp 3 châu lục Á, Âu, Phi. Thổ Nhĩ Kỳ được nằm ở vị trí chiến lược ngã ba của thế giới lúc bấy giờ (chưa tìm ra châu Mỹ và châu Đại dương), là trung tâm của thế giới, nơi giao thoa, tương tác của các nền văn minh phương Đông và phương Tây trong suốt sáu thế kỷ.

Đầu thế kỷ 20, sau nhiều thế kỷ thịnh vượng và yên bình, đế quốc Ottoman bắt đầu suy yếu, lạc hậu. Các cường quốc phương Tây với các cuộc cách mạng công nghiệp trở nên phát triển. Ottoman bị đánh bại nhanh chóng trong cuộc chiến tranh Balkan (1912-1913) và mất một lãnh thổ lớn toàn bộ bán đảo Balkan.

Đến Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) Ottoman lại thua cuộc, khởi đầu cho sự tan rã của đế chế. Tháng 11 năm 1918, quân Anh, Pháp, Ý tiến vào chiếm lại Constantinople, nơi từng được coi là kinh đô của đế chế Thiên Chúa giáo La Mã sau nhiều thế kỷ bị quân Hồi giáo chiếm từ năm 1453.

Phe thắng trận chia chác chiến lợi phẩm các vùng đất chiếm được, còn nói theo lịch sử bên thắng cuộc thì gọi là “sắp xếp lại trật tự thế giới”. Tứ cường Anh, Pháp, Ý, Nga đã chia nhau đế chế Ottoman, Nga lấy vùng các nước Trung Á sát với lãnh thổ Nga, Ý lấy phần Địa Trung Hải gần với Ý, Anh và Pháp chia nhau khu vực Trung Đông, Pháp lấy phía Bắc Phi gần các thuộc địa châu Phi của Pháp, Anh lấy vùng phía Nam gần Ấn độ, Ai Cập. Sự tan rã của đế chế Ottoman đã tạo ra nhiều nước mới và các nước thuộc thế giới Ả Rập ngày nay.

Bản báo cáo năm 1915 của Đại tá tình báo Thomas Edward Lawrence, có biệt danh “Lawrence Ả Rập” thuộc phòng tình báo Ả Rập đóng ở Cairo, Ai Cập có nhiệm vụ kêu gọi người Ả Rập nổi dậy chống lại đế quốc Ottoman của người Thổ có viết “ sự hợp tác của người Ả Rập sẽ có lợi cho chúng ta, đáp ứng các mục tiêu trước mắt như gây nên sự tan rã của “khối Hồi giáo” và đánh bại Đế chế Ottoman. Các tiểu vương quốc Ả Rập được thành lập thay thế người Thổ sẽ vô hại đối với chúng ta. Người Ả Rập có tính kỹ trị rất kém, không ổn định lớp lang như người Thổ. Nếu biết cách xử lý, các tiểu vương quốc này sẽ chỉ như những mảnh ghép trên bàn cờ chính trị, các lãnh chúa có tính đố kị, không có khả năng gắn kết với nhau”.

Đại tá tình báo Lawrence, Hoàng thân Emir Abdullah, Thống chế không quân Sir Geoffrey Salmond, tử tước Herbert Samuel, người Do Thái nhưng là Cao ủy Anh Quốc, Sir Wyndham Deedes tại Jerusalem
Đại tá Thomas Edward Lawrence và các sĩ quan phòng tình báo Ả Rập ở Ai Cập
Đại tá tình báo Lawrence, Hoàng thân Emir Abdullah và Thủ tướng Anh Winston Churchill ở Jerusalem năm 1921
Phim về sĩ quan tình báo Anh Lawrence Ả Rập

Thư từ trao đổi giữa Trung tá Sir Vincent Arthur Henry McMahon kiêm Cao ủy tại Ai Cập với Tiểu vương người Ả Rập tại Mecca, Hussein bin Ali Al-Hashimi cho thấy phía Anh hứa hẹn nếu người Ả Rập nổi dậy chống lại người Thổ thì khi đế chế Ottoman tan rã, họ sẽ được phép thành lập nhà nước Ả Rập. Phía Nga thì hứa hẹn với người Armenia.

Bức thư của Cao ủy Đế quốc Anh tại Ai Cập với Tiểu vương người Ả Rập tại Mecca, Hussein bin Ali Al-Hashimi ngày 24 tháng 10 năm 1915

Bức thư McMahon – Hussein ngày 24 tháng 10 năm 1915 sau này thường được phía Ả Rập lôi ra làm bằng chứng, là tài liệu lịch sử quan trọng nhất, bước ngoặt trong quan hệ giữa Anh quốc với Ả Rập, được coi là bằng chứng chính mà người Ả Rập buộc tội Anh Quốc đã không giữ đúng cam kết và phủ nhận những lời hứa của Vương quốc Anh với người Ả Rập về một quốc gia Ả Rập ở khu vực Đại Syria. Những người Kurd cũng cảm thấy bị lừa dối đến giờ họ cũng không có quốc gia riêng. Cuộc nổi dậy của người Ả Rập chống lại Ottoman bắt đầu tại Mecca vào ngày 10 tháng 6 năm 1916 với sự hậu thuẫn của Lực lượng viễn chinh Anh đóng tại Ai Cập đã thành công đánh đuổi quân đội Thổ ra khỏi vùng đất Hejaz (Ả Rập Xê Út) và Transjordan (bao gồm Israel và Palestine ngày nay).

Năm 1915, Anh và Pháp bí mật đi đêm đàm phán với nhau nếu thắng trận sẽ phân chia lãnh thổ của Ottoman thế nào. Đàm phán đến năm 1916, Hiệp ước mang tên hai nhà ngoại giao Anh và Pháp, Mark Sykes và François Georges-Picot, gọi là thỏa thuận Sykes–Picot, phân chia vùng đông của Trung Đông, còn gọi là Đại Syria được hai nhà nước thông qua. Hai ông này lấy bút vẽ lên bản đồ và các đường vẽ này sau cũng được gọi là đường chia cắt Sykes–Picot. Đế quốc Anh sẽ kiểm soát khu vực ngày nay là Israel, Palestine, Jordan, miền nam Iraq. Pháp kiểm soát đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, bắc Iraq, Syria và Lebanon. Hồ sơ giải mật sau này có cả cái bản đồ bí mật đó với nét bút vẽ đúng nghĩa đen.

Bản đồ mật của cuộc đàm phán Anh Pháp Sykes–Picot với các nét bút vẽ tay phân chia chiến lợi phẩm đất đai của đế chế Ottoman (chữ secret ở góc trên cùng bên trái): Nga được vùng màu vàng, Ý vùng màu xanh ngọc, Pháp vùng màu xanh nước biển, Anh vùng màu đỏ.

Như tôi đã nói ở kỳ trước về phong trào phục quốc Do thái và sức ảnh hưởng của các gia tộc ngân hàng, đầu tư tài chính và “buôn vua“ có thể can thiệp khắp thế giới.

Năm 1917, chính phủ Anh ra tuyên bố công khai thông báo ủng hộ việc thành lập "quốc gia cho người Do Thái" Palestine, mặc dù lúc đó vùng đất này vẫn thuộc đế chế Ottoman. Đích thân Ngoại trưởng Anh Arthur Balfour viết thư gửi cho Walter Rothschild, ông chủ ngân hàng kiêm lãnh tụ của Phong trào phục quốc Do thái và công nhận tổ chức này.

Thư của Ngoại trưởng Anh Arthur Balfour gửi cho Walter Rothschild, ông chủ ngân hàng kiêm lãnh tụ của Phong trào phục quốc Do thái ngày 2 tháng 11 năm 1917


Và tất nhiên, người Do Thái cũng lại lấy đây làm bằng chứng lịch sử.

Sau khi thế chiến thứ I kết thúc, Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc được thành lập ở Paris, Pháp) thành viên toàn ông lớn, tự bày trò ra chơi. Các vùng đất như Mesopotamia (bây giờ là Iraq) và Palestine được giao cho Anh, sau đó lại được chia thành Lãnh thổ Ủy trị Palestine và tiểu vương quốc Transjordan (1921-1946). Các vùng đất của đế chế Ottoman ở bán đảo Ả Rập trở thành vương quốc Hejaz (nay là Ả Rập Xê Út) và vương quốc Mutawakkilite (Yemen), một số vùng lãnh thổ khác nằm dưới sự bảo hộ của Anh sau này thành Kuwait, Bahrain, và Qatar. Người Thổ nổi dậy làm cách mạng và giữ được vùng đất Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

Các sự kiện sau đó đều bám theo hai lá thư trên ở cả hai phía Ả Rập và Do Thái. Biên bản của Hội nghị Hòa bình Paris 1919 có đề cập đến "Hiệp ước với người Ả Rập" của Phe Tứ Cường (Anh, Pháp, Mỹ, Ý) và vấn đề Lãnh thổ Ủy trị Palestine do Anh kiểm soát.

Đây mới chỉ là đến thời kỳ sau khi kết thúc Thế chiến thứ I, lúc này dân Ả Rập Palestine và dân Do Thái vẫn sống dưới sự kiểm soát trong lãnh thổ ủy trị bởi người Anh.

Thư trao đổi của ngài Rothschild gửi ngoại trưởng Balfour bàn về bản thảo tuyên bố ngày 18 tháng 7 năm 1917 đọc mới thấy dòng họ này quá xuất chúng.Thư có thể truy cập trong trang web lưu trữ của nhà Rothschild.
Bản tin trên báo The Times một tuần sau đó ngày 9/11/1917
Chia chác lãnh thổ của đế chế Ottoman tại Hiệp ước Sèvres
Bản đồ ký ngày 8/5/1916
Bản tin của thông tấn Reuter về vùng ủy trị Palestine.Chú ý những cái tên được gạch đỏ sẽ thấy những nhân vật Do Thái cực số má trong chính quyền từ Anh quốc cho đến Hoa kỳ: (1) Tử tước Herbert Samuel, Bộ trưởng nội các, lãnh tụ đảng lao động lúc này đang chiếm số đông trong nghị viện và cầm quyền ở Anh (2) Chaim Weizmann, lãnh đạo phong trào phục quốc Do Thái và sau này là Tổng Thống đầu tiên của Israel (3) Thẩm phán tối cao Hoa Kỳ Louis Brandeis

Phần IV: Hình thành nhà nước Do Thái

Trong Thế chiến thứ II, người Do Thái bị phát xít Đức lùa khỏi châu Âu đưa vào trại tập trung và diệt chủng. Người Do Thái trở về cố hương ngày càng đông. Mâu thuẫn giữa người Ả Rập và Do Thái ngày càng lớn. Lời hiệu triệu của phong trào phục quốc thành lập quốc gia Do thái gây nên phản ứng quyết liệt từ phía dân cư Ả rập bản địa. Ngay từ những năm 1920, các báo Ả Rập đã phản đối phán quyết Balfour và cho đó là sự phản bội lời hứa với người Ả Rập.

Bài phản đối của phía Ả Rập trên báo La Palestine ngày 25/3/1925.

Đầu những năm 1930, một số Đảng phái của người Palestine trở nên mất kiên nhẫn với chính quyền ủy trị của Anh, nên bắt đầu một phong trào bài Do thái và chống đối chính quyền Anh. Đầu tiên cũng chỉ tổ chức tẩy chay và bất hợp tác nhưng ngay lập tức những phong trào mới khởi phát này đều bị dập tắt bởi bộ máy chính quyền Anh. Rồi xảy ra vụ “giáo trưởng Hồi giáo” Izz ad-Din al-Qassam bị cảnh sát Anh sát hại năm 1935 làm cho người Hồi giáo tức giận, nổ ra cuộc tổng bãi công đồng loạt diễn ra kéo dài suốt một năm. Đỉnh điểm nằm ở việc hàng ngàn mẫu ruộng và vườn cây của người Do thái bị chặt phá, người Do thái bị tấn công và bị giết hại, khiến cho một số cộng đồng Do thái, như ở Beisan và Acre, phải bỏ chạy lánh nạn. Các lãnh đạo Do Thái thành lập một tổ chức bán vũ Haganah để bảo vệ khu định cư Do Thái, sau trở thành hạt nhân của Lực lượng Quốc phòng Israel.

Chiến tranh Thế giới thứ II nổ ra, Anh cũng như Pháp sử dụng lính thuộc địa. Anh sử dụng lính Ấn, Ả Rập và thành lập cả Lữ đoàn Do Thái. Lá cờ Do Thái đầu tiên chính là là cờ Zion của những người thuộc phong trào phục quốc Do Thái sử dụng cho lữ đoàn này.

Sau khi thế chiến chấm dứt, ngày 29 tháng 11 năm 1947, Đại hội đồng Liên hiệp quốc ra nghị quyết số 181, phân chia vùng đất Palestine thành hai quốc gia Do thái và Ả rập. Người Do thái là thiểu số ít dân hơn nhưng được 56% lãnh thổ, người Palestine cư ngụ ở đây suốt hàng nghìn năm có thể coi là bản địa và có dân số lớn nhưng chỉ được 42% lãnh thổ. Dân Do Thái ăn mừng, sau khi bị đuổi khỏi châu Âu, bị diệt chủng, nay tự nhiên có đất cắm dùi, lại được sự công nhận của “cộng đồng quốc tế” và có lãnh thổ của riêng mình. Người Ả rập thì tức giận. Họ cho rằng kế hoạch phân chia là không công bằng. Liên đoàn Ả rập chống đối quyết liệt kế hoạch của Liên hiệp quốc, thậm chí bác bỏ quyền của Liên hiệp quốc can thiệp vào khu vực này. Họ trích dẫn "theo các điều khoản Hiến chương Liên hiệp quốc, quyền cai quản Palestine phải thuộc về cư dân của vùng đất đó".

Theo Điều 73b của Hiến chương, Liên hiệp quốc phải dựng lên chính quyền tự quản của chính người dân sống trong lãnh thổ đó. Cũng chẳng có cuộc trưng cầu dân ý hay bỏ phiếu nào cả, toàn mấy ông anh lớn ngồi vẽ ra. “Cộng đồng quốc tế” chính là khối đồng minh vừa chiến thắng phát xít Đức với các ông lớn là Mỹ, Anh, Nga đều ủng hộ Do Thái. Cộng đồng Ả rập tỏ ra hết sức bất mãn, chuyện gì đến sẽ đến, xung đột nổ ra, ngày càng lan rộng, chém giết, báo thù, nợ máu phải trả máu cứ thế nối tiếp nhau. Rồi các cuộc chiến tranh Ả Rập – Israel sau này mọi người đều đã biết. Truyền thông sách báo thường ca ngợi Israel. Tất nhiên là dân tộc Do Thái không chỉ giỏi lobby, ngoại giao, kêu gọi được các cường quốc ủng hộ trên mặt trận ngoại giao mà họ cũng chiến đấu bất khuất, vì sự thực họ cũng không có đường lùi, vừa từ cõi chết chở về, nếu bỏ mảnh đất này đi thì đi đâu? Điều quan trọng là họ được cả Nga lẫn Mỹ, hai cường quốc lớn nhất thế giới đứng chống lưng phía sau, chứ không đơn giản là chỉ một mình Israel chống chọi với cả khối Ả Rập. Trong khi vào thời kỳ chiến tranh lạnh, các nước chỉ có thể chọn một là theo Mỹ hai là theo Nga.

Bản đồ phân chia lãnh thổ khu vực Palestine của LHQ năm 1947 cho người Do Thái và Ả Rập. Sự phân chia lãnh thổ theo kiểu đan xen chứ không chia theo trục Nam-Bắc hay Đông Tây như một loạt nước bị chia cắt sau Thế chiến vì vậy cực khó thống nhất và sự bất đồng, xung đột chắc chắn sẽ còn âm ỉ kéo dài
Nhà bác học nổi tiếng Albert Einstein và phu nhân Elsa sang thăm Jerusalem năm 1921 kêu gọi sự hỗ trợ và ủng hộ cho phong trào phục quốc Do Thái.Ảnh chụp tại dinh toàn quyền cùng với Tử tước Herbert Samuel cũng là một người Do Thái nhưng là quan chức cao cấp trong chính phủ Anh, lúc này là Cao ủy Anh quốc tại Palestine.
Bức ảnh này chụp năm 1918, đã bắt đầu có khu Do Thái trong thành cổ Jerusalem, còn trước đó người Do Thái bị cấm.
Vụ bạo loạn Jerusalem ngày 4/ 4/1920
Đây là tấm bản đồ xuất bản năm 1853 của S. A. Mitchell Sr. ở Philadelphia, Hoa Kỳ về vùng đất Palestine. Bản đồ mô tả toàn bộ khu vực một cách chi tiết và chính xác đáng kinh ngạc. Khi bản đồ này được xuất bản, toàn bộ khu vực này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Đế chế Ottoman. Tên các địa danh được ghi là các tỉnh của đế quốc Ottoman, được mã hóa bằng màu sắc và đánh số rất khoa học. Một bản đồ thu nhỏ ở góc phía trên bên trái là phóng to khu vực thành cổ Jerusalem. Chú thích ở góc dưới bên phải bản đồ ghi chú chi tiết các vùng đất của người Israel, các di tích lịch sử, nhận xét về Biển Chết và Sông Jordan. Lúc này chưa có các làn sóng người Do Thái hồi cố hương.Bản đồ cũng mô tả dải Gaza ở góc dưới cùng bên trái với mầu hồng nằm cạnh vùng Judah. Câu chuyện về người lập bản đồ cũng thú vị. S. A. Mitchell Sr. sinh ra ở Connecticut, Hoa Kỳ, vốn là một thầy giáo địa lý. Khi giảng dạy ông thấy các bản đồ vẽ sai, không chính xác nên ông mới nghiên cứu vẽ bản đồ và sau này trở nên nổi tiếng về việc xuất bản bản đồ. Bản đồ này hiện nằm ở Thư viện Quốc hội Mỹ và có thể truy cập online.

Phần V: Dầu lửa - bàn cờ lớn và những ván cờ nhỏ

Bốn thiên niên kỷ trước, người Babylon ở Trung Đông đã biết sử dụng dầu mỏ và nhựa đường. Năm 1795, những nhà thám hiểm người Anh đã ghi nhận về khai thác dầu khí ở phương Đông. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp cơ khí, hóa chất, luyện thép, động cơ, vũ khí liên quan mật thiết đến dầu mỏ. Dầu mỏ và kiểm soát các mỏ dầu khí là một trong những yếu tố chính trong các cuộc chiến tranh và xung đột quân sự bắt đầu từ đây và cho đến bây giờ vẫn chưa kết thúc.

Vào cuối thế kỷ 19, Đế quốc Nga là quốc gia đầu tiên phát triển ngành khai thác dầu quy mô công nghiệp ở Trung Á , các mỏ dầu ở Baku, Azerbaijan với hơn 3000 giếng dầu là lớn nhất thế giới vào thời bấy giờ. Trung Á ngay sát Trung Đông nhưng lúc này đế quốc Ottoman chưa biết khai thác dầu và các quốc gia Ả Rập chưa ra đời, vẫn chỉ là những tỉnh của đế chế Ottoman, các tù trưởng vẫn cưỡi lạc đà chứ chưa cưỡi bò sắt Lamborghini với bay Private jet bọc vàng như bây giờ.

Lúc này Đế quốc Anh đã bình định xong Ấn độnhưng chỉ khai thác khoáng sản, bông, chè, thuốc phiện, nông sản chứ không có dầu mỏ.

Trong suốt thế kỷ 19, Đế quốc Anh và Đế quốc Nga, đều đang cố gắng mở rộng quyền lực ở khu vực Trung Á, gầm ghè nhau ở khu vực lãnh thổ của Ottoman nằm giữa thuộc địa Ấn độ, Ai Cập của Anh và vùng Trung Á của đế quốc Nga.

Các nước Ả Rập ra đời và kỷ nguyên dầu mỏ

Trong lịch sử, khu vực Vịnh Ả Rập bao gồm nhiều bộ lạc được cai trị bởi các tù trưởng sa mạc. Ví dụ như dòng họ tù trưởng Al-Khalifa đã cai trị Bahrain từ những năm 1870; dòng họ Al-Thani ở Qatar từ những năm 1820; dòng họ Al-Sabah ở Kuwait từ năm 1718; dòng họ Al-Sa‘ud ở Ả Rập Xê Út; dòng họ Al-Bu Sa‘id ở Oman từ 1750; và các dòng họ cai trị của các vương quốc Shaykh tạo nên UAE.

Trước khi phát hiện ra dầu mỏ, khu vực này có lẽ là một trong những khu vực nghèo nhất trên thế giới, đất đai không có, sa mạc toàn cát là cát, một vùng đất chó ăn đá, gà ăn sỏi, thi thoảng có vài ốc đảo có nguồn nước, nền kinh tế du mục truyền thống, các vùng đất ven biển có khá hơn nhờ nghề lặn mò ngọc trai và hàng hải.
Thời tiết khắc nghiệt, điều kiện kinh tế xã hội kém, dân cư thưa thớt và cũng chẳng ai buồn để ý đến khu vực này. Vào cuối Thế chiến thứ nhất, dân số của khu vực ngày nay là Bahrain, Qatar, Kuwait chỉ khoảng 175.000 người, 80.000 ở UAE ngày nay, khoảng 2 triệu ở Ả Rập Xê Út, Oman và các vùng còn lại. Những người nước ngoài duy nhất có mặt ở vùng đất này trước khi bắt đầu kỷ nguyên dầu mỏ là các quan chức người Thổ, các thương nhân từ Ấn Độ, châu Âu, Thổ đến buôn bán trên lưng những con lạc đà hay những thương thuyền ghé vào trao đổi. Ngay như trong suốt 2 thập kỷ di cư về lại cố quốc đầu tiên của người Do Thái từ 1881-1903 cũng chỉ có khoảng 35 nghìn người.

Nhưng kỷ nguyên dầu mỏ đã thay đổi tất cả. Đầu tiên dầu được khai thác ở Ba Tư năm 1908, sau đó ở Bahrain vào năm 1932, Ả Rập Saudi và Kuwait vào năm 1938, ở Qatar vào năm 1940, ở UAE vào năm 1952 và cuối cùng là ở Oman năm 1967. Theo như các chuyên gia dự đoán, khoảng 80% trữ lượng dầu mỏ có thể tiếp cận được của thế giới nằm ở Trung Đông, với 62,5% đến từ 5 quốc gia Ả Rập: Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Iraq, Qatar và Kuwait. Người từ khắp thế giới kéo đến kiếm vàng đen, số lượng người nước ngoài ở khu vực Trung Đông khéo nhiều hơn người bản địa.

Ngày từ Thế chiến thứ nhất, quân Phổ đã cử kỹ sư sang khai thác tới 10.000 gallon (khoảng 240 thùng) dầu mỗi ngày từ mỏ lộ thiên Qaiyara, nơi các giếng dầu nguyên thủy hoạt động từ hàng trăm năm trước, chỉ việc hút dầu lên.

Ngay từ nhưng năm 30 của thế kỷ trước đã có những tay “buôn thế giới” nói với các tù trưởng bộ lạc sa mạc đang ở lều cưỡi lạc đà “Tôi sẽ biến ông thành người giàu có hơn cả hoàng gia Anh” và quả nhiên đúng vậy. Các nước Ả Rập ngày nay chỉ mới ra đời chưa được trăm năm nhưng đã trở nên cực kỳ thịnh vượng và giàu có. Các vùng đất như Kuwait và Bahrain đều là lãnh thổ nằm dưới sự bảo vệ của đế quốc Anh và chỉ độc lập vào thập niên 1960 và 1970.
Vào thập niên 70, Ả Rập Xê Út liên kết với các quốc gia Ả Rập khác đã sử dụng cấm vận dầu thô gây ra khủng hoảng dầu mỏ để gây áp lực với Hoa Kỳ và phương Tây vì ủng hộ Israel.

Một trong những lý do xâm chiếm châu Phi cũng như tấn công Nga của phát xít Đức là để bảo đảm an ninh năng lượng, mong muốn sở hữu những giếng dầu. Sau này thì không chỉ có Anh, Nga mà còn Mỹ và mới đây là Trung Quốc, những người khổng lồ cần nhiều năng lượng cũng đều thò mũi vào những khu vực có vàng đen. Suốt một thập kỷ ve vãn, cuối tháng 3/2021 vừa rồi, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm sáu quốc gia ở Trung Đông: Ả Rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oman, Bahrain và phát đi tín hiệu rất rõ ràng rằng Trung Quốc đang chuẩn bị đóng một vai trò chính trị lớn hơn ở Trung Đông. Trung quốc ký hiệp ước hợp tác trị giá 450 tỷ với Iran, nhắc lại truyền thống con đường tơ lụa cổ xưa với các nước Ả Rập và Hoa Vĩ phủ sóng 5G cho con đường tơ lụa kỷ nguyên số (digital silk road). Mới đây Trung Quốc còn đưa ra lời mời tổ chức hội nghị đàm phán hòa bình cho Israel và Palestine ở Bắc Kinh.

China offers to host Israeli-Palestinian peace talks
Beijing uses chairmanship of UN Security Council to press for immediate ceasefire and resumption of dialogue on two-state solution.
Trung Quốc muốn làm trung gian tổ chức hội nghị đàm phán hòa bình cho Israel và Palestine

Phim điện ảnh Vàng Đen (Black Gold) được chính phủ Qatar bỏ tiền thuê Holywood làm với tài tử Antonio Banderas thủ vai chính nói về thập niên 1930 chuyện gì xảy ra ở mấy nước Ả Rập vừa ra đời sau thế chiến thứ I và buổi bình minh của kỷ nguyên khai thác dầu và chiến tranh giành lãnh địa khai thác dầu mỏ. Một phim cũng rất đáng xem

Máu và Dầu mỏ: Trung Đông trong Thế Chiến thứ I (Blood and Oil: The Middle East in World War I) phim tài liệu được giải rất hay
Quân Phổ ở Jerusalem năm 1914
Hoàng đế Phổ Wilhelm II sang Jerusalem năm 1898.Xem bộ ảnh tư liệu người Đức chụp trên Bundesarchiv rất đẹp và có nhiều chi tiết thú vị. Jerusalem đúng là một trung tâm văn hóa và giao thương thế giới, có khách sạn, bưu điện, v...v